Bạn đang có ý định mua smartphone, bạn đang phân vân khi chọn mua smartphone. Bạn không biết phải lựa chọn thông số kỹ thuật giữa các smartphone khác nhau như thế nào, Màn hình cảm ứng điện dung và màn hình cảm ứng điện trở khác nhau như thế nào? Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ các thông số kỹ thuật phổ biếncủa Nhữngchiếc điện thoại thông minh smartphone (ĐTTM).
Bộ xử lý
Bộ xử lý có thể xem như bộ não của ĐTTM, xử lý toàn bộ các tác vụ và mọi hoạt động trên thiết bị. Bộ xử lý có thể là một mạch tích hợp hoặc là chip. Hiện có khá nhiều ĐTTM trang bị bộ xử lý 1GHz của các hãng chế tạo bộ xử lý lớn như Samsung (Hummingbird, Apple), Qualcomm (Snapdragon) and Texas Instruments (OMAP). Vậy bộ xử lý 1GHz là gì ?
Bộ xử lý 1GHz có khả năng xử lý mọi tác vụ hệ thống và tăng tốc phần cứng đa phương tiện ở tốc độ xung nhịp cao với mức tiêu thụ điện năng thấp. Ngoài ra, bộ xử lý còn kết hợp với phần mềm để giải mã video độ nét cao và giúp lướt web nhanh và mượt mà hơn. Khi mua ĐTTM, bạn nên dành thời gian để thử nghiệm hàng loạt các tác vụ mà bạn sẽ sử dụng. Nếu bạn thường xem phim, nghe nhạc, lướt web, chạy nhiều ứng dụng phức tạp trong khoảng thời gian dài thì hãy chọn ĐTTM có bộ xử lý 1GHz. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu thêm thông tin về bộ xử lý đó, chẳng hạn công ty nào chế tạo, đánh giá của những người đã dùng qua ĐTTM mà bạn dự định chọn mua…
RAM
Giống như một chiếc máy tính, ĐTTM cũng có khả năng chạy đồng thời nhiều ứng dụng, tùy thuộc dung lượng bộ nhớ RAM trên máy.Bạn nên tìm hiểu thông tin dung lượng RAM trước khi quyết định mua vìCác nhà cung cấp ít khi quảng cáo dung lượng RAM trên một mẫu ĐTTM. Các dòng ĐTTM tầm trung hay trước đây thường có dung lượng RAM khoảng 256MB, đủ chạy một số ứng dụng mà không làm giảm hiệu suất hoạt động. Các dòng ĐTTM cao cấp, chẳng hạn iPhone 4, Samsung Nexus S, được trang bị 512MB RAM, có thể chạy nhiều ứng dụng đồng thời mà không làm ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động.
RAM dung lượng 256MB đủ cho những ai dùng ĐTTM để nhắn tin, gọi và nhận cuộc gọi, lướt web, chơi một số game. Với các ứng dụng đa tác vụ, nặng hơn đòi hỏi tối thiểu 512MB RAM.
Màn hình
Nếu có ý định mua ĐTTM có màn hình tương đối lớn, độ phân giải cao để gửi nhận tin nhắn, lướt web, xem phim thì màn hình 2,7” phù hợp với bạn, nhưng nếu bạn muốn kiểm tra email, truy cập trang web ở định dạng thông thường (như trên máy tính) thì bạn sẽ cần đến màn hình 3,5” hay lớn hơn.
Hiện nay, hầu hết ĐTTM và điện thoại di động thông thường đều dùng màn hình công nghệ LCD (liquid crystal display), cho hình ảnh sắc nét và giá cạnh tranh. Có 2 kiểu màn hình LCD chính trên điện thoại. TFT (thin-film transistor), IPS-LCD (in-plane-switching LCD).Màn hình TFT dùng công nghệ bóng bán dẫn màng mỏng (thin-film transistor) giúp cải thiện chất lượng hình ảnh. Tuy nhiên, công nghệ này có góc nhìn hẹp và không hiển thị tốt dưới ánh sáng trực tiếp. Màn hình TFT tiêu tốn khá nhiều năng lượng. Do đó TFT thường được dùng trên các dòng điện thoại di động cấp thấp.
