em năm nay 31 tuổi, có thai được 3 tháng, gần đây do bị táo bón, khi mỗi lần đi đại tiện thấy phía tước âm đạo xuất hiện 1 khối thịt lồi ra ngoài, khi nghỉ ngơi lại thấy không còn, em có phải bị sa tử cung hay không, nếu phải vậy em phải làm gì, vì đang có thai nên cho em hỏi có bài thuốc dân gian nào chữa khỏi bệnh này không ạ?
Chào bạn.
Táo bón là một vấn đề ở đường tiêu hóa xảy ra khá phổ biến trong thời kỳ mang thai, nhất là ở những tháng cuối. Táo bón có thể mới xuất hiện hoặc đã có từ trước nhưng nặng lên trong thời kỳ mang thai.
Nguyên nhân gây táo bón thai kỳ là do những thay đổi về nội tiết. Các nguyên nhân khác bao gồm uống viên sắt để bù sắt, chế độ ăn ít chất xơ, giảm hoạt động thể lực, sự chèn ép của thai và yếu tố tâm lý.
Về điều trị, thai phụ nên tạo thói quen đi đại tiện đều đặn, tốt nhất là vào buổi sáng và sau các bữa ăn vì lúc này đại trực tràng có nhu động mạnh nhất. Ngoài ra, thai phụ cần uống nhiều nước, ăn tăng chất xơ và có chế độ vận động phù hợp.
Các chất xơ từ ngũ cốc, cam, chanh và cây họ đậu có tác dụng kích thích hệ vi khuẩn đường ruột và hiệu quả khá tốt trong điều trị táo bón. Với những biện pháp không dùng thuốc này, biểu hiện táo bón thường bắt đầu giảm dần sau 3-5 ngày và hết hẳn sau 2-3 tuần.
Bạn nên thận trọng khi sử dụng thuốc chống táo bón. Tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để kiểm tra mức độ bệnh hiện nay, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp. Có nhiều loại thuốc chống táo bón có thể được sử dụng an toàn cho phụ nữ có thai như: sorbitol, lactulose, polyethylene glycol, senna (cây muồng)…Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn và nôn nên nhất thiết phải uống thuốc theo đúng chỉ định.
Chúc bạn thai kỳ khỏe mạnh.