Em muốn học ngành địa chất thì phải thi trường đại học nào, khối nào?

Em muốn học ngành địa chất thì phải thi trường ĐH nào, khối nào, có bao nhiêu phân ngành? Điểm chuẩn trường đó thường lấy bao nhiêu?

Sức học phải như thế nào mới có cơ hội trúng tuyển? Sau khi tốt nghiệp ngành này thì em có thể làm việc ở đâu? Ngay từ bây giờ em phải tập trung vào môn nào?

Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 14 năm trước

Ngành địa chất hầu hết được tuyển sinh theo khối A. Do đó, ngay từ bây giờ bạn cần ôn thật tốt các môn toán, lý, hóa để có kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi. Điểm chuẩn thường phụ thuộc vào chất lượng thí sinh dự thi. Do đó, nhiều trường có điểm chuẩn rất cao, nhưng nhiều trường chỉ từ 15 điểm trở lên là trúng tuyển.

Các trường sau có đào tạo ngành địa chất và Tuổi Trẻ Online cung cấp cho bạn điểm chuẩn hằng năm để bạn tham khảo: ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) khối A: 15, khối B: 20 (năm 2008); A: 15, B: 19 (năm 2007); A và B: 15 (năm 2006); A và B: 16 (năm 2005);

ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM): khối A: 17 (năm 2008 và 2006), 18 (năm 2007 và 2005); ĐH Khoa học (ĐH Huế): khối A: 13 (2008), 15 (2007 và 2005), 14,5 (2006); ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): khối A: 18 (2008, 2007 và 2006), 20 (2005); ĐH Mỏ - địa chất: khối A: 15 (2008), 15,5 (2007), 17,5 (2006), 18,5 (2005)…

Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành địa chất cung cấp cho sinh viên kiến thức về khoa học trái đất, đặc biệt là các vật liệu tạo thành lớp vỏ cứng và quyển mềm của trái đất, các phương pháp tìm kiếm các tài nguyên, khoáng sản từ dạng rắn đến dạng lỏng hoặc khí (kim cương, ruby, saphia, đá bán quý, đá xây dựng, đất sét, cát sạn, nước ngầm, dầu khí...); các tác động đến môi trường sau khi khai thác... Ngành này có bốn chuyên ngành:

+ Chuyên ngành địa chất thủy văn - địa chất công trình: cung cấp kiến thức về các tính chất cơ lý của đất, đá để phục vụ cho việc khảo sát và thiết kế các loại công trình dân dụng, công nghiệp cũng như giao thông vận tải. Chuyên ngành này còn giúp nghiên cứu các tài nguyên nước dưới đất, cung cấp các phương pháp tìm kiếm và các phương pháp khai thác cũng như bảo vệ môi trường nước. Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty khảo sát thiết kế phục vụ cho xây dựng các loại công trình, các công ty khai thác nước ngầm, các trường, viện...

+ Chuyên ngành địa chất dầu khí: cung cấp kiến thức về môi trường tạo lập, sinh, chứa, chắn dầu khí, các phương pháp địa vật lý, giải đoán các tài liệu địa chấn, các phương pháp thăm dò dầu khí... Sinh viên có thể công tác tại các công ty thăm dò khai thác dầu khí trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu về dầu khí...

+ Chuyên ngành địa chất môi trường: cung cấp các kiến thức cơ bản về địa chất và môi trường, các loại tài nguyên môi trường, đánh giá tác động môi trường, luật môi trường và luật khoáng sản. Sinh viên ra trường có thể đến công tác tại các ban quản lý dự án, các sở khoa học - công nghệ - môi trường ở thành phố hoặc các tỉnh.

+ Chuyên ngành điều tra khoáng sản: cung cấp các kiến thức về các loại hình khoáng sản, các phương pháp tìm kiếm và dự báo các khoáng sản rắn (kim loại hoặc phi kim), từ dạng thể bở rời như cát, sạn, sỏi, đất sét... cho đến dạng thể cứng chắc như đá vôi, đá sét...; từ loại khoáng sản tầm thường cho đến khoáng sản bán quí và khoáng sản quí (vàng, bạc, kim cương, ruby, saphia...). Sinh viên ra trường có thể công tác tại các công ty khai thác khoáng sản, các ban quản lý dự án, các cơ sở có bộ phận liên quan đến địa chất, các sở khoa học - công nghệ - môi trường, các liên đoàn địa chất, các viện nghiên cứu, các trường ĐH-CĐ-TCCN.