Receiver ban đầu chỉ là một dạng nâng cấp của amply với nhiệm vụ chính là tiếp nhận và xử lý các tín hiệu video/audio từ các nguồn âm khác, giải mã và chuyển đổi tín hiệu từ digital sang analog, giải mã và xử lý tín hiệu dưới dạng Dolby, DTS cũng như nhận sóng AM, FM... Đến nay, Receiver đảm đương nhiều chức năng hiện đại khác để đáp ứng nhu cầu giải trí cao cấp hiện nay.
“Đời” thay đổi khi Receiver thay đổi
Điển hình như Denon S-5BD có tích hợp đầu đọc Blueray bên trong đi kèm tính năng Profile 2.0 cho phép hỗ trợ những định dạng âm thanh mã hóa mới nhất: Dolby True HD, DTS-HD Master Audio. Hay như STR-DH710 là mẫu A/V Receiver dành cho hệ thống rạp hát 7.1 tại nhà mới nhất của Sony. Máy được trang bị 6 đường vào tín hiệu chuẩn HD, bao gồm 3 cổng HDMI và 3 cổng component. Tính năng ARC (Audio Return Channel) trên máy có thể sử dụng cùng một dây cáp HDMI để xuất tín hiệu âm thanh và hình ảnh từ Receiver ra cổng âm thanh TV. Receiver này còn được trang bị công nghệ truyền dẫn tín hiệu 3D HDMI và hỗ trợ tính năng S-AIR, cho phép tạo ra hệ thống chơi nhạc đa phòng. Giá cho kẻ điều phối này là khoảng 600USD. Trong khi đó, các thế hệ Receiver 2010 của Onkyo đều hỗ trợ chuẩn HDMI mới nhất 1.4, khả năng hỗ trợ các nội dung 3D và kênh tiếng phản hồi Audio Return Channel. Theo hãng, kênh Audio Return linh động hơn bằng cách cho phép màn TV gửi các dữ liệu đường tiếng qua cáp HDMI thông thường tới Receiver hoặc bộ điều khiển âm thanh surround, không cần phải dùng tới các cáp S/PDIF rời nữa.
Lẽ dĩ nhiên là bạn phải chọn những Receiver đời mới để chúng không bị lạc hậu so với tốc độ phát triển ngày càng cao của công nghệ giải trí. Tuy nhiên, không phải cứ chọn cái nhiều tính năng, cái xịn nhất mà đã là hay. Bởi lẽ, hệ thống giải trí hoàn chỉnh phải là sự hài hòa, tương xứng với các thiết bị khác nữa. Trước hết, nếu bạn là dân “a ma tơ” thì cần chọn những Receiver của các nhà sản xuất tên tuổi như: Denon, Yamaha, Sony, Pioneer... nhằm tận dụng kinh nghiệm của người đi trước. Nếu gặp khó khăn về setup hệ thống thì bạn cũng có thể dễ dàng tìm được cách setup trên các diễn đàn do các tên tuổi này rất phổ biến tại Việt Nam. Tiếp đó, bạn cần quan tâm đến nhiều tiêu chí khác của Receiver.
Bao nhiêu kênh là đủ 5.1 hay 7.1; 9.1? Câu trả lời tùy thuộc vào tiêu chí và mức đầu tư của bạn. 5.1, 7.1, 9.1 phát huy hiệu quả tuyệt vời khi xem phim. Thường thì mọi người hay chọn Receiver hỗ trợ cho hệ thống từ 7.1 trở lên vì cho rằng 5.1 đã lạc hậu. Điều này cũng đúng nhưng nếu bạn ít tiền thì chỉ cần 5.1 là quá đủ. Thậm chí là còn gặp nhiều thuận lợi vì hiện nay đĩa phim chủ yếu vẫn là 5.1. Sự khác biệt giữa 7.1 với 5.1 là không nhiều, nhưng nếu muốn 7.1 thì giá “tòm tèm” 10 triệu. Còn nếu muốn chơi 9.1 thì phải đầu tư tầm 1000USD cho một Receiver “chơi được”. Nếu bạn “tham” vừa muốn xem phim lại cũng muốn nghe nhạc có chất lượng thì đầu tư các loại Receiver có công nghệ DTS- công nghệ giải mã âm thanh và chứng chỉ THX là đủ.
Công suất Receiver là điều mà bạn nên lưu tâm. Không phải cứ có công suất càng lớn thì càng hay, nhưng rõ ràng là nếu công suất thấp quá thì khó lòng mà “đã cái lỗ tai”. Nếu “phòng ăn chơi” của bạn nhỏ (dưới 20m2) thì có thể chọn công suất 40-50w cho mỗi kênh. Chọn các Receiver có công suất trên 75w cho mỗi kênh sẽ phù hơp với các không gian lớn hơn. Để thử Receiver bạn tắt các kênh khác, chỉ giữ lại một kênh và bật to tiếng lên từ từ để kiểm tra xem âm thanh có bị vỡ, rè... hay không.
Nếu không phải là dân Pro thì bạn không nên đầu tư quá nhiều cho Receiver vì còn nhiều khoản chi khác như loa, tivi, nguồn phát... Và như vậy, mức giá tầm dưới 6 triệu là phù hợp cho đa số người dùng là vừa đủ cho một hệ thống giải trí gia đình. Với dòng này có thể chọn một số loại như Pioneer VSX-819H-K với khá nhiều tính năng như kết nối iPod, tự động căn chỉnh loa... Onkyo TX-SR507 cũng là một lựa chọn hợp lý với 4 cổng HDMI, đủ cho các kết nối trong tương lai, dễ dàng cài đặt. Ngoài ra, bạn có thể chọn các bộ đa kênh 7.1 như Sony STR-DH800 hay Yamaha RX-V363BL nhằm đón đầu cho những bộ phim hõ trợ chuẩn 7.1 sắp ra mắt trong tương lai. Để tiết kiệm chi phí hơn thì có thể mua lại các bộ Receiver cũ được rao bán trên các diễn đàn. Chủ nhân của những bộ Receiver này muốn nâng cấp Receiver lên cao nên sẽ thanh lý Receiver cũ giá tốt. Đây cũng là cách mà dân chơi mua sắm dần dần để đạt đến bộ Receiver cao cấp. Đồng thời giúp những dân chơi mới đang muốn bước vào thiên đường mua sắm Receiver có nhiều kinh nghiệm để chọn cho mình Receiver hợp nhất.
“Ăn chơi thì không sợ tốn kém”, điều này đúng 100%. Song nếu được ăn chơi mà chi phí vừa phải, hẳn ai cũng muốn. Sắm Receiver cũng vậy. Bạn cần tìm hiểu sơ về một vài loại Receiver mới hiện nay. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng của mình, vào các phương tiện mình đang có như diện tích phòng ốc, hệ thống loa đi kèm, đầu phát, màn hình... để sắm Receiver không quá lạc hậu, đầy đủ các tính năng cần thiết cho hiện tại và trong tương lai. Cũng như tạo nên sự tương xứng giữa các thiết bị nhằm phát huy tốt nhất vai trò chủ đạo của Receiver. Dễ mà khó cũng là vì vậy.