- Tuy chưa có nghiên cứu nào khẳng định dùng điện thoại di động sẽ gây ung thư nhưng cũng có những cảnh báo rằng dùngđiện thoại diđộng (ĐTDĐ) cũng không hoàn toàn vô hại. Khi chiếc điện thoại ngày càng trở thành vật bất ly thân thì việc sử dụng chúng an toàn lại cần thiết hơn bao giờ hết đối với sức khỏe người dùng.
Hiện các nghiên cứu về tác hại của ĐTDĐ vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia. Trong khi đó, số lượng điện thoại cầm tay này đang tăng lên theo cấp số nhân. Trong năm nay, số lượng ĐTDĐ trên thế giới sẽ vượt qua con số 5 tỉ chiếc và ngày càng tăng. Đa số người dùng chưa được nghe và ít được cảnh báo về tác hại (nếu có) của loại phương tiện liên lạc này.
Bức xạ điện tử
Các lo ngại chủ yếu liên quan tới ĐTDĐ chính là bức xạ điện từ (EMR). Khoảng 60% bức xạ do điện thoại phát ra có thể bị não người hấp thụ. Lượng bức xạ này đủ để gây nóng và tạo cảm giác khó chịu cho người sử dụng. Đó cũng là lý do tại sao khi gọi điện thoại lâu bạn sẽ cảm thấy tai mình nóng lên. Lời khuyên đầu tiên của các chuyên gia đối với người dùng đó là không nên gọi điện thoại di động quá 2 phút. Ngay cả với khoảng thời gian này, bức xạ điện thoại cũng gây ra những xáo trộn điện từ tự nhiên trong não người khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Xung quanh các nghiên cứu về bức xạ điện thoại, người ta cũng tìm ra một số thực tế khá bất ngờ. Theo Wave Guide, một tổ chức chuyên công bố các nghiên cứu về sóng điện từ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, bức xạ được phát ra không chỉ từ ăngten, mà còn từ bàn phím và bộ phận loa của điện thoại. Rất nhiều các mẫu điện thoại rẻ tiền của các hãng kém tên tuổi hiện nay không được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn. Điều đó sẽ làm phát sinh nhiều nguy cơ, từ cháy nổ pin tới những tác hại về thần kinh.
Trên thực tế, các nhà sản xuất có thể giảm lượng bức xạ mà điện thoại phát ra, nhưng nếu làm thế họ sẽ phải đầu tư tiền bạc cho công nghệ, và đồng nghĩa với việc lợi nhuận bị giảm đi. Mỗi mẫu mã điện thoại lại có lượng bức xạ khác nhau, và bản thân các tổ chức tài chính - kinh tế cũng nắm rất rõ điều này. Gần đây, Tập đoàn bảo hiểm Lloyd’s của Anh quốc đã từ chối bảo hiểm cho những hãng sản xuất điện thoại bị “tố” gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng.
Sử dụng điện thoại an toàn
Cũng cần phải nhắc lại rằng hiện vẫn chưa bất cứ nghiên cứu nào khẳng định dùng điện thoại di động tác động xấu tới sức khỏe con người, tuy nhiên giới chuyên gia và bản thân các bác sĩ cũng khuyên người dùng nên tránh tiếp xúc nhiều và quá lâu với ĐTDĐ . Cụ thể hơn, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 15 tuổi được khuyến cáo không nên đặt điện thoại di động cạnh đầu khi ngủ.
Liên quan tới khoảng cách tiếp xúc với điện thoại, các chuyên gia của Medindia – cổng thông tin về sức khỏe hàng đầu châu Á khuyên rằng nên cầm điện thoại cách đầu ít nhất từ 2-7 inch, hoặc sử dụng chế độ loa ngoài. Phương pháp này sẽ giúp giảm thiểu lượng bức xạ điện từ đi vào não.
Khi ngủ, người dùng không nên đặt điện thoại gần đầu. Nên tắt điện thoại vào ban đêm hoặc cách đầu ít nhất 1,8m. Nếu để điện thoại trong túi thì nên giữ bàn phím về phía người để tránh ăng-ten hướng trực tiếp về phía bạn. Ngoài ra, phụ nữ có thai cũng được khuyến cáo hạn chế sử dụng điện thoại di động. Thai nhi khá nhạy cảm với bất cứ tác độ bên ngoài nào, nhất là sóng bức xạ.
Người dùng cũng được khuyến cáo không nên sử dụng điện thoại tại các khu vực bị bao bọc như xe hơi, thang máy, máy bay, tàu hỏa, hoặc trong môi trường kim loại bởi chúng có thể kích thích bức xạ điện từ. Người dùng nên sử dụng các tai nghe không dây thay cho tai nghe có dây. Các tai nghe Bluetooth chỉ hấp thụ 1/100 lượng bức xạ EMR mà điện thoại phát ra.
Trẻ em dưới 15 tuổi cũng được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc với điện thoại bởi não vẫn chưa thực sự hoàn thiện. U não là nguy cơ hàng đầu khiến nhiều trẻ em thiệt mạng mặc dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định chúng có liên quan tới bức xạ điện từ. Đối với trẻ sơ sinh cũng cần cảnh giác với bức xạ EMR. Do não của trẻ sơ sinh mỏng hơn nên EMR sẽ xuyên qua dễ dàng hơn và do vậy tác hại sẽ lớn hơn.
Đối với người trưởng thành, các chuyên gia cũng khuyên rằng nên tránh để điện thoại quá lâu trong túi quần bởi nó có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Với những người đeo thiết bị trợ tim thì không nên để điện thoại ở túi áo.
Khi mua điện thoại di động, bạn nên để ý tới chỉ số SAR (chỉ số hấp thụ đặc trưng). SAR càng nhỏ thì tác động của EMR càng ít. Chẳng hạn như chiếc Motorola Razr V3x có mức SAR 0,14, thấp nhất trong số các mẫu điện thoại hiện nay.
(Nguồn: vnMedia.vn)
|