Cây quýt có tên khoa học là Citrus deliosa Tenero thuộc họ Cam (Rutaceae). Nhiều bộ phận của cây quýt đều là vị thuốc. Trong đó phải kể đến 2 vị thuốc từ vỏ quả quýt:
- Trần bì: là vỏ quýt chín đã phơi, sấy khô (để càng lâu năm càng tốt).
- Thanh bì: là vỏ quả quýt còn xanh đã phơi sấy khô.
Trong đó trần bì là vị thuốc thường được dùng nhất, đặc biệt là đối với nam giới nên có câu:
"Nam bất ngoại trần bì
Nữ bất ly hương phụ".
Trần bì: Trần bì vị cay, đắng, tính ôn, thường dùng kèm thuốc điều khí có tác dụng táo thấp trừ hóa đờm. Thường dùng trong các trường hợp sau:
Tiêu trướng trừ nôn: Do phế vị khí trướng mà gây tức ngực, vùng ngực trướng mãn, cồn ruột, nôn ọe... có thể dùng trần bì với chỉ xác, bán hạ, tô ngạnh (cành tía tô), tô tử... Trần bì có tác dụng trừ vị nhiệt (tưa lưỡi vàng, hay ăn đồ lạnh, mạch sác) có thể thêm hoàng cầm, xuyên đông tử; còn có tác dụng với vị hàn (tưa lưỡi trắng, thích chườm ấm, mạch trì) thêm ô dược, lương khương, có tác dụng với trung tiêu thấp nhiệt (tưa lưỡi trắng dày mà nề, không hay uống nước, mạch tượng hoạt) có thể thêm phục linh, thương truật...
Trừ đờm, trừ ho: Với trung tiêu thấp nhiệt đờm thương phạm hoặc ngoại cảm phong hàn, dẫn tới phế khí bất lợi mà sinh ho, nhiều đờm, ngực tức, không muốn ăn, lưỡi tưa trắng nề, mạch hoạt thường dùng trần bì với bán hạ, phục linh, tô tử, hạnh nhân, hạt cải sao, kim phật thảo (toàn phúc hoa thời trước gọi là kim phật thảo, gần đây hoa của nó gọi là toàn phúc hoa, toàn cây gọi là kim phật thảo), tiền hồ... ngoại cảm chứng rõ rệt có thể thêm kinh giới, cát cánh, ma hoàng.
Điều khí khai vị: Với trung tiêu khí trệ, ăn uống không ngon, phối hợp với mạch nha, cốc nha, khấu y, thần khúc, sơn tra... có tác dụng thúc đẩy ăn uống.
Khi dùng đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, sơn dược, thục địa, sinh địa... để làm thuốc bổ, nếu phối hợp với một ít trần bì thì tránh xảy ra tức ngực, trung mãn, ăn uống không ngon và các tác dụng phụ khác... nó còn phát huy đầy đủ tác dụng bổ của thuốc.
Trong Bản thảo bị yếu có ghi trần bì "tân năng tán, khổ năng táo năng tả, ôn năng bổ năng hòa" nghĩa là dùng với thuốc bổ thì bổ, dùng với thuốc tả thì tả, dùng với thuốc thăng thì thăng, với thuốc giáng thì giáng. Vì thế nó là thứ thuốc trị phế khí phần, điều trung khoái cách, đạo trệ tiêu đờm, lợi thủy phá ứ, tuyên thông ngũ tạng đủ để ta thấy tác dụng của trần bì.
Vỏ quýt gọt sạch màng trắng bên trong thì gọi là quýt hồng. Quýt hồng, trần bì đều có tác dụng hóa đờm, nhưng quýt hồng hiệu quả hóa (long) đờm mạnh nhất. Với đờm nhiều, đờm quánh, đờm trắng dính thì thích hợp nhất. Quýt hồng thiên về thanh nhập phế, thích hợp để chữa ho, ngoại cảm, nhiều đờm, ngực tức còn trần bì có thể có tác dụng điều khí tiêu trướng khai vị. Vì vậy quýt hồng mạnh hơn trần bì.
Xơ quýt có tác dụng hóa đờm thông lạc, thường dùng chữa ho, ngực sườn trướng tức và ngón tay tê dại... Hạt quýt có thể tán kết thông thường dùng trị trướng khí thống. Lá quýt có thể thư can giải uất thường dùng trị ngực sườn trướng tức và ngón tay tê bại...
Thanh bì thiên về nhập can đởm, phá khí tán trệ còn có thể trị thoát vị, trần bì thiên về nhập tỳ phế điều khí hòa vị và còn hóa đờm.
Thanh bì: Thanh bì vị ngọt, cay, tính ấm có tác dụng phá khí tiêu trệ, thư uất giáng nghịch và có thể dùng trị thoát vị đau nhức.
Dùng vào can khí uất kết mà ngực sườn trướng tức, khí nghịch ăn uống khó vào, sườn ngực trướng mạn, hay cáu gắt, khí trệ vị thống... dùng thanh bì phá khí kết, thư can uất thường phối hợp với chỉ xác, cành tía tô, hương phụ, tân lang, hậu phác, trần bì.
Thanh bì có thể phá khí bình can, dẫn mọi thứ thuốc tới can kinh. Phối hợp với ô dược, xuyên đông tử, ngô thù du, tiểu hồi hương, hạt quýt... có thể chữa trướng thống. Bài thuốc Thiên đài ô dược tán gồm ô dược, xuyên đông tử, mộc hương, tiểu hồi hương, cao lương khương, thanh bì, tân lang trong đó dùng thanh bì để phá khí bình can. Đây là bài thuốc chữa lao tinh hoàn, viêm tinh hoàn mạn, viêm tuyến tiền liệt. Nếu thấy hoạt tinh kèm theo đau vùng bụng dưới, thích ấm sợ lạnh thì dùng xuyên đông tử sao 9 - 12g, hạt quýt sao 9g, thanh bì 6 - 9g, tiểu hồi hương sao 6 - 9g, ô dược 9g, ngô thù du 3 - 6g, hạt lệ chi 9g, bạch thược 12 - 15g, nhục quế 0,9 - 3g, tùy chứng gia giảm.
Chú ý: Những người khí hư dùng cần thận trọng, không khí trệ mà nhiều mồ hôi không dùng được, không được dùng quá lượng, dùng dài ngày tránh thương phạt chính khí.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung