Dùng thuốc gì để da không bị khô?

[:)]
Trả lời 16 năm trước
Khô da là một biểu hiện rất hay gặp. Bình thường, cơ thể luôn có sự mất nước từ bên trong qua da. Vào mùa thu, mùa đông, khi thời tiết trở nên khô hanh, hoặc khi ở lâu trong phòng điều hòa..., sự mất nước này lại càng tăng mạnh. Vì khô da có nhiều biểu hiện khác nhau, ở nhiều vị trí khác nhau nên cách điều trị cũng không giống nhau. [b]Khô da toàn thân[/b] Da khô là khi lớp thượng bì trên cùng trở nên khô, nhăn nheo, đôi khi bong hàng lớp tế bào da chết trông như da bị mốc. Da toàn thân khô ở nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ thì ta chỉ cảm thấy da khô, nhăn nheo vào mùa thu - đông. Nặng thì da khô quanh năm và tăng lên vào mùa đông, nhiều trường hợp da trông xù xì, sờ vào thô ráp. Tuổi càng cao, lượng nước trong cơ thể càng giảm nên da càng trở nên khô hơn. Nhiều người bị ngứa trên nền da khô dù không có tổn thương gì và chính vì gãi làm xuất hiện các tổn thương da. Da khô toàn thân hay gặp ở những người bị viêm da cơ địa, xơ cứng bì, vảy cá, viêm da tróc vảy, hoặc ở các thành viên của các gia đình mắc bệnh cơ địa dễ dị ứng... [b]Chăm sóc da khô[/b]: Không tắm nước nóng quá, không tắm lâu quá. Ngày chỉ tắm rửa một lần. Kiêng: gãi, kỳ cọ mạnh, chà xát bằng khăn hoặc xát chanh, xát muối, xà phòng. Không lấy bàn chải cọ lên da. Có thể tắm bằng nước chanh hòa loãng hoặc sữa tắm làm dịu da như physiogel hoặc xà phòng dành cho da khô như oilatum. [b]Điều trị: [/b]Sau khi tắm rửa có thể bôi các chế phẩm làm ẩm da như cream vitamin E, lacticare... Với vùng da bị viêm sần sùi, ngứa có thể bôi một trong các chế phẩm có steroid như: flucinar, fobancort... ngày một lần vào buổi tối trong 1-3 tuần tùy theo chỉ định của bác sĩ. Khi bị khô da phải uống nhiều nước, ăn thêm hoa quả, rau xanh. Có thể uống một đợt vitamin E hoặc vitamin C theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. [b]Khô da mặt, môi[/b] Càng rửa mặt nhiều, càng chà mạnh thì da càng khô, kèm theo thường bị khô môi. Một số người về mùa đông hay bị khô da ở vùng mặt hoặc môi. Nếu nhẹ thì chỉ thấy da căng hơn, hơi đỏ lên sau khi rửa mặt, đôi khi cảm thấy hơi ran rát. Nếu nặng thì da mặt luôn bị đỏ, căng rát, có bong vảy từng điểm hoặc bong một lớp vảy da phấn nhẹ trên toàn bộ da mặt. Nếu nặng thì môi bị nứt nẻ, căng rát, bong những vảy lớn. Nhiều trường hợp có các vết nứt sâu hoặc cứ cố bóc vảy đi thì sẽ bị chảy máu. Bệnh nhân bị đau khi ăn uống, há miệng khó khăn. [b]Chăm sóc da mặt:[/b] Không nên dùng mỹ phẩm khi da khô nhiều và có kèm theo viêm da. Không rửa mặt bằng nước nóng. Ngày chỉ rửa mặt từ 2-3 lần. Kiêng chà xát bằng khăn hoặc xát chanh, xát muối, sữa rửa mặt thông thường. Có thể rửa mặt bằng nước máy sạch hoặc sữa rửa mặt làm dịu da như physiogel. [b]Điều trị:[/b] Tuyệt đối không tự ý bôi lên mặt các chế phẩm như: trangalar, cortebios, flucinar, synalar, gentrison, diproson, halog, diprosalic, kem tự pha chế (có trangalar, aspirin, vitamin B1, kem