Có ai biết dấu hiệu bệnh tự kỷ của trẻ không chỉ cho mình biết với?

Trần Hồng
Trần Hồng
Trả lời 13 năm trước

Trong khi nhiều em bé tự kỷ rất khó chữa bệnh này do được phát hiện quá muộn thì một số cháu khác lại bị điều trị nhầm.

2 tuổi, bé Trung (Long Biên, Hà Nội) vẫn chưa biết nói, cũng không tỏ ra tình cảm với bố mẹ, người thân. Ai gọi, hỏi, bé cũng lờ đi không thèm quay lại nhìn. Bé cũng hiếu động một cách thái quá, hay đập phá đồ đạc, đánh, cắn người khác.

Cảm thấy có gì không ổn, chị Hoa mẹ cháu muốn đưa con đến bác sĩ, nhưng cả gia đình phản đối. Mẹ chồng chị bảo: "Bố nó cũng 4 tuổi mới biết nói, có sao đâu. Con trai phải cá tính nghịch ngợm như thằng này thì mới tốt". Bé Trung ngoài 3 tuổi mới được đưa đến chuyên gia tâm lý và được xác định là tự kỷ.

Những trường hợp tự kỷ được phát hiện muộn như bé Trung rất phổ biến. Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian tốt nhất để điều trị tự kỷ là 18 đến 36 tháng tuổi. Quá thời gian này, các biện pháp can thiệp đem lại rất ít hiệu quả.

Do vậy, các bà mẹ cần sớm lưu ý đến những biểu hiện không bình thường của con để đưa đến bác sĩ. Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna, cho biết, trẻ tự kỷ có những biểu hiện sau:

Khó khăn trong sử dụng ngôn ngữ: Chậm nói (trẻ 16-17 tháng phải nói được các từ đơn), hoặc biết nói sớm nhưng sau đó lại thôi. Trẻ không hiểu lời người khác và cũng không biểu đạt được ý nghĩ của mình nên hay nói những câu, từ vô nghĩa hoặc không ăn nhập với hoàn cảnh. Khi được hỏi, nhiều trẻ không trả lời được mà nhại lại câu hỏi một cách máy móc (chẳng hạn, hỏi "cháu tên gì" thì cũng đáp là "cháu tên gì").

Khó giao tiếp và tương tác: Không nhìn vào mắt người khác là một triệu chứng điển hình của tự kỷ. Trẻ không giao tiếp, không biểu hiện tình cảm ngay cả với mẹ (không hề bám mẹ).

Những em bé bình thường khi 9-10 tháng tuổi nếu ở cạnh trẻ khác thường có động thái làm quen như cười, chạm vào bạn, xin - cho đồ chơi hay thức ăn; nếu thấy thích thú điều gì thì muốn chia sẻ với người khác (như khoe áo đẹp)... nhưng trẻ tự kỷ không thế.

Khó khăn trong các trò chơi hoạt động, cần sự tưởng tượng: Việc hướng dẫn trẻ tự kỷ biết chơi một trò nào đó thường rất gian nan. Trẻ không biết dùng đồ chơi, chỉ cầm lên đập đập rồi ném, hoặc chơi không đúng chức năng.

Tác phong lặp đi lặp lại: Trẻ tự kỷ rất máy móc, chẳng hạn nếu mẹ dẫn đi nhà trẻ nếu vòng qua một cái cột điện thì lần sau nhất thiết cũng phải đi như vậy. Nếu phải thay đổi, trẻ sẽ phản ứng dữ dội như gào khóc, cắn cấu. Bệnh nhân tự kỷ cũng hay có các hành vi lặp đi lặp lại như vê tay, vặn tay, vặn người, nhón chân...

Ít có khả năng chăm sóc bản thân: Trẻ thường khó khăn trong việc tự phục vụ mình như đi tất, đội mũ, mặc áo, vệ sinh... Cử chỉ, thao tác luôn lóng ngóng, vụng về.

