PNO - “Con mình có thông minh?” là một trong các câu hỏi làm bận tâm không ít bậc cha mẹ. Thay cho những định nghĩa cũ, Thomas Armstrong - tác giả cuốn “Bạn thông minh hơn bạn nghĩ” đưa ra một khái niệm về thông minh đa chiều khá mới mẻ và thú vị.
8 LOẠI HÌNH TRÍ THÔNG MINH KHÁC NHAU
Trước đây, một số bà mẹ thường đánh giá “thông minh” theo cách đơn giản: Một đứa trẻ thông minh phải là một đứa trẻ sớm có khả năng ghi nhớ, thông thạo các mặt chữ và con số, nhanh nhạy với các trò chơi về logic.
Các mẹ thường tỏ ra rất tự hào khi con mình chưa vào lớp 1 đã có thể nhớ nhiều chữ cái, đếm số, làm các phép cộng đơn giản... Tuy nhiên, theo học thuyết “Thông minh đa chiều”, cách đánh giá một đứa trẻ thông minh như thế chưa đầy đủ. Theo tiến sĩ Thomas Armstrong, một nhà giáo dục và tác gia Mỹ, có thể chia ra đến 8 loại hình trí thông minh ở trẻ, bao gồm: ngôn ngữ, logic toán học, không gian, âm nhạc, khả năng vận động cơ thể, năng lực tương tác, năng lực tự nhận thức bản thân, tự nhiên.
Trong đó, thông minh ngôn ngữ thể hiện qua việc trẻ thích chơi chữ, đố từ, học đọc, học viết rất nhanh, thậm chí có thể sáng tác những bài thơ ngắn từ rất sớm. Với thông minh logic toán học, mẹ có thể thấy con cực kỳ xuất sắc khi tiếp xúc với các con số, các vấn đề mang tính logic.
Thông minh về không gian – Loại hình thông minh thường thấy ở các kiến trúc sư, nhiếp ảnh, nghệ sĩ, phi công. Ảnh shutterstock
Tuy nhiên, bên cạnh hai loại hình thông minh được các mẹ nhận ra dễ dàng này, thực tế còn có những nhóm thông minh khác. Có những trẻ sở hữu sự thông minh về không gian. Đây là những em rất thích thú các trò chơi xếp hình, tìm đường trong mê cung. Nếu được phát triển tốt, trẻ có thể trở thành những kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, phi công xuất sắc sau này.
Trẻ có sự thông minh về âm nhạc có khả năng thưởng thức, cảm nhận và tạp ra các giai điệu. Ảnh shutterstock
Lại có những trẻ thông minh về âm nhạc. Bạn sẽ nhận ra con ghi nhớ và bắt chước giai điệu rất giỏi. Một số bé khác lại có khả năng vận động và sự thông minh về cơ thể. Đây là các bé vượt trội trong các thao tác cầm nắm, điều khiển hoạt động cơ thể. Bên cạnh đó, trẻ còn có thể có khả năng thông minh về năng lực tương tác (có khả năng giao tiếp tốt, hiểu người khác nhanh chóng, dễ dàng), thông minh về năng lực tự nhận thức bản thân (còn gọi là trí thông minh nội tâm. Những người có khả năng này có thể hiểu rõ từng cảm xúc của bản thân và sử dụng những hiểu biết này để vạch ra hướng đi cho cuộc đời), hoặc thông minh về lĩnh vực tự nhiên (tinh thông việc nhận dạng và phân loại vô số chủng loại động thực vật, rất dễ trở thành nhà tự nhiên học, bác sĩ thú y xuất sắc sau này).
GIÚP TRẺ THÔNG MINH ĐA CHIỀU: KHÔNG NÊN CHỈ TẬP TRUNG VÀO PHÁT TRIỂN TRÍ NÃO!
Khi đã mở rộng được cách phân loại trí thông minh theo học thuyết “Thông minh đa chiều” như trên, theo bác sĩ Thái Thanh Thủy (Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2), “Cha mẹ cũng cần thay đổi cách hỗ trợ con mình để trẻ có thể phát triển vượt trội, dẫn đầu trong những lĩnh vực mà bé thật sự có khả năng và yêu thích”.
Có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí thông minh ở trẻ, bao gồm: di truyền, giáo dục, dinh dưỡng. Trong đó, trừ yếu tố di truyền là yếu tố khó lòng can thiệp thì giáo dục và dinh dưỡng đều là những yếu tố cha mẹ có thể tác động, hỗ trợ cho con.
Chẳng hạn, về giáo dục, cha mẹ có thể tạo điều kiện để trẻ chơi các trò chơi phù hợp cá tính của bé, giúp bé học hỏi và phát triển năng khiếu.
Tăng cường hệ miễn dịch giúp bé khỏe mạnh, gia tăng cơ hội tiếp xúc, học hỏi với môi trường bên ngoài. Ảnh shutterstock
Về dinh dưỡng, chỉ tập trung cung cấp các dưỡng chất trợ giúp phát triển trí não là chưa đủ, mà còn cần bổ sung cho con những dưỡng chất giúp phát triển tầm vóc, hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa. Bởi ngoài những dưỡng chất cho trí não, phát triển tầm vóc bao gồm cân nặng, chiều cao giúp trẻ sẵn sàng cho sự vận động. Phát triển hệ miễn dịch giúp bé khỏe mạnh hơn, gia tăng khả năng tiếp xúc, cơ hội học hỏi với môi trường bên ngoài. Trong khi đó, chú trọng hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp bé hấp thụ tốt, tối ưu các chất dinh dưỡng. Khi bạn tạo cho con nền tảng vững chắc như vậy, bé sẽ có điều kiện vượt trội về bất kỳ lĩnh vực nào mà bé có khả năng sau này.