Truyền hình cáp: bao giờ vì khách hàng?

[b]Bài 1: Tiên tiến chưa chắc đã “thắng”[/b] Theo tuổi trẻ - Cho dù đã có một loạt công nghệ khác vượt trội hơn được triển khai, nhưng công nghệ truyền hình cáp hữu tuyến analog đã phát triển từ những năm1950 vẫn khống chế thị phần truyền hình. Một lần nữa chúng tôi quay lại đề tài này với loạt bài có sự phân tích từ công nghệ đến nội dung của các chuyên gia và nhà quản lý đầu ngành. Tại Việt Nam, truyền hình cáp hữu tuyến thu hút số lượng người dùng đông nhất trong các loại dịch vụ truyền hình trả tiền. Nó chiếm vị trí độc tôn cho dù nhiều công nghệ truyền hình tiên tiến đã được triển khai. Truyền hình cáp hữu tuyến CATV analog là công nghệ được phát triển từ những năm 1950, đến nay đã là một công nghệ lạc hậu. Nhiều nước trên thế giới đã giảm tỉ lệ sử dụng công nghệ này để nhường chỗ cho những công nghệ mới, tiên tiến hơn. Công nghệ đầu tiên là DTH (direct to home - trực tiếp đến nhà) cho phép truyền tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh đến thẳng người dùng. Người sử dụng chỉ việc dùng chảo ăngten để thu tín hiệu và đầu thu để giải mã tín hiệu là có thể xem được các kênh truyền hình, không phải dùng đến dây cáp để truyền dẫn tín hiệu. DTH đã có ở VN từ năm 2004, được Trung tâm truyền hình cáp Đài truyền hình VN (VCTV) triển khai, gần đây VTC cũng triển khai. Hiện nay, DTH của VCTV có 21 kênh, VTC có 41 kênh (trong đó có chín kênh chuẩn HD). Người dùng muốn sử dụng phải có đầu thu và trả tiền trước. Riêng VCTV có năm, sáu kênh được phát miễn phí. Gần đây, một số người dùng đã thu được tín hiệu của HTV (tám kênh) phát qua vệ tinh Vinasat-1. [b]Dùng thẻ thông minh[/b] Công nghệ truyền hình trả tiền thứ hai là truyền hình kỹ thuật số mặt đất DVB-T, dùng thẻ thông minh. Công nghệ này có tổng cộng 36 kênh từ ba nhà đài BTV, VTC, HTV. Nếu dịch vụ DTH của VCTV ít kênh vì thiếu máy phát đáp vệ tinh (phải đi thuê vệ tinh Measat 2 của Malaysia với chi phí khá lớn) thì truyền hình số mặt đất ít kênh vì thiếu tần số mặt đất (chỉ có hai kênh tần số phát được khoảng 26 kênh chương trình). Chỉ vì ít kênh nên cả hai công nghệ mới này mấy năm qua vẫn chưa phải là đối thủ của công nghệ truyền hình cáp. Công nghệ thứ ba đang được các công ty truyền hình cáp ở TP.HCM triển khai là DVB-C (truyền hình kỹ thuật số qua cáp). Chất lượng DVB-C cũng rất tốt. DVB-C còn có ưu điểm so với truyền hình cáp tín hiệu analog phổ biến hiện nay là có thể phát được nhiều kênh hơn trên cùng một tần số (với một kênh truyền hình tín hiệu analog có thể phát được 8-13 kênh kỹ thuật số). Tuy nhiên, DVB-C được phát qua cáp nên vẫn phải phụ thuộc vào chất lượng mạng lưới dây cáp. [b]Phủ sóng tốt[/b] Trong khi đó, công nghệ Hyper Cable do HTV triển khai là một loại truyền hình tương tự DTH nhưng được lắp đặt trên mặt đất, thuận tiện cho dịch vụ truyền hình trả tiền nhiều kênh. Chất lượng phủ sóng của Hyper Cable rất tốt, tương tự như chất lượng truyền hình số qua vệ tinh. Điểm thu dù ở cách xa đài phát hay ở bên cạnh ngay dưới đài phát thì chất lượng đều như nhau, rõ nét và trung thực (khi không bị chướng ngại vật). Việc khai thác Hyper Cable sẽ hết sức đơn giản và