Cách nấu món canh bóng chuẩn hương vị tết?

Các mẹ ở đây có mẹ nào thích ăn canh bóng giống em không ạ, làm thế nào để nấu được món canh bóng chuẩn hương vị tết mà đảm bảo vệ sinh sạch sẽ nhỉ, các mẹ chỉ cho em với...

Trả lời 8 năm trước
Nguyên liệu nấu canh bóng: (2 bát canh to) - Bóng bì: 600gam - Thịt nạc 100 gam - Xương lợn 300 gam (hoặc nước luộc gà) - Thịt lợn 100 gam ( hoặc thịt gà thái mỏng) - Tôm nõn khô 50 gam - Súp lơ xanh hoặc trắng 200 gam - Su hào 100 gam - Quả đậu (đậu Hà Lan) 50 gam - Cà rốt 50 gam - Mì chính, hạt tiêu, muối nước mắm, rau mùi, phèn chua, gừng, rượu trắng, trứng vịt một quả. Cách nấu canh bóng thập cẩm truyền thống cho mâm cỗ Tết - 1 Bát canh bóng thơm mát trong mâm cỗ ngày Tết giúp cân bằng vị Cách nấu canh bóng thập cẩm: Thường nấu bóng dùng nước luộc gà nhưng cũng có thể nấu bằng nước xương lợn. - Xương lợn rửa sạch, chặt khúc, cho vào nồi cùng một lít nước, đun sôi hớt bọt rồi để sôi lăn tăn. Cho gừng nướng, hành khô đập dập, cùng một ít muối vào nồi nước dùng. Khi thấy nhiều váng, nước dùng trong và xương róc thịt thì đem lọc lấy nước trong. - Tôm khô rửa sạch cho vào nồi nước dùng đun nhỏ lửa, tôm chín mềm vớt ra con to bổ đôi con nhỏ để nguyên. - Bóng bì chọn loại bóng bì thăn dầy không có lông, nở xốp đều. Ngâm trong nước vo gạo khoảng 3 giờ, vớt ra rửa bằng nước phèn chua cho hết nhớt và trắng sạch. - Cắt bóng bì thành miếng hình quả trám to, cho nước gừng, rượu bóp nhẹ để tẩy hết mùi hôi khét, rửa lại, vắt khô. - Thịt gà và thịt nạc luộc chín thái mỏng. - Súp lơ thái miếng vừa ăn. - Đậu chọn quả non tước vỏ. - Nấm hương ngâm rửa sạch bỏ chân. Cách trình bày canh bóng: - Lấy một ít nước dùng béo đang sôi, nêm đủ nước mắm, mỳ chính, cho bóng vào chần qua vớt ra để riêng. Các loại rau củ trên đều trần qua nước dùng. - Lấy bát to bầy thịt và các loại rau củ xuống dưới, trên mặt bát bầy một lượt bóng, dàn quả đậu, vài cánh nấm. Xen kẽ mấy lát cà rốt đỏ và trứng tráng. - Tới giờ ăn đun sôi lại nước dùng, nêm vừa gia vị rồi chan vào bát bóng, rắc rau mùi ăn nóng. Chúc các bạn nấu canh bóng thập cẩm cũng như nấu cỗ Tết thành công!
Trả lời 8 năm trước
Canh bóng nấu thả hay còn gọi canh bóng thập cẩm là một trong các món canh ngon không thể thiếu trong mâm cỗ dịp lễ Tết của người Hà Nội xưa. Hiện nay thì món canh này ít xuất hiện hơn vì để nấu được một bát canh bóng thả cũng khá là kì công, cần sự cẩn thận, tỉ mỉ và tinh tế trong từng bước nấu ăn. Món canh ngon là nước dùng phải trong có vị đậm đà, ngọt mát tự nhiên. Canh bóng được nấu từ nước hầm xương, bóng bì và các loại rau củ vì vậy món canh này không chỉ ngon mà lại rất bổ dưỡng. Nếu bạn chưa biết cách nấu món canh này thì hãy cùng tìm hiểu cách nấu canh bóng thả dưới đây nhé! Nguyên liệu làm canh bóng nấu thả Tôm khô: 500 g Súp lơ trắng: 1 cây Súp lơ xanh: 1 cây Su hào: 1 củ Bóng: 200 g Đậu Hà lan: 200g Cà rốt: 2 củ Giò sống Rượu trắng, nấm hương, gừng Gia vị, hạt tiêu Bước 1: Để nước canh bóng ngon và ngọt hơn thì nên mua xương ống về hầm làm nước dùng. Xương ống cho vào nồi nước đun sôi để chần qua cho xương bớt mùi, rồi rửa lại với nước lã. Sau đó xào qua lên với ít gia vị và nước