Bạn thân mến!
Ra mồ hôi thường xuyên làm cơ thể bị mất nước, có thể dẫn đến suy nhược cơ thể nếu không được tiếp nước kịp thời. Để chữa dứt điểm bệnh ra mồ hôi trộm, bạn cần đến bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp. Hiện nay có khá nhiều cách chữa chứng ra mồ hôi trộm
Liệu pháp chuyển ion bằng dòng điện: sử dụng một dòng điện có điện thế nhỏ để đưa các ion vào da, phương pháp này thường được áp dụng cho các chứng ra mồ hôi nhiều ở bàn chân, bàn tay.
Sử dụng các loại thuốc làm giảm bài tiết mồ hôi: Một số chất có tác dụng tiết giảm hoạt động của các tuyến thải mồ hôi trên cơ thể như botox hay các vi khuẩn kỵ khí. Các chất này thường tìm thấy trong các loại mỹ phẩm chuyên dùng cho mục đích thẩm mỹ như Vistabel, Dysport và NeuroBloc… Về nguyên tắc, các loại thuốc này cần có hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng điều trị.
Bằng phương pháp tiêm các chất trên để điều trị chứng ra mồ hôi, có thể thấy kết quả ngay. Tuy nhiên nó chỉ có tác dụng trong vòng 3 đến 6 tháng chứ không thể chữa trị dứt điểm. Để tiếp tục duy trì tác dụng chữa trị, cần tiêm thêm thuốc định kì dưới sự giám xác của bác sĩ.
Đổ mồ hôi là gì ?
Tiết mồ hôi rất cần thiết trong việc điều hòa thân nhiệt trong lúc tập thể thao, lao động hay môi trường chung quanh ấm hay nóng. Tiết mồ hôi được điều tiết bởi hệ thần kinh giao cảm. Trong khoảng 0,6 – 10% dân số, hệ thống thần kinh này hoạt động quá mức gây tiết mồ hôi vào những thời điểm không thích hợp ở một số vùng đặc biệt của cơ thể. Khi tình trạng tăng tiết xảy ra người ta gọi là đổ mồ hôi.
Phân loại
Nguyên nhân gây đổ mồ hôi có thể là tiên phát hay thứ phát
Các vùng đổ mồ hôi trên cơ thể : đầu, mặt, lòng bàn tay, nách, thân và lòng bàn chân.
Đổ mồ hôi tiên phát không rõ nguyên nhân : Thường gặp hơn đổ mồ hôi thứ phát và chủ yếu khu trú ở lòng bàn tay, nách, đầu, mặt và lòng bàn chân. Khởi phát từ lúc nhỏ hay giai đoạn sớm của tuổi thanh xuân, triệu chứng nặng nề hơn trong giai đoạn dậy thì và kéo dài trong suốt cuộc đời. Các rối loạn về tâm và thần kinh hiếm gây đổ mồ hôi tay. Đổ mồ hôi gây khó chịu và ảnh hưởng nặng nề trong giao tiếp xã hội, nghề nghiệp, bạn bè…
Đổ mồ hôi thứ phát : Thường gây đổ mồ hôi toàn cơ thể. Một số nguyên nhân gây đổ mồ hôi thứ phát như : cường giáp, điều trị các bệnh ác tính bằng nội tiết, mãn kinh, béo phì, rối loạn tâm thần, các bệnh ác tính hệ thống.
Các biểu hiện của đổ mồ hôi tiên phát
Đổ mồ hôi tay : Tăng tiết mồ hôi ở lòng bàn tay, gây khó chịu nhất trong các vùng đổ mồ hôi. Bàn tay được sử dụng trong giao tiếp về mặt xã hội và nghề nghiệp nhiều hơn những vùng khác trên cơ thể. Tăng tiết mồ hôi quá mức ở bàn tay gây hạn chế trong chọn lựa nghề nghiệp. Những bệnh nhân có đổ mồ hôi tay thường ngại tiếp xúc với người khác. Bệnh nhân cảm thấy bàn tay mình ẩm ướt và mát hay lạnh cả ngày. Một số bệnh nhân cũng cảm thấy bàn tay mình thay đổi màu sắc trở thành màu xanh tái hay tím.