rẻ tiền bởi chi phí đầu tư cho một cụm máy phát công suất không cao mà có thể phủ sóng hàng trăm kilômet nếu đặt ở cao điểm thích hợp. Việc tiết kiệm còn nằm ở chỗ một máy phát Hyper Cable có thể phát 16 chương trình. Nghĩa là chỉ cần năm máy phát đã có thể cho số kênh hơn hẳn công nghệ cáp analog hiện nay trong khi chất lượng hình ảnh vượt trội hẳn. Hyper Cable có thể tương thích với truyền hình vệ tinh. Hệ thống thiết bị thu Hyper Cable khi ngẩng ăngten lên trời sẽ có thể thu được sóng truyền hình vệ tinh. Tức là giả sử nếu trước đây ta phát triển mạnh truyền hình cáp vô tuyến Hyper Cable như một bước quá độ để phát triển lên truyền hình vệ tinh thì hiện giờ việc triển khai rộng rãi dịch vụ truyền hình vệ tinh từ vệ tinh Vinasat-1 sẽ rất thuận lợi. So với truyền hình cáp hữu tuyến CATV (chất lượng analog) hiện nay, Hyper Cable không những cho chất lượng hình ảnh tốt hơn mà còn có khả năng tăng kênh rộng rãi, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nguồn thu (dùng thẻ giải mã, mỗi đầu thu chỉ xem được một tivi). Khi mạng phân phối Hyper Cable hoàn chỉnh, việc kết nối của người dùng sẽ rất dễ dàng, không phải kéo cáp. Hơn nữa, việc xây dựng một đài phát Hyper Cable nhanh chóng và đơn giản hơn nhiều so với lắp đặt mạng dây dẫn. [b]Cáp mới “yếu” hơn [/b] Trước đây, khi bắt đầu phát triển mạng truyền hình trả tiền tại TP.HCM, Đài truyền hình TP.HCM có cả hai hệ thống truyền hình cáp vô tuyến và hữu tuyến. Theo kỹ sư Đặng Tấn Mầu - nguyên trưởng phòng kỹ thuật Đài truyền hình TP.HCM, HTV cũng từng xem Hyper Cable là một bước đột phá về mặt công nghệ vì cho hình ảnh đẹp, có thể phủ sóng phần lớn TP, nhất là các quận trung tâm, nơi vốn chỉ có cáp của SCTV. Ở Hyper Cable, khách hàng trả tiền thẳng cho trung tâm bằng thẻ thông minh, không phải qua một trung gian quản lý đường cáp nào cả. Hệ thống này đã được đầu tư, hoạt động rất tốt nhưng không hiểu vì sao bị khống chế giới hạn chỉ còn 32 kênh (theo lý thuyết có thể phát nhiều kênh hơn nữa)? Điều này đã làm công nghệ cáp mới Hyper Cable trở nên “yếu” và không thể cạnh tranh với công nghệ truyền hình cáp hữu tuyến CATV. Hiện giờ, Hyper Cable dường như không còn được sử dụng để phát triển thuê bao người dùng cuối. Lượng người dùng cũng không tăng thêm vì thông tin về dịch vụ này gần như “biến mất”. Trước đây, truyền hình cáp hữu tuyến CATV với chất lượng analog phát triển được là vì chi phí kết nối rẻ hơn nhiều so với việc mua đầu thu truyền hình số. Do đó, CATV đã thu hút được rất nhiều người dùng như hiện nay. Nhưng đến giờ, khi đã có nhiều công nghệ truyền hình khác tiên tiến hơn mà CATV vẫn được ưu tiên phát triển. Mới đây, cả hai đài SCTV và HTVC đều đưa vào khai thác công nghệ truyền hình số qua cáp (DVB-C). Chất lượng hình ảnh số qua đầu thu cao hơn chất lượng truyền hình cáp analog thu bằng tivi thông thường. Nhưng nếu đường cáp xuống cấp, tín hiệu chập chờn thì liệu truyền hình số qua cáp DVB-C có còn chất lượng cao như các nhà đài đang quảng cáo không? [right]ĐỨC THIỆN - THANH PHONG[/right]
Mít đặc
Mít đặc
Trả lời 15 năm trước
