Dòng K/A được ASUS định vị phân khúc phổ thông, thiết kế đẹp mắt, thời trang và cấu hình khá tốt với mức giá dễ chịu. Trước đây những chiếc máy dòng K thường được làm bằng nhựa thì gần đây ASUS đã chuyển sang sử dụng vật liệu nhôm khiến chiếc máy trông cao cấp hơn và cứng cáp hơn.
Mặt ngoài nắp máy là thiết kế đặc trưng của ASUS - một tấm nhôm phay xước với màu sắc xám nâu. Nếu nhìn qua mặt ngoài này thì bạn dễ nhầm K501 mới nhiều mẫu máy khác của ASUS điển hình như dòng N hay UX bởi nó không có yếu tố phân biệt rõ ràng nhưng nếu quan sát kỹ thì chúng ta có thể nhận ra chất lượng hoàn thiện của K501 sẽ không bằng các dòng cao cấp hơn. Phần vỏ này cũng khá mềm, dễ cong vênh và khi nhấn ngón tay với lực tác động không quá mạnh cũng khiến nó lõm xuống.
Phần bản lề ngược lại được ASUS làm khá tốt khi nó đủ chắc để giữ ổn định màn hình và đủ mềm để chúng ta có thể mở máy dễ dàng. Liệu có thể mở máy bằng 1 tay? Dĩ nhiên là mở được nhưng trải nghiệm không được mượt mà cho lắm khi màn hình nặng hơn thân máy, do đó khi dùng 1 tay mở máy thì thân máy sẽ nhổm lên 1 cái, hơi bập bênh. Bản lề thiết kế chìm, cho góc mở tối đa khoảng 140 độ.
Bên trong nắp máy là màn hình 15,6" có thiết kế viền dày và lồi. Trên một chiếc máy dòng K thì thiết kế viền không thể được trau chuốt như những dòng máy khác. Viền nhựa có độ dày 2 bên khoảng 1,5 cm và trên dưới hơn 2 cm và được xử lý nhám. Giữa 2 phong cách laptop màn hình 4K + viền màn hình mỏng, mặt kính tràn sát viền, giá cao và laptop màn hình 4K + viền dày thô, giá mềm thì K501U được thiết kế theo phong cách thứ 2. Viền dày dĩ nhiên sẽ khiến tổng thể máy không đẹp nhưng ít ra nó giúp bảo vệ cho chiếc màn hình đắt tiền bên trong.
Thân của K501U tiếp tục được làm bằng nhôm nhưng được xử lý kiểu anodize. Lớp nhôm này khá mỏng, bao bọc toàn bộ bàn phím, bàn rê và kéo xuống khoảng 1 nửa chiều dày của máy. Tiếp đó mới là chất liệu nhựa cho phần đáy máy.
K501U dày khoảng 22 mm và trọng lượng khoảng 2 kg. So với một chiếc máy 15,6" thì K501U khá nhẹ và gọn để có thể mang đi. Để làm máy mỏng hơn và nhẹ hơn, ASUS đã bỏ luôn ổ quang, thay vào đó là nhiều cổng kết nối hơn. Tổng cộng tại các cạnh bên K501U có 2 cổng USB 3.0, 2 cổng USB 2.0, HDMI, LAN, khe đọc thẻ SD và jack tai nghe 3,5 mm 2 trong 1.
Trở lại với nội thất của K501UI, máy được trang bị bàn phím full-size có phần phím số Numeric và bàn rê đa điểm lớn. Nhìn vào chiếc bàn phím này bạn sẽ dễ nhận ra đây là một chiếc máy dòng K hơn bởi kiểu thiết kế phím của nó hầu như không đổi qua thời gian: Bàn phím dạng chiclet với các phím kích thước lớn, nhựa đen, bề mặt hơi sần và có thêm đèn nền backlit 3 mức sáng. Mặc dù thiết kế không mới nhưng trải nghiệm gõ trên K501U rất tốt. Các phím có hành trình dài hơn mang lại cảm giác bấm tự tin hơn, khoảng cách giữa tâm các phím (key pitch) tiêu chuẩn 19 mm mang lại sự tách bạch, hạn chế tình trạng gõ nhầm và giúp chúng ta dễ làm quen hơn. Đồng thời 1 điểm mình thích là bàn phím màu đen khiến đèn nền backlit phát huy tác dụng tốt hơn khi sử dụng trong bóng tối, ít chói hơn so với kiểu bàn phím màu bạc thường thấy trên những chiếc máy dòng cao của ASUS.
Phím nguồn được bố trí tại phía trên bên phải khu vực bàn phím. Phím nguồn to, được làm giả kim loại đẹp nhưng nó khá cứng, khó bấm. Chưa rõ đây là do chiếc máy mình mượn được bị lỗi hay bản chất thiết kế của chiếc nút này như vậy.
Ngay dưới bàn phím là bàn rê ASUS Touchpad. Bàn rê dạng ClickPad, bề mặt phủ lớp sần chống rít và hỗ trợ thao tác đa điểm. Bàn rê cho độ nhạy cao và 2 phím chuột tích hợp dễ bấm. Như vậy về trải nghiệm gõ phím và bàn rê trên K501U thì mình không có gì phàn nàn.
Như đã "khoe" ở đầu bài, điểm ăn tiền nhất trên K501U là màn hình 4K. Chiếc màn hình này dùng tấm nền IPS do LG sản xuất nên về chất lượng có thể nói là tương đương với những màn hình 4K trên laptop cao cấp. Màn hình dạng matte, có độ sáng 300 nit, độ tương phản 800:1 và mật độ điểm ảnh khoảng 285 ppi. Thêm vào đó, góc nhìn của màn hình khá rộng, lý tưởng nhất từ 85 độ đổ lại theo các cạnh. Nhờ đó, trải nghiệm nội dung 4K trên chiếc màn hình này thật sự rất tốt, rất lý tưởng để giải trí bằng phim ảnh khi mọi thứ trở nên hút mắt, giàu chi tiết và màu sắc.