Đổ mồ hôi nách gây ướt và làm bẩn áo. Ở những bệnh nhân có nách nặng mùi sẽ gây nên những ức chế về tam lý và tâm thần, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, thường gặp ở những sắc dân châu Á nhiều hơn những sắc dân khác. Đổ mồ hôi ở đầu và mặt : thường đi kèm triệu chứng đỏ rần ở mặt, bệnh nhân cảm giác bối rối và tự ti.
Đổ mồ hôi ở lòng bàn chân : đổ mồ hôi quá nhiều ở lòng bàn chân và có thể kết hợp với tăng tiết mồ hôi ở những vùng khác ở cơ thể.
đổ mồ hôi ở thân và đùi ít gặp có thể kết hợp với tăng tiết mồ hôi ở những vùng khác của cơ thể.
Đặc tính
Bệnh nhân có thể đổ mồ hôi từng đợt hoặc liên tục. Tăng tiết mồ hôi không có triệu chứng báo trước, khi hoạt động thể lực mồ hôi cũng không tiết nhiều hơn. Stress, nhiệt độ ẩm cao là những yếu tố quan trọng gây tăng tiết mồ hôi. Đổ mồ hôi thường cải thiện trong những tháng trời mát và lạnh, đổ mồ hôi tăng nhiều hơn trong những tháng ấm và nóng. Tiết mồ hôi thường ngưng lại trong khi ngủ. Khoảng 25% bệnh nhân đổ mồ hôi có người thân trong gia đình bị triệu chứng tương tự.
Điều trị
Đổ mồ hôi thứ phát được điều trị bằng cách điều trị các nguyên nhân gây đổ mồ hôi. Nếu bệnh nhân đang được điều trị bằng hoocmôn thì nên điều trị bằng kháng estrogen (ciproterone acetate) có thể làm giảm các cơn đổ mồ hôi. Những bệnh nhân tăng tiết mồ hôi tiên phát hay thứ phát từ vừa đến nặng không cải thiện bằng các phương pháp điều trị khác có thể được điều trị bằng các phương pháp sau : Dùng thuốc chống tiết mồ hôi, phương pháp điện ly, các thuốc kháng cholinergics, phẫu thuật.
Thuốc chống tiết mồ hôi
Là phương pháp được đề nghị đầu tiên. Chloride hexahydrate nhôm (20-25%), cồn 90% sử dụng 2-3 lần một tuần vào buổi tối. Tuy nhiên không có hiệu quả kéo dài. Tỉ lệ da bị kích thích cao.
Có thể sử dụng formol 10% kết quả lâm sàng tốt trong vòng 72 giờ, màu sắc da có thể biến đổi thành màu nâu. Chỉ có hiệu quả trên những người đổ mồ hôi từ ít đến vừa và phải lặp đi lặp lại nhiều lần.
Điện phân
Sử dụng nếu điều trị với các thuốc kháng mồ hôi không hiệu quả. Điện phân được sử ddụng để điều trị đổ mồ hôi lòng bàn tay, lòng bàn chân. Dòng điện cường độ thấp (15-18 mA) được áp vào lòng bàn tay và lòng bàn chân nhúng trong dung dịch điện giải. Được lập đi lập lại nhiều lần khởi đầu là mỗi lần 20 phút nhiều lần trong một tuần, dần dần cách khoảng 1-2 tuần. Kết quả thì không hằng định khoảng 70% bệnh nhân đổ mồ hôi nhẹ đến vừa có kết quả tốt, một số bệnh nhân cho rằng phương pháp tốn thời gian, không hiệu quả và đắc tiền. Phương pháp này áp dụng rất khó trong trường hợp đổ mồ hôi ở nách, và không thể được sử dụng trong trường hợp đổ mồ hôi lan tỏa ở thân hay ở đùi. Các hiệu ứng phụ bao gồm bỏng, điện giựt, khó chịu, tê rần, kích thích da (nổi mẩn đỏ hay bóng nước). Tăng tiết mồ hôi xuất hiện ngay sau khi ngưng điều trị.