[b]Bài 2: HDTV giả? Dù được quảng cáo là “Full HD 1080”, độ rõ nét cao nhất nhưng nhiều kênh, nhiều chương trình chỉ là... hàng giả.[/b] Tại TP.HCM hiện có ba nhà cung cấp dịch vụ HDTV (high definition television - truyền hình độ nét cao): hai qua đường cáp là HTVC, SCTV và một qua vệ tinh là VTC. Số lượng các kênh HDTV của mỗi dịch vụ có khác biệt (6, 8, 9 kênh) và các nhà cung cấp đều quảng cáo kênh HDTV của mình là “Full HD 1080”, độ rõ nét cao nhất hiện nay (các cấp độ HDTV ở cấp cao hơn mới được triển khai trong phòng thí nghiệm). Việc quảng cáo này khiến khán giả đổ xô tìm mua TV LCD hay Plasma hỗ trợ “Full HD”, và hệ quả là đẩy giá tivi có chuẩn “Full HD” cùng kích cỡ tăng. [b]Vàng thau lẫn lộn![/b] Hiện nay, các công nghệ truyền hình phổ biến như truyền hình analog, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình kỹ thuật số qua vệ tinh tuy có khác biệt lớn về chất lượng giữa analog và số nhưng đều được gọi chung là SDTV (standard definition television - truyền hình độ nét tiêu chuẩn). Độ phân giải hình ảnh của SDTV chỉ khoảng 720x576, tức hình ảnh ở chuẩn này khi phát lên sẽ có chiều ngang 720 pixel (điểm ảnh) và chiều dọc 576 pixel. Còn với HDTV, nếu là chuẩn HD Ready 720p thì độ phân giải là 1.280x720, còn chuẩn Full HD mới đạt đến độ phân giải 1.920x1.080. Ngày 6-8-2008, Trung tâm Truyền hình cáp TP.HCM (HTVC) là đơn vị đầu tiên đưa vào hoạt động HDTV tại VN với tám kênh: HTV7, HTV9, HTVC-HD, CCTV, Star Movies, Disney, Fashion TV và Luxe HD. Sau đó đầu tháng 9-2008, SCTV tiếp bước với sáu kênh gồm HBO, CCTV, Disney, ESPN và hai kênh thử nghiệm. Đầu năm 2009, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cũng nhảy vào phát sóng chín kênh HDTV gồm: HD1, HD2, HD3, ESPN HD, National Geographic HD, CCTV-HD, Fashion TV HD, Luxe TV HD và kênh thử nghiệm HD9. Vì khái niệm HDTV còn khá mới mẻ tại VN nên hầu hết người dùng đều không phân biệt được đâu là kênh HD thật, đâu là giả, nhưng giới sành điệu và có chuyên môn rất rành. Việt Anh - admin diễn đàn HDVietNam - cho biết: “Tôi có xem qua các kênh HDTV, chỉ có vài kênh là đúng chất lượng HD, các kênh còn lại đều được nâng từ kênh SDTV. Tôi đã xem rất nhiều phim HD nên nhìn thì nhận ra ngay kênh nào là chất lượng HD giả. Các kênh SDTV được nâng lên cho chất lượng thậm chí còn chưa bằng DVD, nhìn là nhận ra ngay”. Theo kỹ sư Đặng Tấn Mầu - nguyên trưởng phòng kỹ thuật Đài truyền hình TP.HCM, thật ra trong giới chuyên môn, các cấp độ HDTV tuy có được chú ý nhưng không quan trọng bằng kênh chương trình có phải là HD thật (True HD) hay không. Ở Mỹ, nước triển khai HDTV đầu tiên và có tốc độ phát triển cao nhất, chuẩn HDTV 720p (tivi có gắn nhãn HD Ready là xem được) được một số đáng kể đài truyền hình sử dụng và đông đảo khán giả chấp nhận. Ngược lại ở TP.HCM, cấp độ HDTV được quan trọng quá mức cần thiết (do quảng cáo) trong khi khán giả không biết mình được xem HDTV giả. Các kênh này đều có mặt trong số kênh của cả ba nhà cung cấp dịch vụ HDTV có mặt ở TP.HCM. Kênh HDTV giả thực chất là kênh SDTV như các kênh chúng ta thu được từ trước đến nay bằng ăngten xương cá qua bộ thu sóng tivi. Sau đó dùng phần mềm để nâng cấp chất lượng của nó và quảng cáo là HDTV. Kênh HDTV thật phải là kênh được thu bằng camera HD, dựng hình, làm hậu kỳ bằng thiết bị HD, lưu trữ trên phương tiện và phát sóng theo tiêu chuẩn HDTV. [b]Vậy tại sao phải làm kênh HDTV giả?