Phần lớn các em bé tự kỷ thường hiếu động thái quá, do không có khả năng hình dung ra sự nguy hiểm nên hay có những hành động "đáng sợ" như trèo lên đứng vắt vẻo trên lan can... Ngược lại, một số ít trẻ có xu hướng thu mình, ít vận động.

Với một số trẻ "thần đồng" như sớm biết làm toán, đọc chữ, nói tiếng Anh..., cha mẹ cũng nên nghĩ đến tự kỷ nếu có các biểu hiện vừa nêu trên. Ở trẻ tự kỷ, những khả năng đặc biệt đó thường tự biến mất sau một thời gian.

Các triệu chứng tự kỷ thường bộc lộ rõ từ 2 tuổi, nhưng thực ra nếu tinh ý, trong nhiều trường hợp, các bà mẹ có thể phát hiện những bất ổn của con mình sớm hơn nhiều, thậm chí trước 1 tuổi, nhất là biểu hiện thờ ơ với mọi người xung quanh, không giao tiếp bằng mắt, không phản ứng khi được gọi hay hỏi chuyện.

Một người mẹ mang con đến phòng khám Tuna cho biết: "Tôi đã thấy cháu không bình thường từ lúc 6-7 tháng, khi chơi với con mà nó không thèm nhìn mẹ, hỏi gì cũng lờ đi, nhưng hễ nghe tiếng quảng cáo trên TV là quay ngoắt lại nghe vô cùng chăm chú". Nhưng vì không biết đến bệnh tự kỷ, lại hy vọng bé lớn lên sẽ khác nên chị đã không đưa con đi khám sớm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trẻ bị chẩn đoán và điều trị tự kỷ nhưng lại không mắc bệnh này. Trường hợp bé Bình, 4 tuổi, ở Hà Tây là một ví dụ. Thấy con không thích giao tiếp, hầu như không nhìn vào mắt người đối thoại, gia đình nghĩ bị tự kỷ nên đưa đi khám ở một bệnh viện trung ương. Do bệnh nhân quá đông, bác sĩ không xem xét kỹ và kết luận ngay là bị bệnh này.

Điều trị cùng nhóm trẻ tự kỷ một thời gian, thấy con không khá hơn, mẹ bé Bình đưa con đi khám ở chỗ khác. Các chuyên gia dành thời gian hỏi han, chơi cùng cháu và nhận thấy khi đã quen, Bình vẫn có giao tiếp bằng mắt, có nói chuyện và thể hiện sự thích thú. Cháu được chẩn đoán là rối loạn cảm xúc và điều trị theo hướng này, kết quả rất tốt.

Tương tự, nhiều trường hợp khác được chẩn đoán tự kỷ nhưng thực ra là chậm phát triển tâm thần hoặc tăng động, giảm chú ý. Việc điều trị cho các cháu theo hướng tự kỷ sẽ khiến tình hình tệ thêm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm thần.

Thực ra, khó xác định chẩn đoán tự kỷ trước 18 tháng tuổi. Và để khẳng định bệnh này, cần làm một số trắc nghiệm với sự tham gia của các chuyên gia về tâm thần học. Tuy nhiên, nếu lưu ý sớm các biểu hiện không bình thường của con và nói với bác sĩ, trẻ sẽ có cơ hội được chẩn đoán và điều trị kịp thời không chỉ tự kỷ mà cả các vấn đề tâm thần khác.

Bạn liên hệ 19006899 để được tư vấn trưc tiếp.

Hoặc soạn tin: AZH cauhoi gửi 8785

bibi
bibi
Trả lời 13 năm trước

Tự kỷ là những rối loạn phát triển của não với những đặc trưng là suy giảm khả năng hòa nhập xã hội, suy giảm khả năng giao tiếp, có những hành vi lặp lại và những quan tâm mang tính hạn hẹp.

