Tôi chỉ có vài tiếng để thiết lập hệ thống, cài đặt Windows 7, cũng như flash BIOS và thực hiện vài test nhỏ. Có thể nói là hàng tá việc cần làm cho 1 quỹ thời gian cực cực ngắn.
Dù vậy, trong khoảng thời gian rất nhỏ nhoi đấy, các tester của vozTestLab đã phát hiện ra được vài điều thú vị về Thuban. Với 3 chiếc mainboard AMD 890GX / 890FX trong tay, mỗi chiếc cho ra 1 kết quả thử nghiệm khác nhau (!)
Để tôi mô tả 1 chút về Thuban : con chip mới này có 1 tính năng đặc biệt hơn các model CPU Phenom cũ là Turbo CORE. Tính năng này tương đương với Turbo Boost có ở dòng sản phẩm Nehalem trở về sau của Intel. Nhưng điều đặc biệt là với mỗi chiếc board chúng tôi thử nghiệm, kết quả trả về có khi không như mong đợi, hoặc “dưới mức” mong đợi, hoặc “vượt mức” mong đợi (!!!)
Trong khoảng thời gian rất rất bé ấy (sau khi test nhanh và ra quyết định nên dùng chiếc nào), các tester đã quyết định chọn chiếc board cho kết quả “vượt mức” đợi mong – Gigabyte 890GPA-UD3H. Hai chiếc còn lại là Gigabyte 890FXA-UD7 và ASUS Crosshair IV. Một chi tiết nhỏ khiến tôi dở khóc dở cười ở đây là 2 chiếc board không “được” chọn lại là những model đỉnh nhất và … chưa xuất hiện trên thị trường (!)
Nếu bạn là 1 độc giả “chăm chỉ” của vozExpress thì phần này tương đối không cần thiết nữa. Nhưng hiểu chi tiết hơn giữa Turbo CORE và Turbo Boost, cái nào ưu việt hơn thì việc bấm vào liên kết sau và dành cho nó ít phút để suy ngẫm …
Bạn sẽ nhận ra điểm khác biệt chính giữa Turbo CORE và Turbo Boost chính là mạch điều khiển PCU (Power Control Unit). Việc thiết kế ra mạch này được Intel hoạch định sẵn trong kiến trúc của Nehalem. Với PCU, Intel hoàn toàn chủ động trong việc thêm vào firmware con chip 1 trạng thái gọi là C6. Ở trạng thái đó những nhân nào không hoạt động sẽ được tắt hoàn toàn, hay mức tiêu thụ điện ~ 0.
Với AMD, họ không có PCU. Nhưng hãy trở lại giai đoạn cách đây vài năm trước (trước cả lúc Nehalem xuất hiện), lúc thế hệ chip Phenom đầu tiên ra đời (sản xuất trên tiến trình 65nm), chúng cũng được trang bị 1 tính năng tương tự như PCU, có điều không tiến bộ bằng (vì ra mắt sớm hơn chăng ?). Tính năng này cho phép từng nhân của Phenom sẽ hoạt động ở 1 mức xung khác nhau và như thế, tiết kiệm điện hơn. Đó chính là Cool’n'Quiet (CnQ) 2.0
Nhưng giai đoạn 2006 – 2007 là những ngày đen tối cho AMD, CnQ 2.0 đã không hoạt động tốt. Tính năng này gây sự suy giảm hiệu năng 1 cách khó hiểu lên những con chip Phenom, vào khoảng 5%. Đến thế hệ Phenom II (45nm), AMD khắc phục “tạm” vấn đề bằng cách bắt các nhân xử lý hoạt động ở cùng 1 mức xung. “Bí ẩn” đã được loại bỏ, nhưng tính năng “hay ho” trên đã không được sử dụng. Hay đúng hơn, nó không được dùng 1 cách “tự động” (không cần sự can thiệp của người dùng).