[/b] Vì chi phí sản xuất chương trình HDTV thật tốn kém hơn rất nhiều so với SDTV. Và do vậy, giá bán bản quyền chương trình HDTV thật sẽ cao hơn rất nhiều. Để vốn ít lời nhiều, các nhà cung cấp dịch vụ đã mua (hoặc sản xuất) kênh SDTV rồi nâng cấp thành HDTV giả, để lẫn chung với các kênh HDTV thật rồi cùng quảng cáo chung là “Full HD 1080”. Kỹ sư Đặng Tấn Mầu cho biết thêm HDTV giả không chỉ có ở cấp độ kênh mà còn ở cấp độ chương trình lẻ. Trong một kênh HDTV, có lúc sẽ là chất lượng HDTV thật sự nhưng cũng có lúc chỉ là HDTV giả. Ví dụ trong chương trình phim truyện, nếu tín hiệu lấy từ đĩa Blu-ray thì khán giả sẽ được xem với chất lượng thật. Còn nếu tín hiệu được lấy từ DVD rồi nâng cấp thì khán giả chỉ được xem HDTV giả. Chuyên gia tư vấn về truyền hình Hồ Phước Vinh giải thích thêm: “HDTV thật còn hiếm và đắt ở chỗ chi phí truyền dẫn quá cao. Hiện nay, một kênh truyền hình mặt đất analog nếu chuyển sang phát kỹ thuật số SDTV có thể phát được 8-13 kênh, nhưng nếu phát HDTV thì chỉ được vỏn vẹn 1-2 kênh HDTV. Qua vệ tinh cũng tương tự, một bộ phát đáp thông thường có thể phát 16-20 kênh truyền hình số SDTV (chuẩn DVB-S) nhưng cũng chỉ phát được một kênh HDTV (chuẩn MPEG-2). Trong khi đó chi phí truyền dẫn qua vệ tinh cũng rất đắt, dẫn đến giá thành kênh HDTV thật rất cao”. Trong khi đó, nhiều nước lại có cái nhìn khác, chính vì chi phí truyền dẫn HDTV quá cao, nên quan điểm một số đài truyền hình trên thế giới là đã phát HDTV thì phải là HD thật, không xen vào một chương trình giả nào, trừ một số tư liệu đặc biệt. Bởi vì phát HD giả là lãng phí và gây thiệt hại cho quyền lợi người xem. Cho nên quảng cáo “Full HD 1080” rồi phát HDTV giả thì chỉ làm lợi cho nhà sản xuất tivi, đồng thời làm khán giả truyền hình lẫn lộn, rối rắm và tốn tiền. [b]Người dùng phải tự bảo vệ mình[/b] Thực tế, những người dùng bình thường sẽ rất khó nhận biết kênh HDTV giả vì đã quá quen thuộc với chất lượng hình ảnh các kênh analog hiện nay. Việt Anh cho biết: “Ở các kênh HDTV giả, tín hiệu nhận được vẫn là Full HD nhưng chất lượng hình ảnh chưa đạt đến chuẩn đó, tín hiệu nhận được khác với chất lượng hình ảnh”. Theo chuyên gia Hồ Phước Vinh, nếu để ý sẽ thấy gói dịch vụ HDTV của nhà cung cấp chương trình nào ở VN cũng đều có kênh CCTV-HD của Trung Quốc. Đây là kênh HDTV thật 100% của Trung Quốc để phát quảng bá (không thu tiền), nên được các nhà đài chú ý khai thác lại. Có thể lấy hình ảnh kênh HD này làm chuẩn để so sánh chất lượng với các kênh HDTV thật hay giả khác. Chú ý so sánh những khuôn hình đặc tả với các chi tiết như sợi tóc, lông mi ở khuôn mặt người, đường gân trên lá cây... Nhưng điều đặc biệt để nhận dạng là hình ảnh HDTV giả trên các tivi LCD, Plasma bị lùn, người xem sẽ có cảm giác như hình bị kéo giãn, giống như khi xem SDTV khung ảnh 3:4 trên tivi HD khung ảnh 16:9 vậy. HDTV giả vẫn là SDTV ở điểm then chốt: khuôn hình. Một yếu tố nữa là khi các kênh HDTV giả phát bảng chuẩn thì vòng tròn lớn giữa màn hình sẽ bị bẹp dẹp như một cái trứng nằm ngang. [right]THANH PHONG - ĐỨC THIỆN[/right]
