Làm sao để ngăn chặn được tin nhắn rác “dội bom” ?

thuy linh
thuy linh
Trả lời 13 năm trước

“Khủng bố” bằng tin nhắn đang là nỗi sợ hãi của nhiều người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) hiện nay. Có những tin nhắn đến từ người sử dụng, có những tin nhắn đến từ nhà cung cấp dịch vụ và không ít là từ các nhà mạng. Đã có khách hàng phải thay đổi số điện thoại để tránh những phiền phức.
TỪ ĐỘNG CƠ CÁ NHÂN

Suốt gần ba tháng, ông Trần Minh Tuấn (Q3, TPHCM) chỉ trả lời những tin nhắn có “tên tuổi” (được lưu trong danh bạ). Còn những tin nhắn chỉ toàn số, ông không bao giờ trả lời. Theo ông Tuấn, những tin nhắn với nội dung bôi xấu ông xuất phát từ những người làm việc chung với nhau, vì bất đồng trong việc ông được nhân viên tín nhiệm đã quay ra bôi xấu bằng tin nhắn mang tính “khủng bố”. Ông cho biết: “Có những đêm đang nằm ngủ thì tin nhắn tít tít liên hồi. Ban đầu vợ không để ý nhưng nhiều lần đã quay sang chất vấn. Không còn cách tránh né nào khác, tôi buộc phải cho vợ xem tin nhắn: khi thì rủ đi chơi gái, bia ôm...; khi thì những lời yêu thương của ai đó. Họ thay đổi nhà mạng liên tục, từ VinaPhone cho đến MobiFone, Beeline. Tôi đã nhiều lần nhờ nhà mạng can thiệp nhưng họ bảo dùng dịch vụ hoặc là công nghệ của máy để chặn?!”.

Cũng trong câu chuyện làm ăn, ông Hải (Q9, TPHCM) bị khủng bố bằng tin nhắn từ một đầu số của nhà mạng Viettel với lời lẽ đầy chất “xã hội đen”: “Mày mà còn dòm ngó đến chuyện làm ăn của tao, không chỉ tính mạng mày mà vợ con mày cũng không toàn vẹn. Hãy nhớ lời tao”. Dù biết chỉ là những lời nhắn hăm dọa nhưng ông không thể yên lòng với nỗi sợ “mênh mông”, biết đâu điều đó là sự thật! Ông đã thử gọi lại đầu số này nhiều lần nhưng thuê bao luôn “nằm ngoài vùng phủ sóng”.

Liên tục trong những ngày trung tuần tháng 10-2010, chủ trang trại nuôi heo lớn nhất khu vực ấp 2, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An là chị Trần Thị Yến (SN 1975) luôn nhận được nhiều tin nhắn qua ĐTDĐ với nội dung đe dọa buộc phải “chi” ngay số tiền từ 30 - 50 triệu đồng cho băng nhóm “xã hội đen”. Nếu không thực hiện hoặc cung cấp thông tin cho công an thì tính mạng sẽ không đảm bảo, chỉ trong tích tắc trại heo sẽ bị san bằng. Vốn là dân chăn nuôi nhiều năm, dần làm ăn khá giả nên chị Yến mở trang trại với số lượng trên 1.000 con. Nhận được tin nhắn chị ăn ngủ không yên, trong lòng lúc nào cũng lo lắng, nhiều khi muốn đi chợ cũng sợ gặp bọn “xã hội đen” ngoài đường. Trưa 1-11, chị Yến tiếp tục nhận được tin nhắn yêu cầu nộp 15 triệu đồng gởi gấp về Bưu điện thành phố Vĩnh Long. Chị Yến đồng ý chuyển trước cho chúng 500 ngàn đồng. Chiều cùng ngày, tại Bưu điện TP. Vĩnh Long, gã thanh niên đem giấy CMND tên Hồ Nguyễn Quốc Khánh (SN 1992, ngụ ấp Trung Tín, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) đến giao dịch. Khi đối tượng vừa đếm tiền xong bỏ vào túi thì trinh sát hình sự Công an huyện Vĩnh Hưng phối hợp cùng Công an TP. Vĩnh Long ập vào bắt giữ. Từ lời khai ban đầu của Khánh, cơ quan điều tra Công an huyện Vĩnh Hưng tiếp tục bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Ký tại nhà ở xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa. Tại cơ quan điều tra, hai tên đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Do trước đây có thời gian làm công cho trại heo của chị Yến, thấy chị có nhiều tiền nhưng trang trại lại ở giữa đồng vắng nên Ký bàn với Khánh tìm cách đe dọa tống tiền.