Còn nhớ AMD OverDrive (AOD) và Smart Profiles ? Theo cách nào đó, Smart Profiles có thể xem như Turbo-CORE-thủ-công. Tôi không phủ nhận nỗ lực của AMD khi cố gắng duy trì 1 tính năng tạm gọi là để đối đầu với Intel. Nhưng bằng việc mỗi khi cần “boost” thứ gì đó, lại phải khởi động 1 công cụ và trỏ vị trí tập tin exe để AOD “thấy và ký sổ”, với tôi, đây là sự thất bại về phía người dùng. Turbo Boost hoạt động hoàn toàn tự động, 1 người thực sự “noob” cũng nhận được lợi ích của việc này.
Ơn trời, đến Thuban, ít nhất AMD cũng có 1 tính năng OC tự động tạm gọi là hoàn chỉnh. “Tạm” là vì sau đây, bạn sẽ thấy nó “chưa” hoàn chỉnh
Ở phần đầu tôi đã đề cập, TestLab nhận được 3 chiếc board dùng chipset AMD 890GX / 890FX. Và sau cùng, chúng tôi chọn chiếc “rẻ tiền nhất” vì nó đem lại … “hiệu năng cao nhất” (!)
Thuban không có PCU, nó chỉ đơn giản là có 1 mạch tách xung giữa các nhân với nhau. Và chiếc mạch này, tôi không rõ firmware của CPU quản lý nó bao nhiêu %, nhưng nó hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi BIOS của mainboard. Cụ thể là :
3 ngày trước khi Thuban có mặt tại đây, AMD Việt Nam cho tôi biết điều này :
Rõ ràng Turbo CORE về “lý thuyết”, chỉ xuất hiện nếu có ≥ 3 nhân ở chế độ Idle, hay sẽ có 1 – 3 nhân ở chế độ Turbo. Thực tế 2 chiếc board 890FX, khi thiết lập chế độ Full load 3 nhân, Turbo không xuất hiện. Chiếc board 890GX đặc biệt hơn, dù 1 hay 6 nhân Full load (đã Disable trong BIOS), Turbo luôn xuất hiện ! Nhưng nếu Enable trong BIOS, dù chỉ chạy 1 nhân, cũng không thấy Turbo !?
…
Một giây phút căng thẳng trôi qua … “Nếu là tính năng native của CPU, thì board nào cũng phải hoạt động như nhau. Nhưng mỗi board cho mỗi kết quả. Vậy dùng board nào, bỏ board nào”, tôi tự hỏi.
Trở về vị trí bàn làm việc và xem lại tài liệu của AMD, chiếc slide này đã dẫn tôi đến lựa chọn Giga 890GX :
Tôi trở lại TestLab và thiết lập mọi thứ trên nền board “rẻ tiền” mà “chất hơn” …
Qua hết 3 trang và bạn vẫn chưa hình dung được Thuban là thế nào. Sorry, tôi hơi tiểu tiết hoá vấn đề. Dưới đây là phần bạn nên biết :
Thực hiện vài phép so sánh nhỏ từ đặc tả kỹ thuật đến hình ảnh chụp die chip, bạn sẽ nhận ra ngay rằng Thuban chính là Istanbul, nhưng được đóng gói trong 1 chiếc vỏ socket AM3 thay vì socket F. Giống từ dáng đứng đến tướng đi, chỉ khác mỗi cái áo và … cái giá !
Những mẫu chip Opteron 6 nhân cho thị phần 2P có giá “bèo” nhất cũng ~ 450 USD cho tới ~ 1.000 USD, còn thị phần 8P không dưới 1.500 USD cho model thấp nhất. Nhưng khi khoác vào chiếc áo Phenom II X6, giá của chúng tụt 1 cách nhanh chóng < 300 USD. Cụ thể model cao nhất vào thời điểm này là X6 1090T được AMD chào bán ở mức 295 USD, một chênh lệch … quá đáng !
