Với những căn hộ chung cư (thường được thiết kế phòng bếp thông với phòng khách), máy hút mùi mà thiếu thì y như rằng có lúc xảy ra tình trạng khách đang uống trà, cà phê bỗng nhiên được thưởng thức thêm hương vị cá rán, giả cầy…
Ngay cả các hộ gia đình ở tập thể, nhà tư… ở thành phố cũng đang dần phải chuyển sang máy hút mùi thay cho máy hút khói - loại máy đơn giản, chỉ bao gồm chụp khói, ống dẫn ra ngoài và quạt điện, bóng đèn - bởi máy hút khói vừa ồn vừa không đủ mạnh để loại bỏ mùi nấu nướng khỏi môi trường lại vệ sinh lau chùi dầu mỡ bám vào rất khó khăn.
Về chủng loại, máy hút mùi có 3 loại cơ bản: loại âm tủ (máy hút classic), độc lập (máy hút ống khói) và đảo bếp. Máy hút kiểu classic phổ biến hơn vì nó có thể vừa với những phòng bếp đã sẵn có tủ bếp. Máy hút đảo bếp thường dành cho những phòng bếp hiện đại và sang trọng.
Xét về kiểu dáng máy thì đa dạng hơn nhiều. Máy hút mùi âm tủ dạng kéo, máy hút mùi toa kính (mũ hút bằng kính), máy hút mùi Deco (dạng treo tường như chiếc TV)… Dù máy kiểu nào thì lời khuyên khi lắp máy hút mùi là khoảng cách giữa mặt bếp và mũ hút khói tầm 50-80 cm.
Máy hút mùi hiện nay phần lớn đều có thể lựa chọn hoặc xả mùi ra ngoài trời thông qua đường ống dẫn hoặc khử trực tiếp bằng than hoạt tính và sau đó trả lại không khí đã khử sạch mùi trở lại phòng. Máy hút khử mùi trực tiếp nên dành cho các phòng bếp hẹp, nếu phải dẫn khí ra ngoài thì đường ống quá dài hoặc phải nắn gấp khúc.
Công suất và độ ồn
Theo tư vấn của hầu hết người bán hàng và cũng như tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau thì khi mua máy hút mùi, người tiêu dùng nên chú ý đến các thông số: lực hút của máy (hay công suất hút) và độ ồn cũng như tháo lắp làm vệ sinh máy dễ dàng.
Đại diện của Fagor, hãng đồ gia dụng Tây Ban Nha, đưa ra các tiêu chí lựa chọn công suất hút máy hút mùi dựa trên nguyên tắc: Diện tích bếp tỉ lệ nghịch với công suất máy hút mùi (diện tích nhỏ cần máy công suất lớn) vì bếp nhỏ nên lưu lượng không khí ít, khi nấu thức ăn có nhiều mùi đậm đặc cần máy công suất mạnh để có thể hút sạch mùi trong khoảng thời gian ngắn nhất. Nếu điều kiện cho phép nên mua máy hút mùi có công suất cao hơn so với công suất tối thiểu để đảm bảo việc hút mùi hiệu quả hơn cũng như hạn chế việc máy phải chạy toàn tải trong thời gian giài giúp tăng độ bền cho máy.
Cụ thể, dựa vào diện tích phòng lắp đặt thì theo công thức: Chiều rộng x chiều cao x chiều sâu x 10 = công suất hút cần thiết tối thiểu (tính bằng m3/h).Dựa theo thói quen nấu nướng: Nếu chủ yếu chỉ nấu các món ăn nhanh thì chỉ cần máy hút mùi công suất khoảng 300-400 m3/h; Nếu nhà có 3-4 người nấu ăn thường xuyên thì nên dùng máy công suất trên 500 m3/h; Nếu nhà có trên 4 người nấu ăn thường xuyên thì cần máy công suất trên 600 m3/h.
Máy hút mùi hiện nay nói chung bao gồm các bộ phận: mũ/ phễu "bắt" khói, mùi; hệ thống điều khiển bật/tắt, điều chỉnh tốc độ; hệ thống quạt; hệ thống ống dẫn; các bộ lọc (bằng than hoạt tính); khay chứa dầu mỡ. Thiết kế của máy thường cho phép tháo lắp bộ lọc, bánh than đơn giản, giúp cho việc thay thế, vệ sinh máy thường xuyên có thể thực hiện một cách dễ dàng.
Máy hút mùi tiên tiến hơn sử dụng hệ thống điều khiển cảm ứng, có cảm biến nhiệt độ tự động bật quạt nếu nhiệt độ trên mặt bếp quá cao và tự động ngắt máy nếu nhiệt độ trở lại trạng thái bình thường, tái tạo ô-xy, bổ sung ô-xy cho phòng bếp, hẹn giờ (quá thời gian hẹn, máy sẽ tự động ngừng hoạt động)…
Nói chung, máy hút mùi càng thêm nhiều tính năng giá càng đắt. Cho nên, bạn nên cân nhắc xem tính năng của máy có thực sự sử dụng đến không nếu không sẽ tốn tiền vì những tính năng dư thừa.
Vỏ máy hút mùi thường có 2 dạng: thép không gỉ hoặc nhôm và sơn tĩnh điện. Vỏ sơn tĩnh điện trông bắt mắt nhưng được khuyên là trong môi trường nấu bếp nóng ẩm, nhiều dầu mỡ, muối thì dùng lâu dễ bị bong sơn. Do đó, máy hút mùi vỏ thép không gỉ được tiêu thụ nhiều hơn.