Màn hình IPS-LCD, hiện diện trên iPhone 4 và Motorola Droid X (được gắn nhãn “Retina Display”), giúp cải thiện góc nhìn và tiêu thụ ít điện năng hơn so với màn hình TFT LCD. Các điện thoại hiệu năng cao thường dùng màn hình IPS-LCD.
Công nghệ màn hình AMOLED (Active-matrix organic light-emitting diode) phổ biến trên các dòng điện thoại cao cấp như Google Nexus One, HTC Droid Incredible. Màn hình AMOLED hiển thị tốt dưới ánh sáng trực tiếp, tuy nhiên, một số người dùng cho rằng AMOLED cho màu sắc quá đậm. Qua thực tế sử dụng, AMOLED cũng tiêu tốn nhiều năng lượng như màn hình LCD.
Samsung Galaxy S là điện thoại đầu tiên dùng công nghệ Super AMOLED, công nghệ do chính Samsung phát triển. Super AMOLED đặt bộ cảm biến chạm ngay trên màn hình, không tạo lớp riêng biệt, điều này giúp Super AMOLED trở thành công nghệ màn hình mỏng nhất hiện nay trên thị trường. Và Super AMOLED có mức phản hồi tốt hơn so với các màn hình AMOLED khác.
Màn hình cảm ứng
ĐTTM màn hình cảm ứng tiếp xúc trực tiếp với giao diện và hệ điều hành của điện thoại. Hiện nay, có 2 kiểu màn hình chạm được dùng trên ĐTTM là cảm ứng điện trở và cảm ứng điện dung. Màn hình cảm ứng điện trở gồm 2 lớp vật liệu dẫn điện, khoảng cách giữa 2 lớp này rất nhỏ. Khi người dùng chạm ngón tay vào một điểm trên màn hình, 2 lớp vật liệu dẫn điện này sẽ chạm vào nhau và tạo thành mạch điện tại vị trí ngón tay chạm. Thông tin từ mạch điện này sẽ được truyền tới bộ xử lý của ĐTTM.
Màn hình cảm ứng điện dung thường hiện diện trên các dòng ĐTTM cao cấp như HTC EVO 4G, Motorola Droid, iPhone. Màn hình cảm ứng điện dung gồm một lớp kính được phủ lớp dẫn trong suốt. Bản thân cơ thể con người cũng dẫn điện, vì vậy khi chạm ngón tay vào màn hình, bạn đã làm gián đoạn tĩnh điện ngay tại vị trí chạm.
Pin
Hầu hết điện thoại đều dùng pin Lithium-ion (Li-ion); lithium là hóa chất bên trong pin (battery cell), chúng di chuyển đến cực âm của pin và tạo ra dòng diện. Pin Li-ion có thể sạc và dùng lại, tuổi thọ gấp 2 đến 3 lần so với pin kiềm (alkaline).
Điện thoại có màn hình lớn thường dùng pin Li-ion 1500mAH, điện thoại có màn hình nhỏ hơn thường dùng pin Li-ion 1400mAH.
Nếu bạn cần thời gian dùng pin dài hơn so với pin đi kèm theo điện thoại, bạn có thể tự trang bị cho mình pin Li-ion có dung lượng cao hơn. Bạn cũng nên lưu ý, thời gian chờ và thời gian nhận/thực hiện cuộc gọi sẽ khác nhau tùy theo số ứng dụng điện thoại đang chạy, độ sáng màn hình, chức năng Wi-Fi/GPS hay 4G mở hay tắt,…
Máy ảnh (Camera)
Thông số megapixel cho biết kích thước bộ cảm biến của máy ảnh (bộ cảm biến bên trong máy ảnh có chức năng chuyển đổi hình ảnh quang học thành tính hiệu điện tử). Điểm ảnh (pixel) càng cao thì độ phân giải hình ảnh càng cao. Tuy nhiên, nếu chỉ xem ảnh trên điện thoại hay trên máy tính, bạn sẽ khó có thể phân biệt chất lượng ảnh.