Thực sự Thuban cũng không giống Istanbul hoàn toàn. Bản thân Istanbul không hỗ trợ bộ nhớ DDR3 (socket F). Ngoài ra Istanbul không có xung cao như Thuban (model cao nhất chỉ đạt 2,8GHz) và không có nốt “thú vui” Turbo CORE. Bù lại Thuban không có tính năng HT Assist (chỉ hữu ích ở thị phần server 4P trở lên) nhưng điều này không quan trọng.
Nói chung, bạn có thể “tự sướng” rằng khi sở hữu 1 CPU Thuban < 300 USD, là bạn đang sở hữu 1 con chip y chang với dòng chip có giá > 1.500 USD mà ít người rờ tới được.
Đến lúc này, tôi chỉ biết dòng chip Thuban sẽ có 6 model, với 5 model có “đủ” 6 nhân và 1 model “bị” che mất 2 nhân. Bản thân model (6 – 2) nhân sẽ vẫn gọi là Phenom II X4. Vậy làm sao để bạn nhận ra nó khi bật CPU-Z ? Ở dòng số cuối cùng – 960T, chữ T đại diện cho Turbo CORE.
Trong trường hợp bạn chỉ được cầm hộp CPU và không được bóc ra vì “bóc là phải … cưới” thì 3 ký tự đầu tiên sau in trên vỏ chip sẽ giúp bạn nhận ra Thuban – HDT. Tại thời điểm hiện tại, AMD chỉ mới ra mắt 2 model là X6 1090T và X6 1055T.
Để tôi lặp lại 1 chút, nhưng theo hướng khác. Không chỉ đơn thuần gắn die Istanbul trên 1 tấm nhựa socket AM3 và gọi đó là Thuban, AMD còn thêm vào firmware con chip 1 trạng thái khác gọi là P0 hay Boost.
Theo lẽ thường hệ điều hành (HĐH) khi Full load chip sẽ thiết lập mức hoạt động ở trạng thái P0. Với Thuban, AMD gọi đó là P1. Mức P1 này có nghĩa toàn bộ 6 nhân sẽ hoạt động ở Full load nhưng trong giới hạn của TDP. Khi 1 hay vài nhân ở trạng thái ít hoạt động(P1 theo OS hay P2 theo AMD), mức TDP toàn chip sẽ giảm xuống. Lúc này firmware “báo” cho các nhân đang Full Load hãy chuyển sang trạng thái Boost (P0 của AMD), còn các nhân kia vẫn ở trạng thái P2. Khi nhu cầu của HĐH đòi hỏi xử lý đa luồng hết 6 nhân, các nhân ở P2 quay trở về P1 và TDP gia tăng, firmware sẽ “kéo” các nhân đang ở Boost trở về P1, giúp duy trì TDP nằm trong mức cho phép.
Mong là mải mê với Thuban, bạn vẫn không quên thế hệ Phenom II X4 trước của AMD. Mặc dù ít hơn 1/2 số nhân, xung tối đa chỉ cao hơn Thuban 200MHz, nhưng Deneb có TDP ở 140W. Revision C3 giúp giảm con số này xuống 125W. Đây vẫn là con số cao vì Thuban có số nhân gấp 1,5 nhưng TDP dừng ở 125W.
Bạn cũng đừng bỏ qua chi tiết Thuban được sản xuất trên tiến trình SOI 45nm giống Deneb. Rõ ràng là khả năng gia công của Global Foundries trên cùng 1 tiến trình đã có cải thiện. Westmere của Intel, dù sao, được sản xuất trên tiến trình 32nm nên khả năng OC tốt hơn là điều không khó hiểu.
Trên thực tế tôi chỉ có ~ 30h đồng hồ bên cạnh con chip. Sự hối thúc từ AMD Việt Nam không cho tôi nhiều thời gian hơn. Dù thế chúng ta vẫn có 1 vài thứ để trải nghiệm. Như đã nói, tôi sử dụng chiếc board Gigabyte 890GPA-UD3H, phiên bản BIOS là F7B. Mẫu BIOS này vẫn là BETA, nhưng nó là mẫu đầu tiên của chiếc board hỗ trợ tuỳ chọn CPU Core Control. Nó có lỗi, tôi biết, điều khôi hài là “nhờ” lỗi này mà tôi hiểu được nhiều hơn về Turbo CORE.
