Cùng tìm hiểu một số biện pháp ứng phó nếu như màn hình laptop của bạn bị dính điểm chết.
Cực kỳ hạnh phúc khi mua được một chiếc máy tính xách tay mới “cóng” nguyên hộp, bạn mang về nhà, tận hưởng cảm giác thích thú khi mở từng lớp hộp và giấy bọc để có thể chạm tay vào laptop. Tuy nhiên, khi mở màn hình khởi động, bạn bất chợt nhìn thấy một số điểm sáng chói không đổi màu xuất hiện? Hoảng hốt khi nhận ra máy tính xách tay của mình bị lỗi điểm chết màn hình. Tuy nhiên, đừng vội buồn bã vì bạn vẫn còn một số phương pháp có thể áp dụng để giải quyết vấn đề này.
Điểm chết màn hình là gì?
Để có thể xác định rõ xem có phải màn hình laptop bị dính lỗi này hay không, bạn cần hiểu rõ điểm chết trên màn hình có nghĩa là gì? Điểm chết (hay Dead-pixel), theo định nghĩa, là một chấm hoặc vùng trên màn hình laptop mà ở đó màu sắc không thể hiển thị được. Những điểm dead pixel này thường được phát hiện dễ dàng nhất khi sử dụng nền màn hình màu trắng. Vậy, lỗi điểm chết màn hình thường do nguyên nhân nào gây ra? Có thể nói, phần lớn máy tính xách tay bị dead-pixel là do lỗi của nhà sản xuất.
Cách kiểm tra điểm chết trên màn hình
Một khi laptop bị điểm chết, màn hình sẽ không thể hiển thị được bất kỳ màu sắc nào ở điểm/ khu vực đó. Không chỉ vậy, tình trạng điểm chết còn có thể lan tràn rất nhanh và khiến màn hình máy tính của bạn trông vô cùng nham nhở. Bởi vì hậu quả vô cùng xấu này, bất kỳ người tiêu dùng nào muốn chọn mua laptop đều được tư vấn nên kiểm tra máy tính trước khi mang về nhà.
Cách thông dụng nhất để kiểm tra màn hình laptop xem có bị lỗi điểm chết hay không là sử dụng phần mềm, ví dụ như Dead Pixel Buddy. Các chương trình này sẽ lần lượt chạy tất cả các màu phông nền từ trắng, đỏ, đen, vàng, xanh… để cho người dùng có thể nhận diện được điểm chết. Đây cũng được cho là cách hữu hiệu nhất để có thể chứng minh và mang lỗi dead-pixel đi “bắt đền” nhà sản xuất. Tại sao?
Quy định nhà sản xuất
Chính vì việc điểm chết màn hình phần lớn do lỗi trong quá trình sản xuất, các hãng laptop hầu như đều có một chế độ riêng cho việc bảo hành hoặc đổi sản phẩm bị điểm chết. Tuy nhiên, mỗi một nhà sản xuất lại đề ra một tiêu chuẩn riêng về số điểm chết được chấp nhận trên màn hình của mình. Ví dụ như với Dell, số lượng điểm chết cho phép vào khoảng 5-6 chấm. Điều này đồng nghĩa, nếu trên màn hình laptop Dell có nhiều điểm chết hơn số lượng cho phép này, thì người dùng có quyền yêu cầu bảo hành màn hình. Ngược lại, Fujitsu lại chỉ giới hạn số điểm chết cho phép là 3. Bởi vậy, hãy kiểm tra thật kỹ quy định của từng hãng cũng như thời hạn bảo hành khi mua laptop.
Chú ý: Dead Pixel, Stuck Pixel và Hot Pixel
Rất nhiều người sử dụng đã “tá hỏa” mỗi khi nhận thấy màn hình laptop của mình có một chấm gì đó “dị thường” và cho rằng đó là điểm chết. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt thật kỹ giữa khái niệm điểm chết (dead pixel) với điểm bị “đơ” (stuck pixel) hay điểm nhạy sáng (hot pixel).
Nếu như điểm chết là một pixel hoặc vùng không thể hiển thị được màu sắc, stuck pixel lại là điểm chỉ hiển thị được một màu hoặc vùng “tàng hình” với một số màu còn lại. Ví dụ như bạn chỉ có thể nhìn thấy chúng với màu đỏ, xanh, vàng nhưng không thể nhìn thấy điểm này với màu đen vì chúng chỉ hiển thị được màu đen! Một khái niệm nữa là hot pixel, một điểm cực kỳ nhạy và hiển thị rất rõ dưới nền đen. Do vậy, stuck pixel và hot pixel không được coi là điểm chết (dead pixel).
Làm gì nếu bị dead pixel mà hết bảo hành
Theo lý thuyết, một khi đã bị dead pixel thì hầu như… không có cách nào để có thể cứu vãn. Lý do nằm ở chỗ dead-pixel được coi là một lỗi phần cứng. Tuy nhiên, cũng có một vài “tia hy vọng” mà người dùng có thể áp dụng để “hồi sức cấp cứu” cho màn hình laptop của mình.
Cách thứ nhất được biết đến với tên gọi là “mát-xa” điểm chết: Hãy sử dụng một miếng giẻ mềm khô lót lên khu vực điểm chết rồi dùng đầu ngón tay đè mạnh lên đó với một lực vừa phải. Tiếp theo, vừa nhấn vừa xoay đầu ngón tay giống như… bấm huyệt, hay xoa bóp. Tuy nhiên, hãy cẩn thận vì bạn có thể làm xước hoặc hỏng màn hình nếu như sử dụng quá nhiều lực.
Ngoài ra, để giải quyết stuck pixel, người dùng có thể sử dụng một phần mềm mang tên JScreenFix. Chương trình này có khả năng chiếu sáng rất nhiều màu sắc với cường độ cao trên màn hình. Qua đó có thể giúp “hồi sinh” những điểm bị đơ (stuck pixel), và nếu may mắn, một số điểm chết cũng có thể được... hồi sinh!