Mít đặc
Mít đặc
Trả lời 15 năm trước
[b]Bài 3: Càng nhiều kênh, nội dung càng đi xuống[/b] Hơn một năm nay, các hệ thống truyền hình cáp bùng nổ số lượng kênh “made in truyền hình cáp”. Tuy nhiên, thật sự bao nhiêu kênh có chất lượng và được người dân quan tâm? Điểm độc đáo của truyền hình cáp chính là ở sự chuyên biệt về nội dung chương trình. Sự chuyên biệt này tạo ra sự đa dạng các kênh, giúp khán giả hài lòng trong chọn lựa. Đây sẽ là “con át chủ bài” để các dịch vụ truyền hình cáp giành thị phần của khán giả. [b]Thông tin nghèo nàn, quảng cáo dồi dào[/b] Chính vì thế khi xuất hiện, ngoài một số kênh truyền hình có sẵn như VTV1, VTV3, HTV7, HTV9... HTVC đã cho ra đời thêm một loạt kênh chuyên biệt như HTV + (tin tức), HTVC thuần Việt, HTVC phim, HTVC gia đình, HTVC shopping... và mới đây nhất là kênh tài chính FBNC... Trên truyền hình cáp SCTV, ngoài các kênh của truyền hình cáp VN (VCTV) có SCTV5 (quảng cáo, mua sắm), Sao TV (SCTV3 - chương trình thiếu nhi), Yan (SCTV2 - ca nhạc), Yeah 1 TV (SCTV4 - dành cho giới trẻ)... Khoảng tháng 4, SCTV sẽ cho ra đời thêm kênh SCTV hài, kênh phim châu Á và một kênh thị trường 24 giờ... Thời gian qua, một số kênh mới hoặc được cải tiến với nội dung phong phú, tạo được sự quan tâm của khán giả như HTV2, HTV3, HTV phim, Sao TV - SCTV3, kênh ca nhạc Yan - SCTV2... Tuy nhiên, số lượng các kênh trên truyền hình cáp xem được còn rất khiêm tốn. Hầu hết các kênh còn lại được đánh giá là “thông tin nghèo nàn, quảng cáo dồi dào”. Chị Anh Thi (nhà ở Q.6, TP.HCM) cho biết: “Hiện nay truyền hình cáp có quá nhiều kênh nhưng đó là sự lãng phí. Nhiều kênh xem có cảm giác người làm kênh lắp chương trình vô cho đủ giờ, không có sự đầu tư xây dựng kênh mang nét đặc sắc riêng. Thậm chí có kênh giống như... “bao rác” của những nhà kinh doanh tin nhắn”. Xuất hiện nhiều trong thời gian qua là kênh mua sắm bán hàng qua truyền hình. Một số kênh không phải dạng này nhưng phần quảng cáo chiếm đến gần một nửa thời gian. Nào là nhắn tin kết bạn, thử xem vận may, tổng đài chị Thỏ Ngọc, xứ sở truyện thần tiên, alô xanh, quảng cáo dây đeo... xuất hiện liên tục. Chị Quỳnh (Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng: “Vì thế nhiều kênh được xem là mới nhưng thật ra nội dung lại cũ... Ví như tôi mới xem một phim truyện trên kênh này, vài ngày sau thấy kênh khác chiếu lại . Kênh HTVC - thể thao theo yêu cầu thường xuyên trống sóng. Lâu lâu mới thấy kênh này phát sóng một chương trình thể thao...”. Một ý kiến khác trên diễn đàn http://www.nthsite.com nhận xét kênh Yeah 1 TV là “một mớ tạp nham và cứ phát đi phát lại liên tục, đôi khi gây khó chịu cho người xem”. Trong khi thế giới của tuổi trẻ có biết bao vấn đề cần quan tâm mà Yeah 1 TV toàn đề cập ca nhạc, thời trang và giới thiệu cửa hàng mua sắm... Không những vậy, nhà sản xuất kênh này (Công ty cổ phần truyền thông và giải trí Siêu Sao) tổ chức những cuộc thi “kỳ lạ” như Siêu sao hát nhép, Sao Sao (bắt chước cách hát và biểu diễn của ca sĩ đồng thời là giám khảo cuộc thi)... [b] Giá thành rẻ, nhân lực yếu[/b] Sự ra đời của các kênh truyền hình cáp hiện