Dòng sản phẩm này khá đa dạng khi có cả điện thoại tính năng cơ bản (feature phone) cho tới smartphone chạy Android, với giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Để nạp pin cho máy khác, một vài sản phẩm tích hợp sẵn cổng USB kích thước tiêu chuẩn, nhưng đa phần đều cần jack chuyển USB OTG.
Philips E180 (790.000 đồng)
E180 là model rẻ nhất nhờ nằm trong phân khúc điện thoại cơ bản. Với viên pin dung lượng 3.100 mAh, thời gian chờ của điện thoại 2 sim này lên tới cả tháng. Còn tính năng sạc pin trên E180 khá tiện dụng khi cổng USB tiêu chuẩn được tích hợp sẵn ở cạnh đáy. Người dùng chỉ cần cắm cáp microUSB hay Lightning để sạc cho smartphone Android hay iPhone, như cách dùng với pin dự phòng thông thường.
Philips E330 (1,29 triệu đồng)
Cũng là feature phone nhưng E330 mới và có giá bán đắt hơn khá nhiều so với E180. Mẫu của Philips có pin được tăng lên 4.050 mAh và cho thời gian chờ về lý thuyết lên tới 4 tháng. E330 cũng có thể dùng được như pin dự phòng để nạp điện cho smartphone khác. Tuy vậy, máy cần có thêm jack chuyển cổng USB OTG.
Mobiistar Lai Yollo (2,39 triệu đồng)
So với điện thoại cơ bản, smartphone pin "khủng" kiêm pin dự phòng đem tới nhiều lựa chọn hơn. Lai Yollo là model rẻ nhất, chạy Android với cấu hình phổ thông khi dùng chip MediaTek 4 nhân 1,3 GHz, RAM 1 GB. Tuy nhiên, pin của máy lên tới 4.000 mAh và có thể dùng để sạc lại đầy một lần pin cho phablet cỡ như Galaxy Note 5 hay iPhone 6s Plus.
Lenovo Vibe P1m (3,19 triệu đồng)
Vibe P1m được trang bị cấu hình tốt hơn Lai Yollo khi dùng chip 4 nhân 64-bit cùng với RAM 2 GB và màn hình IPS 5 inch chuẩn HD. Viên pin dung lượng 4.000 mAh trên máy ngoài việc kéo dài thời gian sử dụng còn cho phép dùng để sạc pin cho iPhone hay smartphone Android bất kỳ. Tuy nhiên, tốc độ sạc pin của Vibe P1m chậm khi chỉ hỗ trợ dòng ra 0,5A.
Gionee M5 mini (3,3 triệu đồng)
M5 mini có hiệu năng và thời lượng pin tương đương Vibe P1m khi cũng dùng chip 4 nhân 1,3 GHz, RAM 2GB cùng với màn hình HD 5 inch công nghệ IPS. Pin đi kèm với sản phẩm này cũng không khác khi có dung lượng 4.000 mAh. So với đối thủ tới từ Lenovo, Gionee M5 mini cũng sạc được pin cho điện thoại khác nhưng cho tốc độ nhanh hơn.
Asus Zenfone Max (4,49 triệu đồng)
Với lợi thế về kích thước của một phablet màn hình 5,5 inch, Zenfone Max được trang bị pin lên tới 5.000 mAh, gấp đôi iPhone 6s Plus của Apple. Thời gian chờ lý thuyết của sản phẩm này lên tới hơn 1 tháng, còn thời gian hoạt động liên tục 2 ngày. Với đầu chuyển USB OTG, Zenfone Max có thể nạp pin cho smartphone như pin dự phòng.
Lenovo Vibe P1 (6,69 triệu đồng)
Vibe P1 có thể coi là viên pin dự phòng cao cấp nhất khi sở hữu màn hình Full HD 5,5 inch, cấu hình cao chạy Android Lollipop với chip 8 nhân 1,5 GHz. Thậm chí, sản phẩm còn được trang bị cảm biến vân tay và thiết kế vỏ kim loại nguyên khối. So với "đàn em" Vibe P1m, pin của P1 lớn hơn khi có dung lượng 5.000 mAh và thời gian dùng tới 3 ngày. Ngoài việc sạc cho điện thoại khác, Vibe P1 còn có thể dùng cáp để sao chép hình ảnh video hay dữ liệu từ smartphone Android khác cũng như iPhone
Outkitel K10000 (4,9 triệu đồng)
Xét về dung lượng, K10000 là smartphone có pin lớn nhất trên thị trường khi lên tới 10.000 mAh, gấp ba lần iPhone 6s Plus hay Galaxy Note 5. Thậm chí, 10 chiếc Outkitel K10000 được nối ghép lại có thể đủ điện cho một chiếc bếp lẩu đun sôi nước nấu mỳ.
Pin lớn khiến sản phẩm rất dày và nặng nề. Bù lại, máy có khung vỏ bằng thép cứng và thiết kế góc cạnh trông khá giống dòng smartphone hạng sáng Vertu. OutKitel K10000 mới có mặt ở Việt Nam theo đường xách tay và phải tới tháng 6 sản phẩm mới được phân phối chính hãng.