Sharp AQUOS SH930W có một thiết kế bầu bĩnh với màn hình lớn 5-inch, các cạnh viền màn hình được làm rất mỏng do đó máy có kích thước không quá to. Với kích thước 138,9 x 71,4 x 9,1 mm này thì cảm giác cầm máy trên tay là khá thoải mái, không cấn như Xperia Z, tuy nhiên nếu so với Galaxy S 4 thì nó to hơn 1 chút, chỉ 1 chút xíu mà thôi. Mình vẫn chưa được cầm HTC One nên không rõ nó to hơn One có nhiều không. Đây là một thiết kế tiêu chuẩn, rất nhiều điện thoại được thiết kế theo kiểu này vì thế nếu mà chỉ nhìn mặt trước, bôi đen dòng chữ AQUOS PHONE đi thì có lẽ nhiều người sẽ nhầm đây là một chiếc điện thoại nào đó đã được giới thiệu trong quá khứ, thông thường người quen mình nhầm nó với Galaxy Nexus hay Nexus 4.
Bốn góc máy được bo tròn với góc bo khá lớn, phía trước là tấm kính lớn bao hết toàn bộ mặt trước và bo nhẹ về phía sau giống trên Nexus 4, các cạnh bên cũng được thiết kế thuôn nhẹ. Tất cả tạo ra một cảm giác cầm thoải mái, mềm mại, tuy kích thước lớn nhưng không gây khó chịu. Logo AQUOS PHONE ở mặt trước hơi lạc điệu, nó làm mất cân đối tổng thể, Sharp mà bỏ dòng logo này đi và thay vào đó là 3 phím cảm ứng truyền thống của Android thì sẽ đẹp hơn rất nhiều. Trên cạnh trên màn hình thì chúng ta có camera trước 2.1 MP, bên cạnh là các cảm biến và loa thoại. Trong quá trình sử dụng thì mình không thích thiết kế của loa thoại này, bạn có thể thấy trên hình thì loa thoại là một khe hẹp và dài, tuy nhiên thực tế thì chỉ có 1 lỗ nhỏ ở bên góc trái của cái khe này thôi. Chính vì thế việc nghe điện thoại hơi khó chịu, nếu không để ý mà đưa máy lên tai nghe đại thì cái lỗ này sẽ bị che mất, khi đó nghe tiếng nhỏ hay không nghe gì mà không hiểu vì sao, cuối cùng phải điều chỉnh vị trí điện thoại trên tai là thì mới nghe được. Với những điện thoại khác, mình không phải để ý những thứ tiểu tiết này.
Các cạnh của máy được thiết kế khá đơn giản, với cạnh phải không có bất cứ chi tiết nào cả, cạnh trái chúng ta có cụm phím tăng giảm âm lượng. Cụm phím này có 2 phím, ở chính giữa là phân cách, không có chức năng khác ở đó. Trên đỉnh máy thì ở chính giữa có giắc cắm tai nghe 3.5mm và bên cạnh là phím tắt mở máy. Đây là vị trí đặt phím Power khá lạ, thông thường với điện thoại màn hình to thì người ta mang phím Power sang cạnh phải, đối diện với phím tăng giảm âm lượng nhằm giúp cho việc thao tác được tốt hơn. Vị trí đặt cao, cùng với việc chất lượng không tốt làm cho thao tác nhấn khá khó khăn. Không biết có phải chiếc máy mình cầm có lỗi hay không mà phím Power bấm rất nặng, nếu đi mua máy bạn thử kiểm tra kĩ điểm này xem thế nào nhé.
Khung viền quanh máy rất chắc chắn, uốn cong bao lấy nắp sau, chính vì thế nắp sau được thiết kế lọt thỏm trong khung này. Thông thường với thiết kế này, nếu trên điện thoại khác thì cạnh viền nắp sau sẽ có 1 khe nhỏ để chúng ta có điểm tựa mà nạy mở nó ra. Nhưng với SH930W thì không, có được thiết kế rất liền lạc, làm cho tổng thể nhìn chắc chắn và đẹp hơn. Để mở nắp ra thì bạn cần nhấn mạnh, giữ chặt tay vào nắp sau và trượt nó lên trên, một thiết kế rất hay. Mặt sau đơn giản với điểm nhấn là dải loa dài từ cạnh trái sang cạnh phải phía dưới logo Sharp, thực tế thì máy chỉ có 1 loa ở góc trái mà thôi, thiết kế nguyên dải thế này nhằm mục đích làm đẹp là chính.
Với trọng lượng 144,8g, cảm giác cầm đầm tay nếu không muốn nói là hơi nặng. Để dễ hình dung thì có thể so với các đối thủ khác như Nexus 4 nặng 139g, HTC One với thiết kế kim loại unibody nặng 143g, Galaxy S 4 cũng bằng nhựa nặng 130g và Xperia Z bằng kính với 146g.
Màn hình
Màn hình là điểm mạnh nhất trên SH930W, với kích thước 5-inch cùng độ phân giải FullHD 1920 x 1080. Công nghệ IGZO được Sharp phát triển riêng với nhiều ưu điểm như độ phân giải cao hơn, cảm ứng nhạy hơn và tiết kiệm pin hơn. Tinh tế cũng đã có bài viết chi tiết về công nghệ này và bạn có thể tham khảo tại đây.
Thực tế trên SH930W cho thấy màn hình này cho chất lượng hiển thị rất tốt, mọi thứ đều đẹp, màu sắc tươi tắn, trung thực. Độ phân giải rất cao nên tất cả đều mịn màng, từ chữ viết đến hình ảnh. Màu trắng ra màu trắng, không bị ngả xanh hay vàng, nhìn vào dễ chịu. Màn hình này không có thiết kế mỏng và dính vào lớp kính trên như in-cell trên iPhone 5 hay Optimus G Pro nên nó hơi có vẻ chìm và không đẹp bằng.
Trong quá trình dùng thử thì đúng là màn hình này tiết kiệm pin như Sharp nói, nó không chiếm qua nhiều lượng điện tiêu thụ và thường ở vị trí thứ 2, xếp sau Android System (tham khảo phần cuối bài viết này).
Máy ảnh
Có một điều hơi tiếc là có vẻ như camera trên chiếc SH930W của mình bị lỗi, chất lượng ảnh chụp ra hơi xấu. Màu sắc bị bệt và mất chi tiết.