nay phần lớn đều có sự liên kết giữa các công ty quảng cáo và nhà đài. Riêng Công ty truyền hình cáp Sài Gòn Tourist vì không có chức năng sản xuất kênh nên nội dung các chương trình được giao cho Trung tâm truyền hình VN tại Cần Thơ sản xuất và kiểm duyệt trước khi lên sóng. Theo tiết lộ của một chuyên gia làm trong ngành truyền hình, hiện nay giá thành sản xuất cho một chương trình bình thường khoảng 1,5 triệu đồng/phút. Nếu chương trình khó hơn một chút thì chi phí lên 2,5-3 triệu đồng. Giá thành sản xuất cao nên dễ hiểu vì sao các kênh truyền hình liên tục phát lại chương trình cũ để trám sóng và quảng cáo dày đặc khắp nơi. Mặt khác, cũng theo chuyên gia này: “Kênh truyền hình phát triển nhiều là tín hiệu tốt. Nó chứng tỏ ngành truyền hình đang phát triển. Tuy nhiên, cái gì cũng phải có lộ trình. Điều quan trọng nhất đó là chất lượng kênh. Hiện nay có nhiều kênh nhưng lấy đâu ra người. Đáng lý ra nhà quản lý cần thấy trước điều này, có chiến lược trong đào tạo con người. Hiện nay các kênh bung tới đâu mới quơ quào người tới đó. Các bạn trẻ mới chập chững vào nghề, kinh nghiệm không có thì lấy đâu ra chất lượng chương trình”. [b]Mải mê kiếm tiền[/b] Một đạo diễn Việt kiều khi về nước tham gia sản xuất một số chương trình đã thốt lên: “Tôi chưa thấy nước nào lại có nhiều kênh truyền hình như VN. Các nhà quản lý cần cân đo, đong đếm xem bao nhiêu phần trăm đóng góp vào sự nghiệp giáo dục cho người dân. Chứ tôi thấy hiện nay nhiều nơi các nhà sản xuất ít chú ý đến chất lượng, điên rồ đi kiếm tiền”. Gần đây cả hai hệ thống truyền hình cáp SCTV và HTVC đã gửi công văn đến đài phát thanh - truyền hình các tỉnh thông báo muốn được vào kênh trong hệ thống truyền hình cáp của họ các đài phải đóng khoản phí vài tỉ đồng/năm. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Tứ - phó giám đốc SCTV: “Nhờ có mạng truyền hình cáp mà các đài tỉnh mới được khán giả TP biết đến. Quảng cáo ngày càng tăng. Vì vậy, việc đóng góp của các đài để san sẻ bớt cho truyền hình cáp một phần bảo dưỡng, bảo trì”. Có lẽ cách giải thích này đầy nhưng chưa đủ bởi xét về yếu tố kỹ thuật, cho đến giờ mỗi mạng cáp chỉ được tối đa hơn 70 kênh phát sóng. Nếu tăng một kênh buộc lòng phải bỏ bớt một kênh. Có phải vì thế mà các nhà mạng lựa chọn kênh nào để có lợi thế nhất? [right]HOÀNG LÊ[/right]
Mít đặc
Mít đặc
Trả lời 15 năm trước
[b]Bài cuối: “Bịt khoảng trống” quản lý [/b] Hiện cả nước có 45 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp ở 60 địa phương và chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực đông dân cư. Công nghệ chủ yếu là analog nên chất lượng hạn chế, loại hình dịch vụ nghèo nàn. Nhà cung cấp có năng lực mạnh về mọi mặt còn ít. Đó là đánh giá của TS Lưu Vũ Hải, cục trưởng Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - truyền thông), trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ về hiện trạng truyền hình cáp. Ông nói: - Cách đây hơn mười năm, một số đài phát thanh - truyền hình bắt đầu tìm kiếm các hoạt động dịch vụ. Truyền hình cáp là một trong những loại hình dịch vụ đầu tiên mà Đài truyền hình VN (VTV) triển khai ở Hà Nội và TP.HCM. Tại thời điểm đó chúng