Nếu so sánh giữa máy ảnh ngắm chụp và máy ảnh số chuyên nghiệp (Digital SLR), nhiều megapixel chưa chắc tạo nên tấm ảnh đẹp. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng ảnh như ống kính (Nokia N-Series dùng ống kính của hãng Carl Zeiss, đây là hãng chuyên chế tạo ống kính dành cho máy ảnh DSLR cao cấp), khả năng lấy nét chính xác, tốc độ chụp (khá quan trọng khi chụp đối tượng di chuyển). Các chế độ chụp trong môi trường ánh sáng khác nhau (trong nhà, bình minh, giữa trưa, ban đêm…) sẽ giúp cải thiện chất lượng hình ảnh.
Dịch vụ 3Gvà 4G
Hầu hết ĐTTM, nếu hỗ trợ truy cập mạng 3G hay 4G, đều ghi rõ thông tin về tốc độ tối đa truy cập dịch vụ trên thiết bị hoặc trên thông số kỹ thuật. Khi chọn mạng, bạn nên tham khảo trang web của nhà cung cấp dịch vụ để biết độ phủ sóng, khu vực nào sóng mạnh, yếu…
Giảm tiếng ồn/ngăn tạp âm
Ngăn tạp âm giúp tiếng nói rõ hơn. Khả năng ngăn tạp âm tùy thuộc vào thiết kế microphone của điện thoại.
Trước đây, các điện thoại dùng khá nhiều giải pháp khác nhau nhằm ngăn tạp âm, cải thiện tiếng nói, nhưng hiện nay các ĐTTM mới, chẳng hạn iPhone 4, dùng 2 microphone, một micro để ghi nhận tiếng nói, micro kia dùng ghi nhận tạp âm xung quanh. Micro ghi nhận tiếng nói được thiết kế gần miệng người dùng, còn micro ghi nhận tạp âm được đặt trên đỉnh điện thoại. Phần mềm trong bộ chip âm thanh của điện thoại sẽ tạo hồ sơ âm thanh môi trường xung quanh, sau đó tính toán, so sánh và sàng lọc với âm thanh của micro ghi nhận tiếng nói. Kết quả, tiếng nói trở nên rõ ràng. Giờ đây, công nghệ ngăn tạp âm trở thành tính năng khá quan trọng trên các ĐTTM.
Thẻ nhớ lưu trữ ngoài MicroSD
Thẻ SD (Secure Digital), MicroSD và MiniSD đều là các thẻ nhớ lưu trữ dùng phổ biến trên các thiết bị cầm tay để lưu trữ hình ảnh, phim, nhạc. Sự khác nhau giữa thẻ SD, MicroSD và MiniSD là kích thước của chúng. Theo iSupply, hầu hết điện thoại di động ra mắt trong năm 2010 đều dùng thẻ MicroSD.
Nếu bạn cần lưu trữ số lượng lớn hình ảnh, phim, nhạc, hãy chọn cho mình thẻ nhớ lưu trữ có dung lượng lớn nhất có thể. Thẻ MicroSD dùng trên điện thoại di động thường có dung lượng từ 2GB đến 32GB; 2GB có giá khoảng 10 đô la Mỹ (10USD, ~200.000đ), 16GB (Class 4) khoảng 50 đô la Mỹ (50USD, ~1.000.000đ), 32GB giá khoảng 150 đô la Mỹ (150USD, ~3.000.000đ)
Hiệp hội SD thành lập nhiều mức tốc độ (speed class) khác nhau cho thẻ nhớ SD. Các mức (class) này đại diện cho tốc độ tối thiểu ghi dữ liệu lên thẻ nhớ. Sau đây là một số mức tốc độ thông dụng và khả năng hỗ trợ tốt định dạng tập tin, do hiệp hội SD đưa ra.