ĐẾN TIN NHẮN DỊCH VỤ “KHỦNG BỐ”

Ông Lê Văn Tiến (Q. Bình Thạnh, TPHCM) tỏ vẻ bực bội khi biết mình bị lừa 15.000 đồng cho một tin nhắn tới đầu số 67xx. Ông kể: “Tối qua, tôi nhận được tin nhắn với nội dung: “Có người tên Thao tặng bạn một bài hát. Để nghe bài hát, vui lòng soạn tin nhắn theo hướng dẫn, gởi về 87xx. Tôi thử làm theo hướng dẫn thì chẳng thấy phản hồi gì cả mà yêu cầu tôi phải kích hoạt GPRS, mà máy tôi đã đăng ký với GPRS...”. Theo phản ánh của nhiều khách hàng, gần đây họ thường xuyên nhận được những nội dung tin nhắn, như: “Chúc mừng bạn đã nhận được một chiếc điện thoại V850i từ chương trình quay số ngẫu nhiên của MobiFone, soạn tin XU V850i15 và gửi năm lần đến 6769 để xem chi tiết”, “Cảm ơn quý vị đã tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Quý vị đã trúng thưởng 200.000 đồng. Để xác minh tài khoản, hãy soạn tin nhắn (...), gửi đến tổng đài 8730, 8799...”, “Bạn là một trong ba khách hàng may mắn của Toshiba trúng giải nhất, phần thưởng là chiếc tủ lạnh 180L. Soạn tin: TL gửi 6792 mười lần để xác nhận thông tin ngay sau khi nhận được tin nhắn này”, “Chúc mừng thuê bao 090xxxxxxx, bạn nhận được quà tặng âm nhạc và lời nhắn được ghi âm từ người có tên LINH qua tổng đài. Để nghe quà tặng và lời nhắn, soạn YES gửi đến 7775”....

Làm gì khi tin nhắn rác dội bom?, Điện thoại, Lam gi khi tin nhan rac doi bom, tin nhan rac doi bom, tin nhan rac, tin nhan, tin nhan ĐTDĐ, tin nhan lua dao

Hai đối tượng Quốc Khánh và Văn Ký

Chưa thống kê được bao nhiêu khách hàng đã bị lừa khi nhận được những tin nhắn như vậy nhưng trên thực tế không ít người bị rơi vào bẫy như ông Tiến ở Bình Thạnh. Có thể có người tò mò, cũng có người tin rằng đó là sự thật nên đã nhắn tin phản hồi đến các đầu số dịch vụ. Những đầu số này chủ yếu là dùng đầu số x7xx (có giá 15.000đồng/tin nhắn), hiếm khi dùng những đầu số x5xx (chỉ có 5.000đ/tin nhắn).

NHÀ MẠNG CŨNG “KHÓC”

Theo suy luận của nhiều khách hàng, nếu không có sự tiếp tay của các nhà mạng trong việc cung cấp số thuê bao cho các nhà cung cấp dịch vụ (những đầu số gồm bốn chữ số là đầu số của các nhà mạng) thì làm sao các công ty dịch vụ có được đầu số để nhắn tới khách hàng? Trả lời câu hỏi này, các nhà mạng cho rằng họ có công cụ để gởi tin nhắn hàng loạt đến các thuê bao. “Còn việc trúng vào thuê bao nào là do họ tính toán theo công thức mà họ xác lập. Họ biết những đầu số nào đang được kinh doanh trên thị trường nên xác lập dãy số thuê bao để gởi tin nhắn”, bà Thu Hồng (phòng kinh doanh của VinaPhone) chia sẻ.

