Những cú sốc văn hóa được coi là một căn bệnh nghề nghiệp của những người bất ngờ phải sống và làm việc tại nước ngoài. Và cũng như bất kỳ căn bệnh nào, nó có những triệu chứng và phương thuốc riêng.
Bị sốc về văn hóa là kết quả của sự lo lắng khi chúng ta mất đi tất cả những dấu hiệu quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày cũng như giao tiếp xã hội. Có đến hàng ngàn lẻ một nhân tố điều chỉnh hành vi của chúng ta: khi nào nên bắt tay một người và chào hỏi thế nào khi gặp một ai đó, "boa" một nhân viên nào đó ra sao, nhận hay từ chối một lời mời, khi nào phải thật nghiêm túc... Tất cả những yếu tố đó, có thể qua ngôn từ, cử chỉ hay là điệu bộ nét mặt, là tập quán hay là thói quen đều được hình thành dần dần và được chấp nhận bởi mỗi một cộng đồng người và thông thường rất khác biệt so với những cộng đồng khác.
Có rất nhiều biểu hiện khác nhau của căn bệnh sốc văn hóa nhưng nhìn chung đó đều là sự xáo trộn về tâm lý, và thường trải qua bốn giai đoạn sau:
Thời kỳ trăng mật : Trong những tuần đầu tiên hầu như ai cũng hết sức phấn khích với những điều mới lạ và kì thú xung quanh mình. Trong một môi trường hoàn toàn mới, gặp gỡ những đối tác nồng hậu và nhiệt tình quả là tuyệt vời. Thời kỳ này có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng tùy từng trường hợp. Khi bạn có vị trí càng quan trọng, được mọi người quan tâm săn sóc và trân trọng thì thời kỳ này càng kéo dài. Và bạn không cần phải lo lắng gì ngoài việc tận hưởng cảm giác thú vị này.
Thời kỳ nhức nhối : Thời kỳ trăng mật chỉ kéo dài đến khi những điều kỳ thú của môi trường mới không còn làm bạn rung động nữa, và bạn phải trực tiếp đối mặt với những điều kiện sống thực tế. Đó là lúc giai đoạn hai của căn bệnh bắt đầu. Đây là giai đoạn gay go nhất vì thông thường bạn sẽ mang một thái độ không mấy chan hòa thậm chí khó chịu về nước mà bạn đang sống và làm việc. Bạn bắt đầu gặp rắc rối về nơi ăn chốn ở, về cách đi lại mua sắm… và thực tế là người bản xứ hoàn toàn khác so với bạn. Mặc dù những người bản xứ có thể muốn giúp đỡ bạn nhưng họ hoàn toàn không hiểu vấn đề của bạn và có thể làm cho bạn thấy khó chịu và rắc rối thêm. Bạn bắt đầu thấy chán ghét họ và thậm chí trở nên ngại giao tiếp. Nhiều người khi ở trong giai đoạn này có những biểu hiện rất lạ: họ không ngừng rửa tay hoặc uống nước quá nhiều, rửa bát đĩa và lau chùi cả ngày hoặc nằm lỳ trên giường, họ rất ngại những tiếp xúc hoặc va chạm cơ thể… Thường thấy những vị khách nước ngoài hay tụ tập với nhau để nói xấu về đất nước họ đang ở, chính giai đoạn này hình thành nên những quan niệm và hình ảnh khác nhau về mỗi quốc gia như người Mỹ thực dụng thích tiền hay người gốc Latin thì lười biếng… Tệ hơn nữa có nhiều người trở nên hiếu chiến và thích gây sự. Và tất cả đều chỉ có một mong muốn duy nhất là được trở về nhà, trở về quê hương của mình.
Để làm giảm nhẹ tác động của trạng thái chán ghét thực tại và nhớ nhà này, có một số biện pháp đơn giản như sau:
Tìm hiểu thật kỹ về đất nước bạn sắp đến và chuẩn bị tốt tinh thần từ trước. Khi sự khác biệt càng làm cho bạn thấy sốc thì bạn càng khó thích nghi với cuộc sống mới và cảm giác nhớ nhà càng da diết. Hãy tìm đến Đại sứ quán hay những khu vực có nhiều người đồng hương, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ và những lời khuyên một cách nhiệt tình nhất.
