Nguyễn Ngọc Điệp
Trả lời 16 năm trước
Việc cai sữa nên tiến hành từ từ bằng cách thay dần các bữa bú bằng bột, cháo (phải có thịt, cá, trứng, dầu, mỡ, rau quả tươi để đủ dinh dưỡng). Cần chế biến sao cho hợp khẩu vị, thường xuyên thay đổi món để trẻ ăn được hết suất.
Khi nào có thể cai sữa cho con, cai sữa như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe của con... là nỗi băn khoăn của nhiều bà mẹ trẻ.
Trước hết, phải khẳng định rằng với trẻ dưới 4-6 tháng tuổi, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất. Không cần cho trẻ ăn gì thêm trong thời gian này.
Sau giai đoạn đó, trẻ tăng trưởng rất nhanh. So với lúc mới đẻ, trẻ 5-6 tháng tuổi đã nặng gấp đôi, trẻ 12 tháng tuổi nặng gấp ba. Sau đó, cứ mỗi tuổi, cân nặng của trẻ lại tăng 1,5 kg. Nhu cầu dinh dưỡng tăng nhanh trong khi nguồn sữa mẹ có chiều hướng giảm cả về lượng và chất. Do vậy, từ tháng thứ 5, ngoài việc tiếp tục cho trẻ bú để tận dụng nguồn sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung rồi dần dần cho cai sữa. Không được cai trước 12 tháng tuổi vì việc ăn sữa ngoài hoặc ăn bổ sung quá sớm rất dễ gây tiêu chảy. Mặt khác, do hệ tiêu hóa của trẻ chưa được làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ nên khả năng tiêu hóa, hấp thu kém, trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.
Ở tuổi cai sữa, trẻ đã mọc răng nhưng cơ nhai còn yếu. Vì vậy, các món ăn phải mềm, dễ tiêu (như bột, cháo, cơm nát), và chỉ nên cho trẻ ăn ít một, 4-5 bữa/ngày. Không nên bắt ép trẻ ăn quá nhiều, dễ gây ức chế bài xuất các men tiêu hóa.
Tránh cai sữa đột ngột vì dễ làm cho trẻ bị sang chấn tinh thần và dễ sinh biếng ăn. Không nên cai sữa vào mùa hè hoặc khi trẻ ốm vì đây là lúc trẻ hay bị biếng ăn, khó thích nghi với chế độ ăn mới. Nếu trẻ đang bị tiêu chảy thì càng bất lợi vì hệ tiêu hóa của trẻ vốn non yếu nay lại bị bệnh, khả năng hấp thụ thức ăn giảm sút, bệnh tiêu chảy dễ nặng thêm, trẻ càng biếng ăn và dẫn đến suy dinh dưỡng.
Chúc bạn thành công