Nhà dịch vụ di động MobiFone xác nhận: gần đây xuất hiện các tin nhắn giả mạo với nội dung sai sự thật nhằm lừa gạt tiền trong tài khoản của các chủ thuê bao. Bà Thúy Hạnh (phòng tiếp thị giá cước của MobiFone) phân tích: “Các tin nhắn lừa đảo xuất hiện với nhiều nội dung khác nhau, chủ yếu đưa ra lời mời chào hấp dẫn từ các chương trình khuyến mãi, trúng thưởng các sản phẩm có giá trị, quà tặng âm nhạc, ủng hộ quỹ từ thiện... Tin nhắn được gửi đi từ số điện thoại lạ, mạo danh là người quen hoặc xưng là nhân viên của nhà mạng di động để dụ khách hàng nhắn tin trả lời. Những chủ thuê bao không để ý hoặc không nắm rõ thông tin sẽ dễ dàng bị lừa tiền vì các tin nhắn trả lời đều mất phí tương đương với việc nhắn tin tới các đầu số dịch vụ”. Cũng theo bà Hạnh, các công ty dịch vụ nội dung còn “ghi địa chỉ chăm sóc khách hàng là đầu số 9244 hoặc chèn thêm địa chỉ website của MobiFone để khách hàng dễ tin hơn”.

KHÔNG NÊN TIN VÀO... TIN NHẮN

Trước tình trạng trên, các nhà mạng đều khuyên rằng: chủ thuê bao “không nên tin và làm theo nội dung của những tin nhắn được gởi đi từ các đầu số cá nhân”. MobiFone khuyến cáo các chủ thuê bao khi nhận được những tin nhắn, không nên làm theo các hướng dẫn của tin nhắn ngay mà cần xác định rõ số thuê bao gửi tin nhắn, sau đó liên lạc với tổng đài 18001090 hoặc 9244 để kiểm tra nội dung tin nhắn. “Các tin nhắn thông báo của MobiFone chỉ gửi tới khách hàng thông qua đầu số 090, 18001090... MobiFone không sử dụng số thuê bao cá nhân để gửi tin nhắn đến cho khách hàng”, bà Hạnh giải thích.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Thông tin và Truyền thông, từ năm 2010 đến nay, Sở đã thụ lý trên dưới 17 trường hợp lợi dụng dịch vụ viễn thông để gửi những tin nhắn có nội dung xuyên tạc, quấy rối, khủng bố... gây ảnh hưởng đến tinh thần, đời sống, công việc của cá nhân. Lợi dụng việc nhắn tin, mail... thời gian qua trên một số trang web rao vặt, tìm bạn bốn phương (trong và ngoài nước), một số đối tượng do có mâu thuẫn cá nhân đã cung cấp những thông tin như số điện thoại, địa chỉ, hình ảnh... “đối thủ” để đăng tin không tốt về họ (ví dụ như: cần tình một đêm...). Với những nội dung như trên, nếu người bị hại có yêu cầu, Sở Thông tin và truyền thông sẽ vào cuộc. Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chánh thanh tra Sở Thông tin và truyền thông, những thông tin như trên nếu đưa lên các trang mạng Việt Nam, Sở sẽ yêu cầu gỡ. Nhưng nếu là trang nước ngoài thì hơi khó, những trường hợp này chỉ có thể xử lý được khoảng 50%.

Nhắn tin, quảng cáo là nhu cầu có thực của xã hội. Nhiều đối tượng lợi dụng quảng cáo với mục đích khác nhau đã gây xúc phạm đến uy tín, danh dự người khác. Theo ông Thọ, tất cả những trường hợp trên đều sẽ bị xử lý triệt để. Mức chế tài đối với những hành vi trên cũng khá nặng, được quy định rõ trong Nghị định

90/CP/NĐ-CP (ngày 13-8-2008) về chống thư rác. Theo đó, sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu “gửi quá năm tin nhắn quảng cáo tới một thuê bao trong vòng 24 giờ/ngày hoặc gửi tin nhắn quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 7 giờ - 22 giờ hằng ngày, trừ trường hợp có thỏa thuận với người nhận”; phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng khi “Không phải nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo mà vẫn gửi thư điện tử quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo khi chưa được sự đồng ý của người nhận”. Cũng theo ông Thọ, những tin nhắn quấy rối, khủng bố... từ thuê bao trả trước khó xử lý do không được quản lý chặt chẽ. Sắp tới đây, khi điều này được thực hiện rõ ràng, cơ bản hơn, những trường hợp gọi điện thiếu văn hóa... cũng sẽ bị xử lý, không riêng về tin nhắn.

Sưu tầm.