Sử dụng chương trình Device Manager là cách tốt nhất để kiểm soát vấn đề này. Nhìn vào mục Keyboard trong tiện ích đó, và bạn sẽ thấy xuất hiện một trong các trường hợp sau:
- Trường hợp thứ nhất là xuất hiện tên một bàn phím chuẩn nào đó, nhưng kèm theo là một dấu chấm than (!) màu vàng bên trái. Đây là lỗi phần mềm điều khiển thiết bị không đúng với bàn phím. Với các bàn phím chuẩn, hiện tượng này rất hiếm khi xảy ra, vì hệ điều hành Windows luôn luôn tìm thấy phần mềm điều khiển đúng với chúng. Với các bàn phím đặc biệt với nhiều chức năng mở rộng, bạn hãy cài lại phần mềm điều khiển thiết bị trong đĩa CD đi kèm trong hộp, hoặc tải về từ trang web của nhà sản xuất. Cách thực hiện là bạn nhấn phải chuột trên tên bàn phím và chọn Update Driver.
- Trường hợp thứ hai, tên bàn phím cũng xuất hiện trong danh sách, nhưng bàn phím vẫn không có đáp ứng nào khi bạn gõ vào đó. Lỗi này thường xuất hiện khi bàn phím bị hỏng về mặt vật lý. Cách thử là bạn mang bàn phím đó sang gắn ở một máy khác. Nếu nó cũng không hoạt động trên máy mới, thì nghĩa là bàn phím đó bị hỏng bộ phận nào đó trên bảng mạch.
- Trường hợp cuối cùng, là không xuất hiện tên bàn phím nào trong danh sách. Điều đó có nghĩa là bạn chưa gắn bàn phím vào máy tính, hoặc gắn chưa chặt. Bạn hãy rút bàn phím ra, cắm thật chặt trở lại, rồi khởi động lại máy tính. Chú ý rằng phần đầu cắm, hay lỗ cắm trên máy tính bị hỏng cũng gây ra lỗi này.