Trước khi viết tất cả những thứ trải nghiệm được về Thuban, tôi có “tranh thủ” được chút thời gian đọc qua cảm nhận của Anand Lal Shimpi. Tôi thực sự nghĩ rằng Anand có 1 chút trải nghiệm tương tự khi “lâu lâu” mới thấy Turbo CORE hoạt động :
In practice, Turbo Core appears to work. While I rarely saw the Phenom II X6 1090T hit 3.6GHz, I would see the occasional jump to 3.4GHz. As you can tell from the screenshot above, there’s very little consistency between the cores and their operating frequencies – they all run as fast or as slow as they possibly can it seems
Trong tình huống của Anand, dường như Turbo CORE cũng không hoàn hảo cho lắm, dù không “buggy” như tôi.
Với cấu hình AMD, số thanh RAM sử dụng chỉ còn 2 module vì Thuban chỉ hỗ trợ dual-channel. Dù sao, điều này không ảnh hưởng nhiều vì kiến trúc Direct Connect gần như loại bỏ giới hạn về băng thông bộ nhớ trên nền tảng AMD.
Phiên bản CPU-Z 1.54 hiện vẫn chưa nhận chính xác thông số của Thuban (1095T thay vì 1090T).
Bạn cũng đừng quên bản BIOS sử dụng hiện có lỗi. Vì vậy để tránh tình trạng nhầm lẫn giữa Enable / Disable Turbo CORE trong BIOS, tôi sử dụng khái niệm xung cho bạn dễ hình dung. Ký hiệu 3,6GHz ở đây có nghĩa cả 6 nhân đều hoạt động ở mức 3,6GHz. Với 1 chút thời gian hạn hẹp, tôi overclock con chip lên mức 4GHz và thực hiện vài test cơ bản.
Gọi là giả lập vì những phép thử này bạn ít khi gặp trong nhu cầu công việc. Nhưng chúng được sử dụng nhiều để đánh giá hiệu năng CPU chính xác hơn các phép thử khác. Đơn giản vì chúng khai thác triệt để đa luồng.
Tuy cùng kiến trúc K10.5, nhưng Thuban thực sự có cải tiến (1 chút) về hiệu năng (điểm số đơn nhân). Phenom II X4 955 có xung DF cũng là 3,2GHz. Với ứng dụng tận dụng tốt đa luồng, Thuban thực sự có cạnh tranh được với Core i7 (đã bật Turbo Boost và SMT).
Với Cinebench R11.5, thậm chí Thuban còn tốt hơn, đặc biệt khi render đa luồng.
Ngang “cơ” i7 930, X6 1090T tại mức 3,2GHz đã làm được điều AMD muốn.
Ở chế độ tính toán đa luồng, việc có nhiều nhân thực hơn quả thực có ý nghĩa.
Nhưng khi chỉ xử lý có 1 nhân thì vấn đề lại khác …
Dường như các phép tính toán vật lý trong game không ưu ái kiến trúc của AMD.
Nhiều người thích nhìn vào các kết quả thực tế hơn là benmark giả lập. Dù sao, đây mới là điều mà người dùng sau cùng trải nghiệm. Ngoại trừ Microsoft Excel, hầu hết các ứng dụng thường ngày này chỉ sử dụng 50 ~ 70% năng lực CPU. Điều này không có gì lạ khi mỗi workload gửi đến CPU lại có dung lượng khác nhau
Cán đích nhanh hơn i7 930, X6 1090T thực sự đáng cho bạn suy nghĩ.
