Samsung Galaxy S6 là một chiếc điện thoại có thiết kế đẹp và dễ nhìn. Nó không phải là một cái gì đó quá đặc biệt như S6 Edge, nhưng là cái dễ chấp nhận và dễ dùng nhất trong 2 máy. Nếu như sự độc đáo của S6 Edge mang lại hệ quả là hơi cấn tay và rất khó dùng khi nằm thì S6 lại truyền thống hơn, chúng ta có thể sử dụng khá dễ dàng.
Người ta nói S6 giống iPhone 6, nhưng có rất nhiều sự khác biệt giữa 2 chiếc máy này. Galaxy S6 được thiết kế khung dựng đứng, không cong và sử dụng những đường cắt diamond cut ở khu vực tiếp giáp giữa viền màn hình và khung máy. Trong khi đó, iPhone 6 lại đặt khung máy hơi cong, bóp thẳng vào phần dưới mép màn hình tạo cảm giác liền lạc hơn. Với hai cách thiết kế khác nhau như vậy, bạn có thể thấy Galaxy S6 tận dụng không gian tốt hơn, làm cho chiếc máy nhỏ hơn một chút so với kích cỡ màn hình. Bù lại, khi tay chạm vào mép tiếp xúc nó sẽ có cảm giác hơi gợn nhẹ. Samsung đã cố gắng khắc phục điều này bằng cách vuốt mép màn hình cong nhẹ xuống, hơi cao hơn khung nhôm một chút nhưng nhiều vị trí vẫn không thật sự đều và vẫn cảm nhận được sự tách biệt giữa bộ khung và màn hình. Tất nhiên, đã lên tới phân khúc cao cấp thì chỉ một khác biệt nhỏ cũng làm nên chuyện, nếu bạn cảm thấy sự tách biệt này không phải là vấn đề thì S6 vẫn là một chiếc điện thoại rất tuyệt vời.
Như đã nói, S6 trông cứng cáp hơn hẳn vẻ nhẹ nhàng thường thấy trên các điện thoại Samsung. Điều này một phần lớn là nhờ công của hai đường phay nhôm chạy dọc hai bên cạnh trái và phải. 2 đường thẳng này khá độc đáo, nó tạo điểm tựa cho tay chúng ta khi cầm, hoàn toàn không bị trơn tuột như các điện thoại có kiểu thiết kế cong khác. Samsung cũng đủ tinh ý để dừng các đường phay này tại khu vực gần mép mà không kéo dài xuống dưới, nơi mép tay chúng ta tiếp xúc với các cạnh.
Đã tinh ý nhưng Samsung lại thực hiện chưa tới, đặc biệt dễ thấy ở cách mà họ đặt các nút bấm hay kết nối. Để ý kỹ, bạn sẽ thấy các vị trí nút bấm không nằm ngay tâm của cạnh bên, nó lệch hẳn xuống dưới hoặc cao thấp khác nhau, nhìn khá lộn xộn và khó chịu. Bản thân một chiếc điện thoại cao cấp khác là HTC One M9 cũng mắc lỗi này, nhưng Samsung có quá nhiều chi tiết và làm S6 trông còn rối hơn nữa. Để ý kỹ, 2 chiếc điện thoại đầu bảng của Apple và Nokia (930) hoàn toàn không gặp tình trạng này, tất cả các cổng kết nối, các nút bấm đều được đặt ngay tâm của đường kẻ cạnh bên, rất đều và không hề gây cảm giác lộn xộn.
Nếu bạn vẫn chưa hiểu, hãy lấy iPhone 6 làm ví dụ. Nhìn vào cạnh dưới, từ trái sáng phải: jack tai nghe, lỗ mic, 2 lỗ vít, cổng Lightning, 6 lỗ loa, tất cả đều nằm trên một đường thẳng đồng tâm. Quay sang Galaxy S6, cùng từ trái sang phải: jack tai nghe đồng tâm với đường thẳng đáy máy, cổng microUSB tụt xuống dưới, microphone tụt xuống dưới, 10 lỗ loa hơi lệch lên trên, rất lộn xộn.
