Người dùng phổ thông khó nhận ra được sự khác biệt giữa các chuẩn âm thanh. Ảnh: Urbanislandz. |
Cách đây hơn một thập kỷ, âm nhạc số với độ phân giải 16-bit/44,1kHz phổ biến rộng rãi trên các đĩa CD, trở thành một chuẩn mực cho thứ âm thanh độc đáo "sinh sau đẻ muộn". Tuy vậy, cùng với sự phát triển của công nghệ máy tính và sự hỗ trợ của các nhà sản xuất thiết bị âm thanh, những chuẩn âm thanh cao hơn, mà điển hình là 24-bit/96kHz, bắt đầu xuất hiện, lan rộng, và khẳng định chỗ đứng vững chắc trong toàn ngành công nghiệp.
Trong cuộc đua chiếm giữ vị trí số một của định dạng CD suốt hàng chục năm qua, cần nhắc đến một "đối thủ" khác là chuẩn âm thanh còn khá mới mẻ với người dùng phổ thông, 24-bit/192kHz. Tại sao lại là 192kHz? Bởi khả năng phân biệt của con người là có hạn. Hơn nữa khi xét mặt bằng chung thị trường, người dùng phổ thông mới chiếm chủ yếu chứ không phải những audiophile. Vì vậy, 192kHz có thể là đủ.
Tuy nhiên, so với 96kHz, điểm yếu lớn nhất của chuẩn 192kHz là sự thông dụng. Trong khi ngày càng nhiều đầu DVD (với linear PCM), card âm thanh máy tính, DAC... hỗ trợ độ phân giải 96kHz, chip xử lý 24-bit/96kHz ngày càng rẻ thì những hạn chế về thiết bị âm thanh lại ngăn cản 192kHz phát triển. Nhiều phòng thu, nhà phát hành không đầu tư cho chuẩn mới vì nhận thấy nhu cầu thị trường, chủ yếu từ các audiophile, chưa thật sự lớn, có thể không thu được lợi nhuận. Không phải mọi gia đình đều sở hữu DAC hay card hỗ trợ đến 192kHz.
Giả sử bỏ qua yếu tố thiết bị, bởi trong tương lai, chip 24-bit/192kHz hoàn toàn có thể rẻ hơn, các sản phẩm âm thanh cao cấp hiện nay vì thế cũng trở nên "bình dân" hơn. Lúc này, quan trọng hơn cả là việc người dùng phổ thông có nhận ra được sự khác biệt giữa hai chuẩn âm thanh hay không. Rất có thể. Theo những thông tin thống kê từ một số trang chia sẻ âm nhạc hàng đầu như HDtracks, Chesky, 2L... dù nội dung 192kHz không đa dạng, nhưng luôn có được số lượng tải về lớn gấp nhiều lần 96kHz. Điều này chứng tỏ sự quan tâm lớn của một bộ phận thị trường đến chuẩn âm thanh mới.
Trong cuộc xác định tương lai của âm thanh số, thiệt thòi nhất có lẽ vẫn là các audiophile, bởi thị trường phổ thông sẽ quyết định độ phân giải trung bình là phổ biến. Vì vậy, nguồn tư liệu số chất lượng cao, vốn rất được giới chơi âm thanh ưa chuộng, sẽ bị hạn chế từ ngay phòng thu.