Tôi muốn biết về bệnh cận thị và cách phòng tránh cũng như giữ gìn mắt

Trả lời 16 năm trước
1. Tình hình mắc cận thị như thế nào trên thế giới và tại Việt Nam? Hiện nay trên thế giới có khoảng 1/3 dân số bị các loại tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm đa số. Vấn đề này hiện là mối quan tâm lớn của thế giới, vì vậy Tổ chức sức khỏe thế giới đã đưa tật khúc xạ vào danh sách những bệnh trọng tâm của chương trình thị giác 2020. Số người đến khám vì lý do mắc tật khúc xạ tại bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 30% trong tổng số bệnh nhân tại phòng khám. Tần suất và mức độ cận cũng tăng lên theo cấp học của học sinh. Theo khảo sát của bệnh viện mắt TPHCM năm 2003 tỷ lệ cận thị trung bình ở học sinh đầu cấp là 18%. 2. Cận thị là gì? Mắt người là một hệ thống quang học có những bộ phận với chức năng tương tự như một máy chụp ảnh. Ở mắt của người bình thường, ảnh của vật hiện đúng trên võng mạc, khi đó sẽ nhìn thấy sự vật rõ nét dù ở xa hoặc gần. Mắt bình thường Trong trường hợp cận thị, ảnh của vật nằm trước võng mạc, hình ảnh vật ở xa bị mờ. Người bị cận thị nhìn xa thì mờ nhưng nhìn gần thì rõ. Mắt bị cận thị 3. Nguyên nhân gây ra cận thị là gì? Nguyên nhân gây cận thị vẫn chưa được biết rõ, nhưng người ta nhận thấy có hai yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đó là di truyền và môi trường. Học sinh dễ bị cận thị là do nhãn cầu của trẻ còn phát triển về chiều dài, các thói quen tốt về vệ sinh thị giác chưa được hình thành, cụ thể như trẻ chưa tự phân bổ thời gian học và các hoạt động nhìn gần (xem phim, chơi hoặc học với máy vi tính…) với các hoạt động ngoài trời một cách hợp lý. 4. Có mấy loại cận thị? Bệnh cận thị và tật cận thị khác nhau như thế nào? Cận thị thường được phân làm hai loại tật cận thị và bệnh cận thị. Nguyên tắc chung về quang học như nhau, nhưng bệnh cận thị là những trường hợp bệnh bẩm sinh, có yếu tố di truyền, độ cận thường cao, thậm chí rất cao có khi trên 20 đi ốp, mức độ cận tăng nhanh và nhiều ngay cả khi đã đến tuổi trưởng thành. Người bị bệnh cận thị thường có nhiều biến chứng như thoái hóa hắc võng mạc, bong pha lê thể, xuất huyết hoàng điểm, xuất huyết pha lê thể, rách võng mạc, bong võng mạc… Tiên lượng điều trị của những biến chứng này kém, khả năng phục hồi thị lực thấp. Tật cận thị còn gọi là cận thị học đường hay cận thị mắc phải. Bệnh thường bắt đầu ở lứa tuổi học sinh, đôi khi thanh niên, mức độ cận nhẹ và trung bình từ 6 đi ốp trở xuống, tiến triển chậm, tăng độ ít, độ cận thường ổn định khi đến tuổi trưởng thành (18-20 tuổi). Tỷ lệ bị biến chứng thấp. 5. Người bị cận thị cần làm gì để giảm mỏi mệt ở mắt do điều tiết? Để hạn chế và giảm những triệu chứng mỏi mệt điều tiết do cận thị gây ra, cần làm việc gần ở khoảng cách thích hợp, từ mắt đến sách khoảng 30 đến 40 cm, không nên quá gần. Ánh sáng trong khi làm việc phải được phân bố đều và có cường độ tốt để không gây lóa mắt. Ngoài đèn chiếu sáng trong phòng nên có thêm một ngọn đèn bàn đặt phía bên tay trái (nếu thuận tay phải và ngược lại). Chữ in phải rõ ràng và giấy không quá bóng để tránh gây mỏi mệt cho mắt. Trong lớp học, trẻ có tật khúc xạ nên được xếp ngồi gần bảng vì có một số trẻ cận thị bị nhược thị, mặc dù đã được đeo kính đúng với độ của trẻ nhưng vẫn chưa đạt được thị lực tối đa, những trẻ này sẽ không nhìn rõ chữ trên bảng dù đã đeo kính. Tất cả học sinh cần được thử thị lực không kính và với kính đang đeo hàng loạt để sắp xếp chỗ ngồi trong lớp cho phù hợp. Không nên làm việc bằng mắt liên tục và kéo dài. Mỗi giờ nên cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc thư giãn bằng cách nhìn ra xa. Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc chơi vi tính quá nhiều vì sẽ dẫn đến mệt mỏi thị giác. 6. Làm sao biết trẻ bị tật khúc xạ? Tật khúc xạ nói chung hoặc cận thị nói riêng đều gây giảm thị lực, như vậy trước hết cần phải được thử thị lực. Các bác sĩ sẽ có những phương pháp thử nghiệm để xác định và đo chính xác tật khúc xạ. Ở trẻ nhỏ cần lưu ý đưa đi khám khi thấy có những dấu hiệu sau: - Khi xem tivi hay chạy lại gần để nhìn, ở lớp trẻ hay chạy lại gần bảng mới thấy chữ, hoặc phải chép bài của bạn - Kết quả học tập giảm sút, hay chép đề bài sai hoặc viết sai chữ - Hay nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi xem tivi hoặc nhìn một vật ở xa - Thường hay dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ - Sợ ánh sáng hoặc bị chói mắt - Hay than mỏi mắt, nhức đầu, hay chảy nước mắt - Nhắm một mắt khi đọc sách hoặc khi xem TV - Thường không thích các hoạt động liên quan tới nhìn xa như chơi ném bóng - Đối với trẻ ở lứa tuổi đi học còn có các dấu hiệu như đọc chữ hay bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc - Trẻ nghi ngờ có lé mắt. 7. Điều trị cận thị như thế nào? Phương pháp điều trị cận thị phổ biến và rẻ tiền nhất là đeo kính gọng, sau đó tới đeo kính sát tròng và hiện đại nhất hiện nay là mổ Laser. Đeo kính gọng thông dụng, rẻ tiền và có thể thay đổi gọng kính theo thời trang. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ nhìn thấy rõ khi đeo kính, khi không có sự hỗ trợ của kính thì lại thấy mờ như cũ. Người bệnh luôn luôn phải phụ thuộc vào cặp kính mọi lúc, mọi nơi, gây nhiều bất tiện trong các hoạt động thể thao, giải trí… Ngoài ra khi đeo kính gọng, góc nhìn bị thu hẹp, hình ảnh bị thu nhỏ, nhất là với những người cận nặng. Kính sát tròng giải quyết được những yếu điểm của kính gọng, nhưng người sử dụng kính cần phải giữ gìn vệ sinh tốt khi đeo kính sát tròng, đặc biệt trong môi trường nóng, ẩm, nhiều bụi như ở Việt Nam. Cần đeo vào mỗi sáng và tháo ra mỗi tối trước khi ngủ. Không được đeo kính sát tròng khi đi bơi, tắm biển. Chi phí cho dung dịch ngâm kính, thay kính cao. Người đeo kính sát tròng cần được kiểm tra tình trạng giác mạc mỗi 3 tháng, nếu có bất thường trên giác mạc, hoặc có phản ứng của mắt với kính thì phải ngưng sử dụng và tới khám bác sĩ ngay. Hiện nay cận thị có thể được phẫu thuật để khỏi mang kính tuy nhiên phẫu thuật chỉ được thực hiện cho những người từ 18 tuổi trở lên. Phương pháp phổ biến, chính xác và có hiệu quả cao nhất trong phẫu thuật khúc xạ hiện nay nhất là dùng Excimer Laser (LASIK). Với ưu điểm không đau, thời gian phẫu thuật rất ngắn (dưới 10 phút ), phục hồi nhanh (bệnh nhân nhìn rõ sau mổ 12-24 giờ), tính chính xác cao (hơn 90% bệnh nhân trở về dưới 0.5 đi ốp), khoảng điều trị rộng (tới -15.0 cận, +6.0 viễn, 6.0 loạn). LASIK là phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất trên thế giới. Cũng như mọi phẫu thuật khác, LASIK dù có tính an toàn rất cao, nhưng vẫn có thể có những biến chứng với tỷ lệ rất thấp (dưới 1%) trong khi phẫu thuật như rách vạt, đứt vạt giác mạc… hoặc biến chứng sau phẫu thuật như nhiễm trùng… Tuy nhiên những biến chứng này có thể giảm đến mức tối thiểu với những phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm, những cơ sở có trang thiết bị tốt, hiện đại cùng với sự tuân thủ nghiêm túc những hướng dẫn chăm sóc mắt sau mổ của bệnh nhân. Những phương pháp khác như đặt thủy tinh thể nhân tạo trong mắt được sử dụng cho những trường hợp cận nặng, giác mạc mỏng, hoặc có kèm bệnh đục thủy tinh thể. Để có thể lựa chọn phương pháp phẫu thuật tối ưu, bệnh nhân cần được khám kỹ lưỡng. Dựa trên những thông số của bệnh nhân bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp về dự báo kết quả, những nguy cơ rủi ro nếu có của phẫu thuật. Người bệnh sẽ tự quyết định có phẫu thuật hay không sau khi nắm rõ những thông tin về bệnh của mình vì phẫu thuật không phải là phương pháp bắt buộc hoặc duy nhất để điều trị cận thị. Không có gì có thể ngăn ngừa không bị cận thị, nhưng nếu thực hiện tốt những lời khuyên về vệ sinh thị giác sẽ giúp cho mắt đỡ mệt mỏi, quá sức và phần nào làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.