- Các dấu hiệu của sự suy giảm khả năng hòa nhập xã hội là: Không cười với người khác, ít khi nhìn thẳng vào mắt người khác, thích chơi một mình, sống trong một thế giới riêng, không để ý đến bố mẹ, không thích chơi với trẻ khác, sống rất độc lập, tự lấy các đồ vật hoặc biết làm những việc sớm trước tuổi.

- Các dấu hiệu của sự suy giảm khả năng giao tiếp là: Không có phản ứng khi được gọi tên, chậm biết nói (không nói bi bô khi lên 12 tháng, không tự nói được câu tiếng đôi (không tính câu bắt chước) khi được 24 tháng), không diễn tả được mình muốn gì, cử chỉ thường không hòa hợp với tiếng nói.

- Các hành vi lặp lại và bất thường bao gồm:

+ Các hành vi rập khuôn với các vận động không có mục đích như vỗ tay, quay đầu hay đung đưa cơ thể.

+ Các hành vi cưỡng bức thường theo một quy tắc nào đó, ví dụ trẻ sắp xếp đồ chơi của chúng theo một đường thẳng (xem hình).

+ Các hành vi đơn điệu, thiếu sự đa dạng và chống lại sự thay đổi, ví dụ như trẻ không muốn đồ chơi của chúng bị dịch chuyển hay cưỡng lại sự can thiệp của người khác đối với việc chúng đang làm.

+ Các hành vi có tính nghi thức bao gồm các hoạt động giống hệt nhau thực hiện hàng ngày ở cùng một thời điểm như chỉ ăn cùng một thực đơn hay mặc một kiểu quần áo vẫn dùng hàng ngày.

+ Các hành vi tự gây tổn thương như tự đánh mình (một nghiên cứu tiến hành năm 2007 cho biết có tới 30% trẻ bị bệnh tự kỷ có hành vi này).

Ngoài các triệu chứng chính nêu trên còn có thể có những triệu chứng khác của trẻ tự kỷ như khó ngủ, thường thức dậy vào ban đêm và dậy sớm; những hành vi ăn uống khác thường cũng thấy ở 3/4 số trẻ bị tự kỷ...

Các triệu chứng của bệnh tự kỷ hầu như phát sinh trước khi trẻ lên 3 tuổi. Trẻ bị bệnh tự kỷ thường không được chẩn đoán hoặc bị chẩn đoán sai vì nhiều bác sĩ lâm sàng thường hay ngại bàn luận với cha mẹ về việc con của họ có thể mắc phải chứng bệnh này ngay khi trẻ có dấu hiệu của bệnh. Các bác sĩ này thường không muốn gây căng thẳng và lo âu cho gia đình về những ảnh hưởng gây ra bởi việc xác định bệnh của con cái họ, nhất là nếu họ chẩn đoán sai.

Cơ sở của bệnh tự kỷ là di truyền, tuy nhiên tính di truyền của tự kỷ thì phức tạp và cho đến nay người ta cũng chưa giải thích được nguyên nhân của nó là do mối tương tác gen hay do đột biến gen. Tính chất phức tạp càng lớn do những mối tương tác của nhiều gen, mối tương tác của gen với môi trường hay những yếu tố ngoại cảnh khác, những yếu tố này không làm biến đổi DNA nhưng có khả năng di truyền và có khả năng ảnh hưởng đến sự biểu thị gen.

Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự tăng tỷ lệ trẻ mắc bệnh tự kỷ. Gần đây, một số nhà khoa học cho rằng các bà mẹ mang thai đã bị tiếp xúc với hóa chất ô nhiễm, đặc biệt là kim loại và thuốc trừ sâu, sự tiếp xúc này làm biến đổi sự phát triển cấu trúc não của trẻ và dẫn đến tự kỷ.