ta mới có quy định quản lý về mặt nội dung, chưa có quy định quản lý kỹ thuật truyền hình cáp. Đến năm 2002, Chính phủ ban hành quyết định quản lý hoạt động thu xem các kênh truyền hình nước ngoài, đồng thời bắt đầu đề cập truyền hình trả tiền nhưng cơ bản vẫn là đề cập vấn đề quản lý nội dung... Cũng cần nói thêm trước đây Bộ Văn hóa - thông tin quản lý về nội dung, Bộ Bưu chính - viễn thông quản lý về truyền dẫn, phát sóng, tần số... nên có những khoảng trống trong quản lý nhà nước về mặt kỹ thuật của truyền hình cáp. Đến cuối năm 2007, Bộ Thông tin - truyền thông ra đời, trở thành cơ quan quản lý nhà nước thống nhất về phát thanh - truyền hình. Tháng 9-2008, Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử mới đi vào hoạt động. Một trong những việc đầu tiên mà cục tiến hành là rà soát hoạt động truyền hình cáp trên toàn quốc. [b]* Qua rà soát, cục đã phát hiện những vấn đề gì, thưa ông?[/b] - Chúng tôi nhận thấy việc quản lý truyền hình cáp về kỹ thuật chưa đồng bộ với nội dung nên đã khẩn trương đề xuất và soạn thảo trình Bộ Thông tin - truyền thông văn bản quy định về tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật tín hiệu đầu cuối truyền hình cáp. Đây có thể coi là văn bản đầu tiên để quản lý về mặt kỹ thuật đối với truyền hình cáp, dự kiến được ban hành vào tháng 4-2009. [b]* Hiện chất lượng truyền hình cáp ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành đang xuống cấp, nhiều kênh mờ, hạt... Ông có ý kiến gì về tình trạng này?[/b] - Tôi có theo dõi các bài viết trên báo Tuổi Trẻ, về lý thì ý kiến giải thích của các nhà kỹ thuật cũng như nhà cung cấp dịch vụ là đúng. Nhưng ở đây còn thiếu trách nhiệm tự thân của doanh nghiệp, anh là người cung cấp dịch vụ nên khi dịch vụ bị khách hàng phàn nàn dĩ nhiên anh phải xác định đó là trách nhiệm của mình. Nghĩa là anh phải cảm thấy cái khổ của khách hàng để tự mình hoặc nỗ lực phối hợp với các cơ quan khác giải quyết vấn đề chứ không nên đổ lỗi cho khách quan. Chúng tôi cũng luôn nhắc nhở các nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm với khách hàng vì đây chính là văn hóa doanh nghiệp. [b] * Thưa ông, khi khách hàng kêu nhiều lần mà chất lượng vẫn không được cải thiện thì sao, liệu cơ quan quản lý nhà nước có chế tài gì?[/b] - Hiện có thể xử lý dựa trên hợp đồng giữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng, ví dụ trong hợp đồng anh cam kết với khách hàng chất lượng dịch vụ như thế nào thì phải cung cấp đúng như thế. Nếu không, khách hàng có thể kiện nhà cung cấp dịch vụ. Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể kiểm tra hoạt động có phù hợp với giấy phép được cấp không, trong đó chủ yếu về nội dung phát sóng của các nhà cung cấp dịch vụ. Đi vào chất lượng kỹ thuật cụ thể thì như tôi đã nói do chưa có văn bản quy định nên không dễ xử lý. Tới đây, khi văn bản quy định về tiêu chuẩn chất lượng tín hiệu được ban hành mới có cơ sở pháp lý để kiểm tra và xử phạt các nhà cung cấp về mặt kỹ thuật. [b]* Nhiều nhà cung cấp đã phát triển dịch vụ HDTV, tuy nhiên khi xem các kênh đó thì nhiều khi không đạt chất lượng, thậm chí có khách hàng kêu là HDTV giả?