Năm ngoái trước kỳ Expo, ASUS đã đem chiếc ZenBook NX500 màn hình 4K đầu tiên của hãng đến triển lãm và năm nay, một phiên bản tương tự cũng đang được ASUS chuẩn bị cho kỳ Expo lần này với tên gọi ZenBook Pro UX501. UX501 có thể xem là một phiên bản ZenBook kế thừa NX500 với cấu hình cao, thiết kế đẹp, chắc chắn nhưng mức giá bằng 1 nửa NX500, khoảng 30 triệu đồng.
Ngay từ cái tên ZenBook Pro UX501 đã khiến chúng ta có thể hiểu rằng đây là một chiếc máy có thiết kế thanh thoát đặc trưng của dòng ZenBook nhưng chữ Pro nhắc đến một điều gì đó chuyên nghiệp, ở đây ám chỉ là hiệu năng của nó chắc chắn sẽ tốt hơn so với các phiên bản Ultrabook nhưng vẫn có tính di động cao với trọng lượng khoảng 2,3 kg. Với mã UX501 thì có thể dễ dàng biết được đây là một chiếc máy 15,6", tương tự như kiểu tên mã UX305 với màn hình 13,3".
Thiết kế của ZenBook Pro UX501 vẫn theo ngôn ngữ Zen với các đường nét mềm mại và sử dùng nhiều hình tròn. Nhìn tổng thể thì UX501 có kích thước và kiểu dáng tương tự ZenBook NX500. Chất liệu làm vỏ máy vẫn là nhôm màu xám, mặt ngoài phay xước với các vân tròn đồng tâm tỏa ra từ logo ASUS rất quen thuộc nhưng lưu ý là logo này không có đèn như dòng N-Series. Riêng phần màn hình của UX501 có độ dày khoảng 7 mm, khá hợp lý bởi thiết kế như vậy đảm bảo sự chắc chắn cho màn hình khi chúng ta gập mở máy.
Bản lề của ZenBook Pro UX501 vẫn tương tự NX500 hay N551 với kiểu bản lề chìm, khớp bản lề được bọc trong một thanh nhựa kéo dài theo chiều rộng của máy. Bản lề cho góc mở tối đa khoảng 130 độ và mặc dù được thiết kế khá chắc chắn, giữ chặt màn hình khi thao tác trên bàn phím nhưng trên thực tế nó khá rít, việc đóng mở không được mượt mà như NX500 hay kiểu bản lề mới như trên dòng gaming G751. Điều may mắn là do thiết kế thân máy nặng hơn màn hình nên mình có thể mở màn hình bằng 1 tay mà không bị chênh.
Viền màn hình bên trong có thiết kế cổ điển với viền nhựa bên ngoài và màn hình chìm bên trong. Nếu như trên NX500, ASUS dùng một tấm kính phủ tràn ra màn hình thì UX501 lại có viền nhựa dày khoảng 1,8 cm 2 bên và 2 cm trên dưới. Mình được biết phiên bản Full HD và 4K của UX501 có 2 kiểu thiết kế viền màn hình khác nhau, phiên bản 4K dùng màn hình glossy nên sẽ có lớp kính, phiên bản Full HD dùng màn hình matte nên vẫn giữ thiết kế cũ.
Chuyển đến các cạnh, ZenBook Pro UX501 không mang kiểu thiết kế vuốt nhọn từ sau ra trước thường thấy trên các phiên bản Ultrabook ZenBook mà ngược lại nó mang thiết kế của dòng N-Series. Độ dày của các viền máy gần như như nhau, vào khoảng 15 mm và nhờ đó ASUS có thể trang bị nhiều cổng kết nối full-size cho máy gồm 2 x USB 3.0, khe thẻ SD, jack tai nghe 3.5 mm combo tại cạnh phải và 1 x USB 3.0, HDMI và mini DisplayPort tại cạnh trái. Vị trí các cổng được bố trí hợp lý và khoảng cách giữa các cổng rộng hơn giúp loại trừ khả năng chồng chéo khi cắm nhiều thiết bị cùng lúc.
Nội thất của ZenBook Pro UX501 một lần nữa giống N-Series với bàn phím cùng bàn rê được đặt trên một tấm nhôm nguyên khối hoàn thiện anodize cho cảm giác tiếp xúc rất tốt. Các họa tiết chấm tròn tỏa ra như sóng âm thanh tiếp tục được ASUS đem lên thiết kế của UX501, mặc dù vẫn mang tính thẩm mỹ cao nhưng lại khiến chúng ta khó phân biệt đâu là UX và đâu là N-Series.
