Sau khi có báo cáo gửi Chính phủ, trong đó đề xuất nghiên cứu việc sở hữu chung cư có thời hạn, Bộ Xây dựng cũng đã gửi văn bản đề nghị Bộ TNMT xem xét việc quy định đất xây nhà chung cư cũng có thời hạn phù hợp với đề xuất trên.
Cơ quan chức năng cũng lo…
Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, nếu việc quy định sở hữu nhà ở có thời hạn trở thành hiện thực sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho việc nâng cấp, cải tạo lại nhà cũ, những khu tập thể cũ nát đã làm đau đầu không ít nhà quản lý, quy hoạch về nhà ở.
Đây cũng là mô hình đang được áp dụng ở nhiều nước. Đề xuất này sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh quy hoạch và xây dựng được đồng bộ hơn.
Lãnh đạo Vụ pháp chế (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, khó khăn nhất của việc quy định chung cư có thời hạn là quyền sở hữu. Đất đai, nhà cửa cũng là một loại hàng hoá, hàng hoá có giá cả tương thích với giá trị của nó nên một căn hộ có quyền sở hữu trong vòng 50 năm sẽ có giá rẻ hơn một căn hộ có quyền sở hữu vĩnh viễn.
Đây là hình thức gần với hình thức thuê mua nhà ở, việc chuyển nhượng quyền sở hữu của nhà chung cư có thời hạnsẽ phải đi kèm với rất nhiều quy định.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được văn bản của Bộ Xây dựng, lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT) đã tỏ ra lo lắng cho đề xuất trên. Trả lời báo chí, ông Đào Trung Chính- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng mặc dù, đề xuất này đã áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên theo ông nếu áp dụng ở Việt Nam là không khả thi.
Nếu bán nhà sở hữu có thời hạn thì không ai mua. Nếu đề xuất này được thực hiện thì 50 năm sau, nó cũng lại giống như tình trạng nhà của Nhà nước đã cho thuê trong thời gian qua.
“Nhà của Nhà nước nhưng Nhà nước không thu hồi lại được để xây mới, nói gì đến nhà đã bán cho người dân, dù là bán có thời hạn”- ông Chính nhấn mạnh.
Tác động đến thị trường?
Khỏi cần phải nói cũng có thể hiểu tâm lý lo lắng của người dân, đặc biệt đối với những người đang có nhu cầu mua chung cư. Chẳng ai muốn bỏ ra một đống tiền để mua nhà nhưng sau vài chục năm lại bị thu hồi lại.
Theo họ, nếu chung cư chỉ được sở hữu có thời hạn nhất định, thì thực chất đây chỉ là hình thức thuê nhà với giá cao mà người sử dụng phải trả tiền một cục.
Đáng chú ý, một số người dân nằm trong diện thu hồi đấtở nhiều dự án đều có chung băn khoăn: Khi nhà nước thu hồi đất ở của chúng tôi nhưng lại đền bù bằng nhà tái định cư trong các khu chung cư. Đương nhiên, nếu quy định được ban hành, thì người dân cũng phải chấp nhận và họ lại càng thiệt thòi hơn bao giờ hết.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Khánh- Tổng Giám đốc Công ty đầu tư và phân phối DTJ nhận định: ở Việt Nam, với tập quán sở hữu lâu dài, nếu quy định thời hạn sử dụng chung cư chỉ 50 năm thì người có nhu cầu sẽ không còn nhiều, trừ khi giá bán phải rất rẻ.
Trong khi thực tế hiện nay điều đó khó xảy ra, vì các chủ đầu tư để xin được đất đầu tư một dự án nhà chung cư đang phải bỏ ra chi phí rất lớn, giá thành cao.
Bên cạnh đó, theo luật quy định không hồi tố những công trình đã làm trước đây. Vậy với các chung cư đã giao rồi thì xử lý như thế nào?
Cũng theo vị này, đây không phải là giải pháp tốt để hạ nhiệt nhà chung cư, vì vấn đề mấu chốt là giải quyết được nhà ở cho người dân, tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp.
Trong khi quy định này nếu xử lý không khéo, có khi lại là cơ hội để giá đất nền bị đẩy lên vì tâm lý người dân vẫn muốn có quyền sở hữu nhà đất.