[/b] - Công nghệ HDTV còn khá mới ở VN, một số nhà cung cấp dịch vụ đã đưa công nghệ này lên mạng cáp và vệ tinh, nhưng có thể trong cả gói chương trình chỉ có một số chương trình là HDTV chứ không phải toàn bộ chùm chương trình đó đều là HDTV. Như thế nào gọi là HDTV giả thì cũng cần thận trọng, thế giới đã quy định HDTV là một bộ tiêu chuẩn có nhiều cấp độ chất lượng từ khá đến tốt và rất tốt. Trong quá trình chuyển đổi phát triển lên HDTV, nhà cung cấp có thể dịch chuyển dần từ khoảng khá đến rất tốt sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế kỹ thuật thực tế. * Bên cạnh chất lượng kỹ thuật có vấn đề thì nội dung truyền hình cáp cũng đi xuống, thậm chí có nhà cung cấp dịch vụ không những cắt kênh hay, đưa kênh dở, còn các kênh mới đều hướng đến quảng cáo là chính? - Việc xác định có xuống cấp về nội dung hay không phải rất thận trọng, nếu đúng là nội dung xuống cấp thì cơ quan quản lý có quyền rút giấy phép. [b]* Mạng truyền hình cáp ở nhiều tỉnh thành phần lớn giao cho các công ty TNHH phân phối lại. Thực tế cho thấy có rất nhiều điều tiếng cho rằng các công ty này là công ty “sân sau” của “nhà đài”, ông nghĩ sao?[/b] - Theo quy định hiện nay, cơ quan được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp chịu trách nhiệm về nội dung, việc tổ chức dịch vụ đó như thế nào, phân phối ra sao là quyền của cơ quan đó. Về chuyện “sân sau” thì cơ quan quản lý nhà nước không thể nói theo dư luận mà phải có chứng cớ rõ ràng. Vấn đề là người dân và doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, còn người thi hành công vụ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Nếu ở đâu đó có kẽ hở trong quản lý thì phải ban hành văn bản pháp luật để bịt lại chứ không đơn giản là dùng mệnh lệnh hành chính. Tất nhiên cơ quan quản lý nhà nước không khuyến khích các cách làm độc quyền, chẳng hạn ở TP.HCM đã có hai “ông” cung cấp dịch vụ truyền hình cáp mà lại không cạnh tranh với nhau thì sẽ cho “ông” thứ ba vào để định hướng cạnh tranh. Ở đây truyền hình cáp là ngành kinh doanh có điều kiện và Nhà nước phải quản lý chặt chẽ. [b]* Để cải thiện chất lượng, các nhà cung cấp dịch vụ cần chú trọng phát triển công nghệ mới nhưng hiện họ vẫn dùng công nghệ analog đầu tư ít và dễ thu lợi?[/b] - Trong kinh tế thị trường có những việc chúng ta muốn nhưng không thể áp đặt. Xu thế quản lý dịch vụ trung lập về công nghệ là hướng chung của thế giới, khi người ta cấp phép không phụ thuộc dùng công nghệ gì mà chỉ quản lý chất lượng dịch vụ đó. Tất nhiên chúng ta không biện minh cho việc phát triển truyền hình cáp analog, nhưng do chưa có chính sách cụ thể nên các nhà cung cấp dịch vụ đã tận dụng cơ hội có lợi nhất. Hiện Chính phủ đã ban hành quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh - truyền hình, theo đó sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng từ công nghệ tương tự sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình... Định hướng chuyển đổi đã có nhưng nhanh hay chậm còn do năng lực của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường. Về phía Nhà nước sẽ có chính sách tạo cú hích để thúc đẩy việc chuyển đổi đó nhanh hơn. [right]VÕ VĂN THÀNH thực hiện[/right]