Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa bắt đầu chuyến công du thứ 2 tới châu Á kể từ khi nhậm chức, với các chặng dừng chân ở Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong nghị trình lần này, ông chủ Nhà Trắng sẽ tập trung vào những vấn đề gì?
Ấn Độ (6-9/11)
Ở Ấn Độ, điểm đến đầu tiên, các lĩnh vực nhiều khả năng được bàn thảo là quốc phòng, thương mại, các vấn đề hạt nhân, giáo dục và kiểm soát xuất khẩu.
Tại đây, ông đối mặt với 4 thách thức lớn. Thứ nhất, ông từng mắc phải nhiều sai lầm trước kia. Khi còn là ứng viên Tổng thống, ông tuyên bố sẽ bổ nhiệm một phái viên tìm kiếm hòa bình ở Kasshmir. Nhưng hầu hết người dân Ấn Độ không chấp nhận kiểu can thiệp của bên thứ 3 như vậy trong cuộc tranh chấp Kashmir giữa họ và nước láng giềng Pakistan. Do đó, sự hồ nghi tăng cao sau khi Obama nhậm chức.
Tiếp đó, hai bên cũng thiếu một "ý tưởng lớn" mới để tiếp tục thỏa thuận hạt nhân dân sự. Thứ ba, nhiều ý kiến và sáng kiến khác bị sa lầy, từ một hiệp ước đầu tư song phương tới một thỏa thuận phóng tàu vũ trụ thương mại.
Thứ tư, những bất đồng về các chính sách của Obama về Afghanistan và Pakistan là trở ngại chính đối với mối quan hệ Mỹ - Ấn.
Tuy nhiên, mối quan hệ song phương này đang ngày càng bao trùm hơn. Do vậy, chuyến công du của ông Obama sẽ dẫn tới sự hợp tác nhiều hơn nữa ở Afghanistan, châu Á và châu Phi.
Indonesia (9-10/11)
Rời Ấn Độ, Tổng thống Obama sẽ tới Indonesia. Trước kia, ông đã 2 lần hủy công du tới đất nước mà tuổi thơ ông từng gắn bó. Tại đây, ông sẽ nhận được nhiều thiện chí và nhiều khả năng sẽ đạt được tiến bộ thực sự trong việc tạo ra một mối quan hệ đối tác gắn bó hơn nữa giữa hai nước.
Có thể, ông sẽ kêu gọi chính phủ Indonesia nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách quân sự, diệt trừ tham nhũng, tái thiết cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường cho đầu tư nước ngoài.
Hàn Quốc (11-12/11)
Thăm Hàn Quốc, Tổng thống Obama có thể sẽ bày tỏ cam kết đối với thương mại tự do và phê chuẩn một thỏa thuận thương mại đã chờ ông sẵn từ trước.
Vấn đề CHDCND Triều Tiên sẽ lấn át các cuộc hội đàm bên lề hội nghị G20. Tiến trình giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn bế tắc kể từ sau vụ chìm tàu chiến của Hàn Quốc mùa xuân vừa qua.
Trong các cuộc gặp song phương với ác nhà lãnh đạo Đông Bắc Á, Tổng thống Obama sẽ phải tái khẳng định một cách tiếp cận chung với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời xử lý khoảng cách ngày càng lớn giữa các lối tiếp cận của Mỹ và Trung Quốc đối với các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có Triều Tiên và căng thẳng Nhật - Trung về tranh chấp biển đảo.
Ở Seoul, ông Obama sẽ tới dự Hội nghị G20 như lãnh đạo của một đảng chính trị bị suy yếu đang chật vật giải quyết thâm thủng ngân sách và chịu trách nhiệm về một nền kinh tế lao dốc.
Thế nhưng, sẽ không có một nhà lãnh đạo nào tại hội nghị có được vị thế mạnh hơn Tổng thống Mỹ. Hội nghị G20 lần này sẽ chứng tỏ các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn xem Mỹ là nước chủ yếu sẽ giải quyết các thách thức cả về kinh tế lẫn chính trị của họ. Ông Obama sẽ tận dụng cơ hội đó.
Nhật Bản (13-14/11)
Nhật Bản là chặng cuối trong hành trình châu Á của Tổng thống Obama. Trong 2 ngày ở đây, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tới Yokohama để dự hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Diễn ra sau G20 ở Seoul, chương trình nghị sự của APEC năm nay bị phủ bóng bởi những tranh cãi quanh tiền tệ và nhiều vấn đề khác với Trung Quốc. Thương mại sẽ vẫn là ưu tiên cao trong khu vực, song cuộc gặp APEC sẽ ít hấp dẫn hơn so với quá khứ.
Thách thức thực sự của chính quyền Obama sẽ vẫn là cách thức thể hiện mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Rõ ràng, hai bên đã có nhiều sóng gió trong năm ngoái và nghị trình then chốt hiện nay là đưa đối tác châu Á này trở lại đường ray.
Và không chỉ người Nhật mà người dân các nước khác trong khu vực cũng sẽ theo dõi sát sao để xem liệu Tổng thống Mỹ có tiếp tục định rõ Tokyo là đối tác ưu tiên của Mỹ ở Thái Bình Dương hay không.