Trong hầu hết trường hợp, Phenom II X6 đều tốt hơn Phenom II X4 khá nhiều, gần như gấp rưỡi về hiệu năng. Có 1 thực tế là rất ít ai lại muốn “giảm bớt” số nhân tính toán mà mình hiện có để “phù hợp” số nhân để so sánh cho “công bằng”. Dĩ nhiên khi mua chip mới, người ta muốn khai thác hết mọi khả năng mà con chip hiện có.
Hiện tại trong box Review sản phẩm tại vozForums đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc hiệu năng của Thuban không chính xác (cụ thể là bị giảm khá rõ) khi xung nhịp HT Link và NB không đúng. Tuy nhiên, các mainboard mới nhất hiện nay (890GX và0 890FX) đều chưa có version BIOS nào nhận đúng xung nhịp mặc định của HT Link & NB trong Thuban, do vậy có khả năng sẽ có nhiều kết quả benchmark khác nhau. Tất cả các kết quả benchmark hiện tại của chúng tôi tại vozTestLab đều sử dụng các thông số HT & NB mặc định (2000 MHz).
Một đặc trưng của CPU AMD là rất khó lấy được nhiệt độ chính xác. Đặc biệt các chương trình theo dõi nhiệt độ không lấy được nhiệt độ từng nhân của Phenom. Do đó tôi chỉ ghi nhận kết quả nhiệt độ vỏ CPU qua chương trình Everest. Ngưỡng nhiệt Full load được lấy sau khi chạy wprime95 trong vòng 20′, nhiệt độ môi trường là 25°C.
AMD luôn duy trì mức trạng thái hoạt động P4 / P5 thấp nhất của từng nhân là 800MHz. Nên dù đã overclock (bằng HSN) thì ở Idle, chip AMD luôn có HSN 4x cho mọi nhân dẫn đến kết quả nhiệt độ toả ra gần như là đồng nhất.
Các kỹ sư AMD có nỗ lực đáng khen khi dù đã thêm vào 2 nhân tính toán, nhưng mức tăng điện áp tiêu thụ chỉ rất thấp, dù X4 và X6 đều dùng chung 1 tiến trình sản xuất. Nhưng quả thực khi OC thì kết quả trả về không khỏi khiến ta giật mình. Điều bạn cần lưu ý ở bảng sau là mức xung 3,6GHz áp dụng cho toàn 6 nhân, cũng như khi ở mức 4,0GHz. Do vậy hãy nghĩ kỹ trước khi bạn muốn OC. Chưa tính đến việc thời gian này ở Việt Nam thường bị cúp điện luân phiên, nên OC hay không OC thì đó là lựa chọn của bạn.
4 ngày trải nghiệm với Thuban dường như không đủ dài với tôi. Có nhiều phép thử, nhiều tình huống bất ngờ lẫn áp lực về thời gian khiến cho bài viết chưa đánh giá cụ thể hơn về tính năng Turbo CORE. Thực sự tuỳ theo mainboard và BIOS, những gì bạn cảm nhận có thể sẽ rất khác với tôi. Nhưng điều này cũng không phải vấn đề gì quá to tát vì các nhà sản xuất mainboard sẽ sớm phát hành phiên bản update có thể hoạt động ổn định và đúng nghĩa với tên gọi Turbo CORE.
Tạm gác qua 1 bên tính năng còn chưa ổn định trên, về mặt hiệu năng “thô” (chưa Turbo), Thuban thực sự là 1 lựa chọn sáng giá cho ai thích đầu tư vào AMD mà chi phí hầu bao có hạn. Chỉ cần nâng cấp BIOS, không phải thay mainboard, bạn có thể giành hầu bao để mua sắm các thiết bị khác như trang bị 1 card đồ hoạ mạnh hơn, đầu tư vào 1 ổ cứng lớn hơn. Thứ duy nhất đáng quan tâm lúc này là liệu thị trường Việt Nam đã có nhiều sản phẩm này chưa và mức giá các đại lý áp đặt lên sản phẩm.
Nguồn: voz