Những chất độc gây nguy cơ tự kỷ được liệt kê là:

- Các hóa chất độc hại: hàng tá hóa chất trong môi trường là những chất độc thần kinh như thủy ngân, PCBs, chì, chất cháy chậm chứa brôm, thuốc trừ sâu, phthalate và phenol trong các sản phẩm plastic, rượu, thuốc lá… Con đường chủ yếu gây ô nhiễm các chất trên là do ăn thực phẩm bị ô nhiễm.

- Virus, vi khuẩn, nấm mốc và độc tố nấm mốc.

- Trường điện từ gây ra không chỉ do điện thoại không dây và điện thoại di động mà còn do các phương tiện bằng điện khác.

Cũng có ý kiến cho rằng vaccine cho trẻ cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh, tuy nhiên ý kiến này không được chấp nhận vì thiếu những bằng chứng thuyết phục (vaccine chứa thimerosal, một hợp chất thủy ngân dùng để tăng độ bền của vaccine, tuy nhiên chất này đã bị loại bỏ hầu như hoàn toàn từ năm 1999).

Phương pháp để điều trị chứng tự kỷ thành công nhất là chương trình giáo dục sâu rộng và có hệ thống, bao gồm việc chú trọng phát triển kỹ năng ngôn ngữ và xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, có nhiều phương pháp được xem là có hiệu quả. Tuy nhiên không có một phương pháp nào dành cho mọi đứa trẻ bị tự kỷ, mỗi đứa trẻ cần một phương pháp toàn diện, điều độ và nhất quán của các thầy thuốc, cha mẹ và gia đình.

Nếu con bạn có các triệu chứng nêu trên và bạn nghi con bạn bị tự kỷ, bạn nên xin hẹn khám bệnh cho con bạn ở đơn vị Tâm Lý bệnh viện Nhi Đồng 1. Khi đến khám, bạn sẽ được hướng dẫn cần phải theo những bước gì để giúp con bạn phát triển. Có thể con bạn cần được gặp chuyên viên tâm vận động, âm ngữ, hoạt động, hoà nhập cảm giác. Trẻ cần được thăm khám một cách toàn diện để được đánh giá mức độ phát triển và được hưởng chương trình can thiệp giáo dục tâm lý càng sớm càng tốt.

Chúng tôi xin gửi tới bạn một số thông tin về các địa chỉ tư vấn và chữa bệnh tự kỷ cho trẻ tại TP.Hồ Chí Minh và Hà nội, như sau:

bibi
bibi
Trả lời 13 năm trước

Tại TP HCM:

- Khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 hiện có nhận điều trị trẻ tự kỷ nội ngoại trú với mức chi phí không quá 1,5 triệu đồng/tháng.

Tại nhà riêng của chị Lê Thị Phương Nga, tác giả bài viết "Cuộc chiến giúp con chống bệnh tự kỷ", số 6 đường 328 Cao Lỗ, phường 4, quận 8, TP HCM, Phụ huynh có nhu cầu thể gọi cho chị Phương Nga theo số (08).213.5269 hoặc 0909.888.979

Bên cạnh hệ thống bệnh viện, các trường "chuyên biệt" trực thuộc Phòng giáo dục quận huyện cũng là những nơi nhận chăm sóc trẻ tự kỷ nội trú với mức giá tương đương với các trường mầm non. Thành phố có các trường chuyên biệt nổi tiếng như Gia Định (Bình Thạnh), Thảo Điền (quận 2), Bình Minh (Tân Phú), Ước Mơ (quận 10).

Tại Hà Nội:

- Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương.

- Phòng tư vấn và trị liệu của Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em tại số 17 ngõ 663 Trương Định.

- Trung tâm Hy Vọng, 35 Trần Quang Diệu.

- Dịch vụ điều trị tại nhà của nhóm hỗ trợ thuộc khoa Tâm lý Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn

Ngoài ra để xác định, chẩn đoán tự kỷ, có thể đến Phòng khám Tuna (số 26, ngõ 259/5 phố Vọng) hay khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chúc bạn và gia đình sức khỏe!

Bs.Thuocbietduoc