mắm, rồi đổ nước vào ninh nhừ . Trong quá trình ninh xương khi nồi nước xôi thì hớt bọt ở trên và đậy hở nắp xoong để nước dùng được trong hơn. Bước 2: Nếu mua bóng bì bán sẵn chọn những miếng dày, trong và không có lông hoặc bạn có thể tự làm tại nhà với cách làm bóng bì như sau: Bì lợn mua về đem rửa sạch, cắt bỏ lớp mỡ dính ở dưới da và làm sạch lông. Cho vào nồi luộc chín, nếu bì còn dính lông và mỡ thì cạo sạch lại 1 lần nữa. Lấy một thanh que tre nhỏ xiên vào miếng bì lợn rồi đem ra phơi nắng hoặc cho vào lò nướng để nhiệt độ cao cho bì nổ thành bóng. Khi đó bì sẽ nở to thành những miếng bóng bì có màu vàng nhạt. Ngâm qua bóng bì cho hơi mềm rồi rửa sạch, sau đó cắt chéo bóng thành các miếng hình quả trám khoảng 4 cm. Gừng cạo vỏ, băm nhỏ cho vào cốc rượu dùng để rửa bóng, cho bóng vào bóp nhẹ rồi rửa lại với nước. Bước 3: Cho tôm khô vào nước ngâm mềm rồi rửa sạch trước khi cho vào nấu Nấm cắt bỏ chân, rửa sạch. Giò sống thì cho thêm 1 chút tiêu cho thơm. Sau đó lấy thì trộn đều rồi múc 1 ít giò phết lên bề mặt phía dưới của nấm. Đậu Hà lan nhặt bỏ xơ. Các loại cà rốt, su hào thì gọt bỏ vỏ tỉa thành hình hoa rồi thái thành từng miếng mỏng. Súp lơ xanh và súp lơ trắng chẻ dọc thân thành từng miếng nhỏ rồi đem rửa sạch. Bước 4: Đun lại nồi nước dùng cho sôi, vớt các xương ra bát rồi thả giò nấm vào đun, khi những miếng giò chín nổi lên thì vớt ra. Sau đó cho lần lượt tôm, đậu hà lan, súp lơ, cà rốt và bóng bì thì cho sau cùng. Đun sôi để rau củ chín, cho thêm chút gia vị cho vừa ăn thì bắc ra. Bước 5: Vớt hết các loại rau củ, giò, bóng bì ra bát trước, tránh để trong nồi nước nóng lâu sẽ bị chín quá.Khi nào ăn mới đổ nước dùng vào. Vậy là từ một miếng bì heo đã chế biến thành một món canh ngon, độc đáo và đầy màu sắc. Những miếng bỏng dẻo mềm, nước dùngcó vị đậm đà, thanh mát. Cách nấu có hơi chút cầu kì nhưng đừng ngại chế biến, hãy thực hiện để Tết này có món canh bóng nấu thả thật ngon mời gia đình cùng thưởng thức nhé !
Trả lời 8 năm trước
Một món ăn truyền thống mà mỗi khi Tết về mâm cỗ cúng gia tiên không thể thiếu được. Món ăn thanh mát, thích hợp cho những mâm cỗ trong dịp cưới hỏi, cúng giỗ. Nguyên liệu: Nước xương hầm (nước dùng) 1,5 lít Giò sống 100gm Nấm hương 20 cánh Trứng cút 20 quả Bóng bì 50gm Tôm nõn 10gm Bông cải trắng, xanh 1 cái (mỗi thứ) Susu 1 quả Cà rốt 1 củ Đậu Hà Lan vài quả Bột nêm Cách làm: Nấm hương ngâm nở, bỏ chân, nhồi giò sống vào rồi đem hấp đến khi giò chín. Trứng cút luộc chín, bóc vỏ rán vàng. Tôm nõn ngâm nước nóng cho mềm, vớt ra để ráo. Bóng bì ngâm với nước gạo cho mềm, sau đó rửa sạch, tẩy bằng gừng giã nhỏ với rượu trắng cho hết mùi hôi, thái miếng quả trám vừa ăn. Các loại rau củ rửa sạch, tỉa hoa, cắt miếng vừa ăn, chần qua nước sôi có nêm chút muối, vớt ra bát nước đá để rau được giòn và giữ màu sắc tươi. Cho nước dùng vào nồi, đun nhỏ lửa đến sôi, cho tôm nõn vào, nêm vừa ăn. Thả bóng, mọc nấm vào. Xếp rau, trứng, mọc nấm, bóng vào bát, dội qua bằng nước dùng cho nóng rồi chan canh vào. Món này thường được làm khi nhà có cỗ, đây là 1 trong 4 bát không thể thiếu của mâm cỗ truyền thống đặc biệt là ngày Tết cổ truyền của dân tộc.