Class 2: ghi video chuẩn nén H.264, MPEG-4, MPEG-2.
Class 4: ghi video MEPG-2 (HDTV), chụp liên tục DSC
Class 6: chụp liên tục Megapixel DSC, máy quay phim, chụp hình chuyên nghiệp.
Class 10: ghi video Full HD (1080p), chụp liên tục HD.
Con quay hồi chuyển và Gia tốc kế
Hầu hết ĐTTM xem việc trang bị gia tốc kế như tiêu chuẩn. Gia tốc kế giúp theo dõi và xác định vị trí của điện thoại (nằm đứng hay ngang) để tự động xoay màn hình phù hợp. Gia tốc kế cũng được dùng trên một số ứng dụng như trò chơi lái xe.
Con quay hồi chuyển giúp ghi nhận chính xác vị trí điện thoại hơn, trong không gian 3 chiều. Nếu bạn di chuyển điện thoại ra xa hay lại gần vị trí của mình, con quay hồi chuyển có thể phát hiện và ghi nhận sự chuyển động đó. Tính năng này rất hữu ích cho những ai chơi game. Trong tương lai, con quay hồi chuyển sẽ có vai trò quan trọng trong các ứng dụng điều khiển, tương tác chuyển động. Tuy nhiên, hiện tại, nếu bạn không phải là người thích chơi game thì ĐTTM trang bị con quay hồi chuyển là không cần thiết.
Bluetooth và Wi-Fi
Bluetooth và Wi-Fi đều là những tính năng phổ biến trên ĐTTM. Bluetooth là công nghệ không dây cho phép truyền/nhận dữ liệu giữa 2 thiết bị ở cự ly ngắn. Bluetooth thường được dùng để truyền nhận dữ liệu giữa điện thoại với tai nghe, máy tính. Bluetooth hiện có chuẩn Bluetooth 2.1, Bluetooth 3.0. Sự khác biệt giữa 2 chuẩn Bluetooth này là khoảng cách và tốc độ truyền/nhận dữ liệu giữa 2 thiết bị.
Bluetooth 2.1 có khoảng cách truyền nhận dữ liệu khoảng 9 mét. Mặc dù Bluetooth không được xem là phương pháp truyền tải dữ liệu lý tưởng, nhưng nó phù hợp cho việc truyền dẫn dữ liệu giữa điện thoại và tai nghe. Bluetooth 3.0 có tốc độ truyền/nhận dữ liệu lớn nhanh (khoảng 24Mbps). Hiện Bluetooth 3.0 còn khá mới, và không phải thiết bị nào cũng được trang bị.
Wi-Fi hiện có nhiều chuẩn 802.11a/b/g/n, mỗi chuẩn sẽ có tốc độ truyền/nhận dữ liệu khác nhau. Hầu hết ĐTTM hiện nay đều được trang bị Wi-Fi chuẩn 802.11b/g (802.11b có tốc độ 11Mbps, 802.11g có tốc độ 54Mbps), và có khoảng cách kết nối khá xa khoảng 38 mét.
Các ĐTTM dòng cao cấp thường được trang bị Wi-Fi chuẩn 802.11n, có tốc độ truyền/nhận dữ liệu khá cao (có thể đạt đến 600Mbps), và khoảng cách kết nối có thể đạt đến 69 mét. Tuy nhiên để đạt tốc độ như vậy, điện thoại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố khá quan trọng là bộ định tuyến không dây (wireless router). Bộ định tuyến phải cung cấp Wi-Fi cùng chuẩn 802.11n với ĐTTM.