Tại sao chúng ta phải nói đến những điều này ở đây, đơn giản vì Galaxy S6 và S6 Edge đang là những chiếc điện thoại đầu bảng có giá thuộc loại cao nhất xét trên phạm vi toàn cầu. Và ở mức cao cấp như vậy thì người dùng có quyền đòi hỏi một cái gì đó chăm chút hơn, tuyệt vời hơn.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, Galaxy S6 là một nỗ lực rất lớn của Samsung trong việc thay đổi chính mình. Việc tái sắp xếp các thành phần bên trong để tạo ra một bề ngoài hoàn hảo hơn cần rất thiết công sức và có lẽ nó quá khó để Samsung có thể thực hiện trong những lần đầu tiên này. Nếu như so với S5 thì rõ ràng S6 đã hoàn hảo và tuyệt vời hơn rất nhiều lần, nó cũng xứng đáng hơn nhiều với số tiền hơn 16 triệu đồng mà chúng ta phải bỏ ra để mua máy.
Điểm cuối cùng cần nhắc đến ở đây là loại nhôm mà Samsung sử dụng. Công ty Hàn Quốc cho biết họ dùng hợp kim nhôm (nhôm, ma-nhê, silic) có mã số 6013 để chế tạo Galaxy S6. Thông tin cho biết 6013 cứng hơn 1.5 lần và khó bị trầy gấp 1.2 lần so với nhôm 6003 mà người ta tin rằng Apple sử dụng trên iPhone 6.
Màn hình:
Samsung Galaxy S6 là chiếc điện thoại thứ 2 của Samsung sau Note 4/Note 4 Edge sử dụng tấm nền 2K, và tất nhiên, công nghệ chủ đạo vẫn là AMOLED. Có nhiều tranh cãi về việc sử dụng tấm nền 2K trên điện thoại là phí phạm, gây tốn pin (LG G3 so với LG G2 là ví dụ dễ thấy nhất) nhưng cá nhân mình thì vẫn ủng hộ độ phân giải này, đặc biệt là đối với màn hình kiểu Samsung. Đào sâu hơn một chút, Galaxy S6 vẫn tiếp tục sử dụng cách sắp xếp điểm ảnh theo kiểu Pentile thay vì RGB như bình thường, và họ sử dụng Pentile Diamond RGBG.
Tại sao màn hình 2K lại tốt hơn đối với AMOLED Pentile và nó không quá “dư thừa” như LCD mà các nhà sản xuất khác đang sử dụng? Đó là vì nếu bạn nhìn vào từng điểm ảnh con (subpixel), bản chất của Pentile Diamond sẽ có 1.8 triệu điểm ảnh con đỏ, 1.8 triệu điểm ảnh con xanh dương và 3.7 triệu điểm ảnh con xanh lá. Tổng cộng lại, bạn sẽ có khoảng 7.3 triệu điểm ảnh con. Với màn hình RGB LCD 2560x1440 thường thấy, độ phân giải này sẽ có tổng cộng khoảng gần 12 triệu điểm ảnh con với khoảng 3.7 triệu điểm ảnh con cho mỗi màu sắc.
Quay trở lại Galaxy S5, tổng số điểm ảnh con của nó là khoảng 4 triệu, thấp hơn so với 6 triệu của LCD FullHD RGB và tất nhiên là thua gần một nửa so với AMOLED Pentile Diamond 7.3 triệu điểm ảnh 2560x1440 mà S6 sử dụng. Đây chính là lý do mà nhiều người cho rằng màn hình S5 không sắc nét bằng các màn hình đối thủ dù độ phân giải là như nhau.
Samsung Galaxy S6 là chiếc điện thoại thứ 2 của Samsung sau Note 4/Note 4 Edge sử dụng tấm nền 2K, và tất nhiên, công nghệ chủ đạo vẫn là AMOLED. Có nhiều tranh cãi về việc sử dụng tấm nền 2K trên điện thoại là phí phạm, gây tốn pin (LG G3 so với LG G2 là ví dụ dễ thấy nhất) nhưng cá nhân mình thì vẫn ủng hộ độ phân giải này, đặc biệt là đối với màn hình kiểu Samsung. Đào sâu hơn một chút, Galaxy S6 vẫn tiếp tục sử dụng cách sắp xếp điểm ảnh theo kiểu Pentile thay vì RGB như bình thường, và họ sử dụng Pentile Diamond RGBG.