Thường xuyên liên lạc với người thân. Ngày nay với sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông, các phương tiện liên lạc hiện đại đã thu hẹp dần khoảng cách giữa các miền trên thế giới. Những người công tác và học tập xa nhà hàng chục nghìn cây số có thể trông thấy và trò truyện với người thân mỗi ngày.
Mang theo ảnh của những người thân. Khi xung quanh bạn là hình ảnh của những người yêu thương bạn sẽ có cảm giác gần gũi hơn và ít cô đơn hơn. Và tất nhiên những người ở lại cũng trưng bầy những tấm ảnh của bạn để có cảm giác như là bạn đang ở nhà vậy.
Duy trì bữa ăn đều đặn và đầy đủ. Khi dinh dưỡng không đảm bảo thì mọi mầm bệnh đều có cơ hội phát triển không ngoại trừ căn bệnh sốc văn hóa. Khi chiếc dạ dày trống rỗng là khi bạn cảm thấy chán ghét cái thực tại này nhất. Nếu có thể hãy tìm ăn những món ăn truyền thống của đất nước bạn, điều đó quả là tuyệt vời.
Kết bạn mới. Hãy làm quen với những người khách nước ngoài như bạn vì họ là những người hiểu và dễ thông cảm hoàn cảnh của bạn nhất. Và tất nhiên phải kết bạn với cả những người bản xứ nữa vì họ sẽ giúp bạn thích ứng với môi trường này một cách tốt nhất.
Thời kỳ hồi phục : Khi tất cả những điều trên giúp bạn quen dần với cuộc sống mới và bạn không phải kết thúc bằng cách bỏ về nước thì bạn sẽ bước sang một giai đoạn mới. Ở giai đoạn này hầu hết các “con bệnh” đều hiểu rằng: À, đó là vấn đề của mình, và mình phải chấp nhận thôi. Mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn và không còn những trạng thái tâm lý gay gắt nữa. Thay vào đó người ta còn hóm hỉnh hơn và thường bông đùa với chính những khó khăn hay vấn đề của mình. Thời kỳ này cho thấy những phương thuốc đã phát huy tác dụng.
Thời kỳ tái trăng mật : Sang giai đoạn cuối cùng của căn bệnh bạn đã hoàn toàn thích nghi với môi trường mới và coi đó như là một cách sống hoàn toàn khác mà họ đã có thể kiểm soát được. Không chỉ điều chỉnh cuộc sống để thích nghi được với lối sống mới, đồ ăn thức uống mới, phong tục tập quán mới mà bạn có thể yêu thích nó nữa. Đó là khi mọi phương thuốc đều không cần đến nữa nhưng cũng là lúc mà nguy cơ của một căn bệnh mới bắt đầu. Lúc này bạn đã quá quen thuộc với cuộc sống ở đất nước mới này và khi họ phải rời xa đất nước đó bạn sẽ thấy nhớ nó vô cùng. Quay trở về quê hương, rất có thể bạn sẽ gặp phải một trạng thái khác, đó là sự sốc văn hóa ngược.
Bốn giai đoạn này của “căn bệnh” sốc về văn hóa có thể dài hay ngắn và có trải qua hết bốn giai đoạn hay không còn phải tùy vào từng hoàn cảnh, tùy vào sự khác biệt giữa hai nền văn hóa, vào thời gian sống và làm việc tại đó cũng như khả năng thích ứng của “người bệnh”. Tuy nhiên không ai là không phải trải qua, cho dù đó là người thường xuyên du lịch khắp nơi hay là người vô cùng nhạy bén và nhanh thích ứng. Mỗi quốc gia với mỗi đặc thù riêng đều có những vẻ hấp dẫn riêng, đồng thời cũng mang lại những rắc rối không thể có ở một nơi nào khác.