So với việc ghi âm trên băng từ trước kia thì ghi âm kỹ thuật số ngày nay tiện lợi hơn rất nhiều: dễ dàng nghe lại, dễ dàng sao chép, biên tập... Vấn đề là phải chọn thiết bị ghi âm sao cho bảo đảm thành công, âm thanh đạt chất lượng, dễ thao tác và có tích hợp sẵn những tính năng của một trình player cao cấp.
Với một máy nghe nhạc MP3 có chức năng ghi âm (Rec), bạn có thể ghi âm lại nội dung bài giảng trên lớp hoặc các tham luận trong buổi hội thảo, tọa đàm. Tuy nhiên, file âm thanh thu được chỉ nghe rõ khi bạn đặt máy gần nguồn phát âm (người nói, loa). Do vậy, để có file thu âm nghe rõ, bạn nên sắm loại máy ghi âm chuyên nghiệp, giá khoảng trên 1 triệu đồng.
Chọn nhãn hiệu
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, máy ghi âm chuyên nghiệp không có nhiều nhãn hiệu như máy nghe nhạc MP3 và cũng ít có hàng nhái, hàng giả. Quanh quẩn cũng chỉ có 4 nhãn hiệu là Sony, JVJ, Safa, Cenix. Trong số này, loại nhãn hiệu Sony có giá đắt nhất, gần gấp đôi những loại khác. Chẳng hạn, loại có dung lượng bộ nhớ lưu trữ 1 GB được bán trên 2 triệu đồng; trong khi đó, những nhãn hiệu còn lại chỉ chừng tầm 1 triệu đồng, tất nhiên là cùng dung lượng 1 GB.
Anh Trung, nhân viên kỹ thuật chuyên về mặt hàng máy ghi âm cho biết, nếu không chú trọng đến nhãn hiệu, chất lượng file âm thanh thu được từ các máy ghi âm chuyên nghiệp là na ná nhau; đa số đều có cùng các chuẩn ghi âm, hoặc chỉ có 2 trong số các chuẩn ghi âm HQ, SP, LP, Stereo HQ, Fine Rec, Long Rec… và các chế độ: ghi âm “thông minh” V.O.R (Voice Operated Recording), thu âm đài FM, thu âm trực tiếp từ điện thoại bàn…
Ngoài loại máy ghi âm chuyên nghiệp có hình dáng dài khoảng 10 cm và kích thước khoảng chừng 2 ngón tay người lớn, gần đây trên thị trường có xuất hiện loại máy ghi âm dạng cây viết, nhiều loại có luôn chức năng quay phim. Giá của loại máy ghi âm dạng cây viết này chỉ bằng khoảng nửa máy ghi âm chuyên nghiệp. Theo một số kỹ thuật về ngành hàng này ở các cửa hàng tại TP.HCM, chất lượng file âm thanh thu được là hơn loại file có được khi dùng chức năng thu âm của máy MP3 nhưng không thể sánh được với loại máy ghi âm chuyên nghiệp; hơn nữa, chính vì phải dùng những linh kiện nhỏ, ép gọn trong nắp cây viết nên độ bền của loại máy ghi âm dạng cây viết thường không cao, nhất là khi đánh rơi.
Không chỉ có chức năng ghi âm chuyên nghiệp, một số loại máy ghi âm còn khuyến mãi thêm tính năng hỗ trợ người khiếm thính, máy sẽ khuếch đại âm thanh trước khi truyền ra tai nghe, tức là bạn có thể dùng nó như một máy khiếm thính.
Tiêu chí chọn
Đầu tiên, bạn hãy chú ý đến nguồn điện cấp cho máy ghi âm chuyên nghiệp. Hãy ưu tiên cho loại dùng pin tiểu AAA, dùng 1 viên hoặc 2 viên đều được. Ưu điểm của loại máy dùng pin AAA là cho phép bạn dễ dàng thay thế và dùng lại ngay khi máy hết pin, thay vì phải đợi vài giờ đồng hồ để sạc pin đối với loại dùng pin sạc bên trong máy. Tuy nhiên, ưu điểm này có thể sẽ làm hỏng máy, nếu bạn dùng loại pin rẻ tiền và quên lấy ra khỏi máy khi không dùng đến trong vài tháng. Do vậy, nếu không dùng thường xuyên, bạn hãy mua loại pin có vỏ bọc sắt để dùng, hoặc chịu khó một chút và tiết kiệm thì hãy mua loại pin AAA có thể sạc lại được (giá một cặp thường từ 100.000 đồng trở lên và cục sạc cũng khoảng 50.000 đồng).
Khi đã sàn lọc loại máy dùng pin AAA, bạn tiếp tục chọn loại có chế độ thu âm “thông minh” V.O.R. Đây là chế độ thu hướng âm, nó sẽ lọc bỏ những âm thanh có tần số thấp và chỉ ghi khi có âm thanh, không ghi tràn lan như những máy ghi âm bình thường. Thường thì, những máy ghi âm có chế độ V.O.R sẽ có thêm các chế độ ghi âm trực tiếp từ đường dây điện thoại bàn (thể hiện bằng ngõ Line in trên máy); chức năng này sẽ giúp bạn thu lại cuộc điện đàm qua máy điện thoại bàn, việc làm khó thực hiện được khi không có các thiết bị chuyên dụng. Ở loại máy này, ngoài micro nhỏ xíu tích hợp bên trong máy, trên thân máy còn có ngõ cắm micro để bạn gắn loại micro xịn hơn.
Nếu không có máy tính để nghe lại file ghi âm, bạn hãy chú ý đến loại máy ghi âm có loa ngoài và tính năng nghe lặp lại hoặc nghe đánh dấu để dễ dàng trong việc nghe đi nghe lại một đoạn nào đó. Tất nhiên loa kèm theo máy chỉ phát vừa đủ bạn nghe và khi dùng nó thì pin sẽ rất mau hết.
Về các chuẩn âm thanh mà máy ghi âm hỗ trợ, bạn có thể không cần quan tâm. Bởi vấn đề này đã được các hãng sản xuất chọn lựa sao cho tốt nhất và phù hợp với chế độ ghi âm. Về cơ bản, các chuẩn này khác nhau ở 2 thông số: tần số (Hz) và tốc độ truyền đọc dữ liệu trong từng giây (bit rate). Nếu bạn chọn chuẩn âm thanh chất lượng cao, 2 chỉ số này sẽ tăng lên và dung lượng file thu âm tạo ra cũng sẽ lớn, thời gian ghi âm đến khi đầy máy cũng sẽ giảm đi.
Do có tính năng phát lại file ghi âm nên đa số các máy ghi âm chuyên nghiệp đều có tính năng nghe nhạc MP3, WMA, WAV. Nhờ vậy, bạn có thể chép các file nhạc dạng này vào máy ghi âm để nghe, hoặc dùng để lưu dữ liệu như là một USB. Tuy nhiên, để cho máy được bền lâu, ít người dùng máy ghi âm chuyên nghiệp vào việc nghe nhạc và lưu dữ liệu.