Trải nghiệm nhập liệu: layout phím bất hợp lý, bàn phím hơi flex nhưng trải nghiệm gõ tốt, bàn rê ngon:
Khác với NX500, ZenBook Pro UX501 được trang bị bàn phím full-size với cụm phím Numeric, phím thiết kế theo dạng chiclet và đi kèm đèn backlit màu trắng. Chính vì việc nhét quá nhiều phím vào một thiết kế 15,6" trong khi phải giữ lại kích thước mỗi phím đủ lớn, ASUS đã làm layout phím hẹp lại và từ đây phát sinh những nhược điểm không đáng có.
Đầu tiên là sự bất hợp lý của 4 phím điều hướng, ASUS vẫn làm các phím điều hướng to dễ bấm nhưng phím sang phải lại được đặt vào khu vực phím số, lại nằm tách biệt hẳn so với các phím điều hướng còn lại nên mình thường bấm nhầm khi không nhìn bàn phím. Dĩ nhiên nếu dùng lâu sẽ quen và hiện tượng này cũng giảm đi.
Phiên bản mình dùng có cấu hình tốt, tương đương với một mẫu laptop chơi game. Chi tiết cấu hình như sau:
CPU: Intel Core i7-4720HQ 4 lõi, 8 luồng, tốc độ 2,6 GHz (Turbo Boost 3,6 GHz), 6 MB Cache;
Chipset: Intel HM87;
GPU: Intel HD Graphics 4600 + Nvidia GeForce GTX 960M 2 GB;
RAM: 8 GB Hynix DDR3 PC3-12800 chạy Dual-Channel (mỗi thanh 4 GB);
Ổ cứng: Micro M600 M.2 128 GB + Hitachi HDD 1 TB 5400 rpm;
Wi-Fi: Intel Dual Band Wireless-AC 7260;
OS: Windows 10 Home Single Language 64-bit.
Đầu tiên về con CPU Intel Core i7-4720HQ thì đây là một phiên bản Core i7 thế hệ Haswell được dùng khá phổ biến trên nhiều mẫu laptop chơi game. Trước đây với phiên bản NX500, ASUS cũng dùng một con CPU lõi tứ tương tự là Core i7-4712HQ nhưng Core i7-4720HQ mạnh hơn nhờ xung nhịp cao hơn - 2,6 GHz so với 2,3 GHz. Tuy nhiên, Core i7-4720HQ lại có TDP đến 47W trong khi Core i7-4712HQ chỉ có TDP 37W, do đó có thể dự đoán ZenBook Pro UX501 sẽ có thời lượng pin không lâu như người anh em NX500.
Ngoài CPU mạnh mẽ, ZenBook Pro UX501 còn được trang bị card rời Nvidia GeForce GTX 960M. Đây là một vi xử lý đồ họa upper mid-range hay cao hơn trung cấp như GTX 940M hay GTX 950M một chút. Nó được phát triển dựa trên vi kiến trúc Maxwell mới dùng chip GM107 và vẫn được sản xuất trên quy trình 28 nm. GTX 960M là phiên bản kế nhiệm GTX 860M xuất hiện rất phổ biến trên nhiều mẫu laptop chơi game từ năm ngoái đến đầu năm nay nhưng cần lưu ý rằng điểm nâng cấp chủ yếu của GTX 960M so với GTX 860M là xung nhịp cao hơn đôi chút - 1202 MHz so với 1029 MHz trong khi có cùng 640 đơn vị shader. Một điều cần lưu ý nữa là GTX 960M có 2 phiên bản 2 GB và 4 GB, trên UX501 thì chiếc card này chỉ có 2 GB bộ nhớ GDDR5.
Phiên bản máy tính xách tay UX501 năm nay của Asus chỉ có một mô hình - 1499 USD (tương đương 32,58 triệu đồng) bao gồm: màn hình kích cỡ 15,6-inch, hiển thị IPS 4K UHD, bộ xử lý Intel Core i7-4720HQ tốc độ cao 2,6-GHz, bộ nhớ RAM đạt 16GB, card đồ họa rời GTX, ổ cứng SSD 512 GB và bộ xử lý đồ họa Nvidia GeForce 960M đi kèm với bộ nhớ video 2GB.
Ngoại trừ thiết kế bàn phím khác lạ và dung lượng pin hạn chế, máy tính xác tay cao cấp Asus Zenbook Pro UX501 xứng đáng là sự lựa chọn của nhiều người dùng công nghệ.