lovelife
Trả lời 14 năm trước
Các hạch bạch huyết là một thành phần cấu tạo của hệ bạch huyết (mạng mạch chứa một chất lỏng trong suốt, tuần hoàn khắp cơ thể cùng với hệ động mạch và tĩnh mạch).
Các hạch bạch huyết này dàn trải khắp cơ thể, nhưng chỉ dễ sờ thấy ở các vị trí nông ngay dưới da như cổ, nách, bẹn, rãnh khuỷu tay... và khi bị sưng to. Các hạch này có tính năng bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của các vi sinh vật, cũng như các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể qua da, bộ máy hô hấp, đường ruột...
Các hạch bạch huyết gồm cả các khối A và VA hoạt động như một “đồn luỹ biên phòng” chịu trách nhiệm ở từng vùng riêng biệt của cơ thể. Các hạch này sưng lên là dấu hiệu bệnh lý ở một phủ tạng nào đó hoặc toàn thân. Lúc đó, hạch có thể đau hoặc không đau và không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Một tình huống thường gặp khác là hạch sưng khi bị nhiễm trùng ở khu vực được phân bố và chịu trách nhiệm bảo vệ. Ví dụ, khi có vết thương hoặc chốc lở ở da đầu, hạch sẽ nổi ở vùng gáy; khi có vết thương nhiễm trùng ở chân, hạch nổi ở vùng háng.
Khi có vết thương nhiễm trùng ở tay, ở ngay vùng nách (do nhổ lông nách gây nhiễm trùng chẳng hạn), hạch sẽ nổi ở nách; khi có nhiễm trùng mũi họng, hạch nổi ở hàm dưới. Trong các trường hợp này, hạch có thể sưng, nóng, đỏ, đau, thậm chí làm mủ khi bản thân hạch bị nhiễm trùng.
Ngoài các trường hợp thường gặp trên, một số hạch sưng, không đau, nổi thành nhóm, vỡ mủ khi bệnh nhân bị bệnh lao hạch, giang mai, lậu... Hạch cũng có thể xuất hiện nhiều vị trí trên cơ thể, cứng, di động, không đau trong bệnh ung thư máu, ung thư hạch hoặc hạch di căn từ một phủ tạng bị ung thư.
Như vậy, hiện tượng nổi hạch khá phức tạp, có nhiều nguyên nhân. Muốn chữa trị hiệu quả, bạn cần được thăm khám, làm các xét nghiệm hoặc nếu cần phải chọc hút hay sinh thiết (mà có thể ở hai lần khám trước bạn chưa được làm) mới hy vọng tìm được phương pháp phù hợp.
Bạn có thể đi khám chữa ở bệnh viện tỉnh và trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định khám và điều trị ở tuyến cao hơn.
* BS Quốc Trung