Điều trị nội khoa
Không có phương pháp điều trị nội khoa đặc hiệu cho chứng đổ mồ hôi. Các thuốc thường được sử dụng là thuốc an thần hay các thuốc kháng cholinergic. Có rất nhiều phản ứng phụ như khô miệng, khả năng điều tiết của mắt giảm, và nhiều phản ứng phụ khác. Điều trị nội khoa thường không được khuyến cáo, để đạt được hiệu quả điều trị cần phải dùng liều cao thì bệnh nhân không dung nạp được. Sử dụng các thuốc kháng cholinergic liều thấp có thể làm giảm tiết mồ hôi và không gây phản ứng phụ trong một vài bệnh nhân đổ mồ hôi ở thân.
Chích Botox
Đây là độc tố của vi trùng Clostridium botulinium, độc tố ngăn chặn tác dụng của acethylcholine ở các điểm nối của thần kinh, gây ra liệt dần dần tất cả các cơ của cơ thể. Độc tố được sử dụng để điều trị co cứng cơ tại chỗ chẳng hạn như sụp mi hay cứng cổ. Các phản ứng phụ bao gồm khô miệng, liệt bàng quang, liệt ruột và phản ứng khác. Thường cần phải lặp đi lặp lại điều trị từ 1-6 tháng
Thôi miên
Một số bệnh nhân được sử dụng thôi miên để điều trị chứng đổ mồ hôi ở tay, tuy nhiên kết quả không mấy khả quan
Laser liệu pháp
Một số bệnh nhân tuyệt vọng điều trị thử phương pháp này. Phương pháp chiếu tia laser trực tiếp vào lòng bàn tay gây phỏng độ 3 nhưng không làm cải thiện chứng đổ mồ hôi.
Xạ trị
Xạ trị liều cao dễ điều trị đổ mồ hôi nách. Phương pháp có thể gây viêm da nặng nề và co kéo da vùng nách
Tâm lí liệu pháp
Có hiệu quả giới hạn trong phần lớn bệnh nhân, các vấn đề về tâm lí thường thường được phát sinh như là hậu quả của chứng đổ mồ hôi chứ không phải là nguyên nhân. Điều trị về tâm thần hay dược lí tâm thần có thể cải thiện được tình trạng đổ mồ hôi tay nhưng chắc chắn là sẽ không điều trị hết bệnh đổ mồ hôi
Các phương pháp điều trị khác
Các loại thuốc, vi lượng đồng cân liệu pháp, xoa bóp, châm cứu, thuốc Đông y không giúp cải thiện bệnh
Cắt bỏ tuyến mồ hôi nách
Cắt bỏ tuyến mồ hôi nách và chỉnh hình da dạng chữ Z. Sẹo phì đại và co rút có thể xảy ra và gây hạn chế cử động của vai
Phẫu thuật nội soi cắt hạch thần kinh giao cảm
Đây là phương pháp lựa chọn cho những trường hợp đổ mồ hôi nặng chỉ được sử dụng trong những trường hợp đổ mồ hôi ở lòng bàn tay, mặt và nách. Phương pháp sử dụng dòng điện hay dao để cắt các đường dẫn truyền xung động thần kinh đến các tuyến mồ hôi ở những vùng vừa kể trên. Các hạch giao cảm là những chỗ nối thần kinh đến các tuyến mồ hôi ở lòng bàn tay, nách và vùng đầu cổ nằm dọc theo 2 bên cột sống trong lồng ngực. Trong quá khứ người ta phải cắt bỏ một xương sườn để thực hiện phẫu thuật này. Ngày nay nhờ có phương tiện phẫu thuật nội soi các phẫu thuật viên chỉ cần 2 đường rạch nhỏ từ 3-5 mm ở 2 bên thành ngực là có thể tiến hành phẫu thuật.
Hiện nay Bệnh viện Đại học Y Dược đã tiến hành được 132 trường hợp phẫu thuật nội soi cắt hạch thần kinh giao cảm qua lồng ngực để điều trị chứng đổ mồ hôi tay. Kết quả bước đầu rất tốt, tuy phần lớn bệnh nhân có hiện tượng tăng tiết mồ hôi bù trừ ở những vùng khác như : nách, ngực, lưng và 2 chi dưới, hầu hết bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị vì lòng bàn tay không còn đổ nhiều mồ hôi như trước nữa.