Ôn thi ĐH năm 2011 theo tài liệu nào?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Học sinh lớp 12 đang vào mùa ôn thi. Ôn tập theo sách giáo khoa, theo tài liệu của Bộ GD-ĐT hay các sách hướng dẫn ôn tập khác đang là điều nhiều nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh băn khoăn.

Năm học trước, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường sử dụng tài liệu dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn học sinh ôn tập. Nhưng năm nay Bộ GD-ĐT chỉ chỉ đạo chung các trường tổ chức cho học sinh ôn tập theo chuẩn kiến thức kỹ năng.

Tránh nhầm lẫn

Theo giải thích của lãnh đạo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), chuẩn kiến thức, kỹ năng được quy định cho mỗi lớp học, môn học cụ thể giống như các “đầu việc” mà các trường, giáo viên phải căn cứ vào đó để tổ chức dạy học, tổ chức ôn tập, kiểm tra đánh giá học sinh chứ không phải tài liệu ôn thi dành cho học sinh. Ôn thi “bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng” là xem chuẩn kiến thức, kỹ năng như yêu cầu cụ thể để hướng dẫn học sinh triển khai đề cương ôn tập kiến thức, rèn luyện kỹ năng đúng trọng tâm, không lan man, ôm đồm, quá tải.

Tuy nhiên “chất liệu” để giúp học sinh ôn tập đúng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng sẽ là sách giáo khoa, bài giảng của thầy cô, tích lũy của học sinh trong quá trình học tập, kể cả các loại tài liệu ôn tập khác nhau.

Mùa ôn thi năm 2010, nhiều trường, thầy cô giáo đã hiểu nhầm “tài liệu dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng” và “chuẩn kiến thức, kỹ năng” là một và xem tài liệu trên là tài liệu duy nhất sử dụng cho học sinh ôn tập, dẫn đến việc có những học sinh không đạt được điểm giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vì bỏ sót kiến thức.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã giải thích về việc này, trong đó nhấn mạnh tài liệu trên chỉ giúp học sinh ôn tập có trọng tâm, không phải tài liệu ôn tập duy nhất do Bộ GD-ĐT quy định. Những học sinh có học lực trung bình, dưới trung bình sử dụng tài liệu trên để tránh quá tải có thể đạt điểm trung bình, khá trong kỳ thi. Những học sinh có lực học tốt hơn, có thể ôn tập đầy đủ hơn theo sách giáo khoa để đạt điểm giỏi.

Đề cập kỳ thi tốt nghiệp năm 2011, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định để học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi, Bộ GD-ĐT từ đầu năm học đã yêu cầu các trường có định hướng dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng bám sát kiến thức cơ bản, tăng cường các kỹ năng vận dụng kiến thức cho học sinh.

Đề thi tốt nghiệp năm 2011 sẽ có 50% điểm số cho các yêu cầu vận dụng kiến thức. Vì thế, học sinh không nên chạy theo các lò luyện nâng cao, không cần thiết tham khảo nhiều tài liệu, chỉ cần bám sát chương trình - sách giáo khoa. Các trường tăng cường việc kiểm tra, có thể tổ chức các kỳ thi thử để giúp học sinh làm quen với các đề thi có yêu cầu “vận dụng kiến thức”, làm quen với kỹ thuật thi trắc nghiệm...

Không cắt xén chương trình

Theo ông Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, sau khi công bố môn thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 3-2011, Vụ Giáo dục trung học mới có hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT gửi các sở GD-ĐT để triển khai cho các nhà trường. Nhưng tinh thần chung sẽ không hướng dẫn chi tiết, cụ thể từng môn thi, không giới hạn kiến thức mà chỉ hướng dẫn chung các trường trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh, hướng dẫn phương pháp ôn tập có hiệu quả.

Về việc này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường vào thời điểm này gấp rút phân loại học sinh theo học lực để có biện pháp kịp thời phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh yếu, kém nhằm nâng cao tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở mức trên trung bình.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: với việc chỉ đạo phân loại, bám sát từng đối tượng học sinh nên từ kỳ thi trước tuy tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp loại khá, giỏi không tăng nhưng tỉ lệ học sinh đỗ loại trung bình tăng rõ rệt. Vì vậy, việc này cũng cần được triển khai thật tốt trong từng trường, từng địa phương, nhất là những nơi có tỉ lệ tốt nghiệp THPT chưa cao trong các năm trước.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, để chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, các trường xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh, nhưng tuyệt đối không được cắt xén chương trình, dạy dồn để dành thời gian cho môn thi. Việc dạy học vẫn phải đảm bảo đúng chương trình, thời gian năm học, đảm bảo chất lượng dạy học cả những môn thi và môn không thi.