Đánh giá ASUS VivoBook S15 S510

Thiết kế, chất liệu và trang bị kết nối
Thật sự thì lâu lắm rồi mình mới có cơ hội dùng lại dòng VivoBook kể từ khi thương hiệu laptop này được ASUS công bố cách đây 5 năm, VivoBook trước đây sở hữu thiết kế na ná dòng ZenBook cao cấp nhưng chất liệu thì rẻ tiền hơn, với VivoBook S15 S510 thì mình nhận ra thiết kế của dòng VivoBook đã tốt hơn rất nhiều, VivoBook S15 S510 dài quá, mình sẽ gọi tắt là VivoBook S15
Đầu tiên là vỏ ngoài bằng nhôm phay xước, hoàn thiện rất tốt và chắc chắn, mình mượn được có màu vàng sâm panh, sắc vàng nhẹ nhàng và lịch sự, nam nữ đều dùng được
Tiếp theo là tính di động của mẫu máy này, S15 tức màn hình 15,6' nhưng nhưng trọng lượng chỉ 1,5 kg và độ mỏng là 17,9 mm, dòng VivoBook như bản sao dày hơn của dòng ZenBook thì giờ ranh giới này không còn rõ ràng nữa
Số lượng cổng kết nối trên VivoBook S15 cũng khá đầy đủ nhưng ASUS lại làm một điều thường thấy, chắc là để giảm giá thành đó là trang bị nhiều cổng USB 2,0 (hình trên), cổng còn lại vẫn tiêu chuẩn như USB 3,0 (USB-A), USB 3,1 Gen1 (USB-C), jack âm thanh, HDMI và khe đọc thẻ SD
Cá nhân mình rất ghét việc có trên máy những cổng USB 2,0, có thể đưa ra lý do là những cổng này sẽ dùng với chuột nhưng cùng lắm cũng chỉ nên có 1 cổng thôi, có 2 cổng và ở một vị trí rất thuận tay, kết quả là ngay cá nhân mình khi cắm một chiếc USB 3,0 vào để chép phần mềm đánh giá máy sang thì tốc độ của nó chậm đến lạ kỳ, nhìn lại cái cổng mới biết mình mới cắm nhầm vào USB 2,0
Nội thất, bàn phím và bàn rê
Mở nắp máy thì điều khiến mình ngạc nhiên là VivoBook S15 cũng có thiết kế viền màn hình mỏng, ASUS gọi là NanoEdge, dòng máy của ASUS và nhiều nhà sản xuất laptop khác gần đây đã bắt đầu khai thác triệt để kiểu thiết kế viền mỏng và cứ đà này thì trong tương lai viền mỏng là yếu tố thiết kế bắt buộc trên một chiếc laptop, giờ máy tầm trung giá rẻ cũng có, đây là một thay đổi đáng khích lệ
Bàn phím của VivoBook S15 có kích thước lớn và layout cũng khá lạ nhưng tiện, ASUS không thể nhét bàn phím full-size vào máy bởi viền mỏng khiến chiều ngang của máy đã bị thu hẹp lại, chúng ta có layout kiểu như TKL với 86 phím và bố trí hợp lý, Việc cắt bỏ cụm phím số khiến không gian rộng rãi hơn, các phím bấm giữ được kích thước tiêu chuẩn 15 x 15 mm và phím điều hướng to dễ bấm, phím này có 2 phím Fn, phím Fn tại bên phải bàn phím sẽ giúp chúng ta nhấn tổ hợp các phím đa phương tiện nhanh hơn
Mặc dù vậy cảm giác gõ trên bàn phím của VivoBook S15 rất chán, ASUS cho biết hành trình phím là 1,4 mm, khá ngắn nên cảm giác gõ bị hụt tay và xương phím mềm, điểm lực không rõ ràng và không đều khiến mình thường bị gõ sót từ, vỉ phím xung quanh được làm bằng nhựa nên nhấn mạnh tay một chút là flex, từ đó ảnh hưởng đến độ chính xác khi gõ, phím có đèn nền backlit với 2 cấp độ sáng
Bàn rê trên VivoBook S15 vớt vát lại phần nào bởi bàn rê này rất chất lượng, giống như đem từ dòng ZenBook xuống với kích thước lớn, bề mặt được phủ kiếng và hỗ trợ thao tác đa điểm với độ nhạy cao nhờ sử dụng driver Microsoft Precision Touchpad, 2 phím chuột được tích hợp bên dưới bàn rê, dễ bấm nhưng trên chiếc máy mình test thì phím bên trái hơi sụt xuống nhiều hơn so với bên phải, nếu bạn sử dụng bàn rê nhiều thì khả năng qua thời gian, 2 phím chuột này sẽ bị sụp
Màn hình và âm thanh
Trở lại với màn hình, ASUS trang bị cho VivoBook S15 tấm nền IPS của LG, mã LGD0573 và đây là một tấm nền có chất lượng trung bình, 2 điểm mình thích trên màn hình này là độ phân giải FHD (1920 x 1080 px) - rất hợp lý với kích thước màn hình 15,6', tiếp theo là độ tương phản tốt với 770:1 ở độ sáng 100%, trung bình 700:1 ở độ sáng 50%
Tấm nền này có độ bao phủ màu sắc rất hẹp với chỉ 47% AdobeRGB, 63% sRGB và 45% NTSC, với độ bao phủ dải màu như vậy thì màu sắc bị sai rất nhiều, thang Delta-E trung bình đến 8,56 tức là quá cao so với tỉ lệ chuẩn là 1,0 về độ chính xác màu, nền IPS mang lại góc quan sát tốt và sự biến sắc ở các góc thông thường không nhiều
Độ sáng tối đa của màn hình là 260 nit, không quá cao nhưng đủ dùng, tấm nền IPS này có chất lượng trung bình thôi nên sự phân bổ độ sáng không đồng đều, chẳng hạn như ở 100% độ sáng, vùng bên phải màn hình có độ chênh lệch khoảng 6,4% so với vùng trung tâm trong khi vùng bên trái màn hình có độ chênh sáng chỉ 2,5%, vùng bên phải tối hơn trong khi vùng bên trái lại sáng hơn đôi chút so với vùng trung tâm, độ sáng 260 nit cũng không quá lý tưởng để sử dụng ngoài trời dù màn hình có lớp phủ matte chống chói

Chưa có câu trả lời nào