sâm...), một số kem đông y, một số loại kem không rõ nguồn gốc... để chữa nẻ hoặc chữa viêm da vì các chế phẩm này có rất nhiều tác dụng phụ. Hầu hết các chế phẩm này có chứa một hoạt chất chống viêm là steroid. Nếu bôi trong vòng 3-5 ngày đầu thì da sẽ đỡ nẻ, đỡ sần sùi, đỡ bong vảy. Nhưng nếu tiếp tục bôi thì hoạt chất steroid sẽ kích thích mọc nhiều mụn trứng cá và da trở nên sần sùi như vỏ cam sành. Hoạt chất này còn gây teo da, giãn mạch làm cho da mặt bị mỏng đi, luôn đỏ lên và có thể nhìn thấy các mạch máu nhỏ li ti dưới da. Da trở nên kém chống đỡ với môi trường, hay bị rát hoặc ngứa khi ra trời nắng, gió hoặc tiếp xúc với nước mưa. Chú ý uống nhiều nước, ăn thêm hoa quả, rau xanh. Có thể uống một đợt vitamin E hoặc vitamin C theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Có thể bôi các chế phẩm làm ẩm da như: cream vitamin E, lacticare... Nếu có viêm da thì chỉ được bôi các chế phẩm chống viêm nhẹ như C - mycine, foban, erythrogel... [b]Chăm sóc môi bị nẻ: [/b]Kiêng liếm môi, bóc vảy, hạn chế tiếp xúc với nước. Có thể bôi các chế phẩm làm ẩm da như cream vitamin E hoặc thuốc chữa bệnh nhưng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. [b]Nứt nẻ bàn tay, bàn chân[/b] Những người mắc bệnh viêm da cơ địa hoặc các thành viên trong gia đình có cơ địa dễ dị ứng hoặc những người do nghề nghiệp, công việc phải tiếp xúc với các chất tẩy rửa, nước... hay bị khô và nứt nẻ bàn tay, bàn chân. Da bàn tay, bàn chân luôn bị khô, thô ráp. Về mùa đông da càng khô tăng lên, lớp tế bào sừng phía ngoài cùng dày lên, bong vảy từng điểm một. Dần dần bong vảy tăng lên và các điểm liên kết với nhau tạo thành từng mảng lớn hoặc toàn bộ lòng bàn tay, bàn chân bị đỏ lên bong vảy. Nền da ở dưới có thể ẩm ướt, có các mụn nước do viêm kèm theo hoặc nền da đỏ khô. Khi bóc lớp vảy trên bề mặt đi ta thấy nền da ở dưới đỏ hồng, nhăn nheo. Nếu bệnh nhân không chăm sóc da đúng cách hoặc bong da nhiều thì có thể xuất hiện các vết nứt nẻ da. Nếu nứt sâu thì có thể gây chảy máu. Thường thì bệnh nhân không ngứa nhưng nếu có viêm da nhiều thì bệnh nhân bị ngứa. Kèm theo bệnh nhân có thể bị các tổn thương viêm da ở các vùng da khác trên cơ thể. [b]Chăm sóc da:[/b] Về ăn uống không cần kiêng nhưng phải tránh một số động tác như: bóc vảy, gãi, chà xát, ngâm nước, và kiêng xà phòng. Hạn chế rửa tay, ngày chỉ nên rửa chân một lần khi tắm và lưu ý luôn giữ chân tay khô ráo. Có thể chỉ cần rửa tay chân bằng nước máy sạch và cũng có thể dùng các xà phòng rửa tay, chân làm ẩm da, dịu da như oilatum, physiogel... [b]Điều trị tại chỗ:[/b] Có thể bôi các chế phẩm làm mềm da, ẩm da, dịu da ngày vài lần như cream vitamin E, lacticare, bridge heel balm... Cũng có thể bôi một trong các chế phẩm có steroid như: flucinar, gentrison, diproson, fobancort... ngày một lần trong 1-3 tuần. Không tự ý bôi các chế phẩm này dài ngày quá hoặc không theo chỉ định của bác sĩ vì có thể gây teo da. Nếu có mụn nước nhiều, ngứa nhiều kèm theo nền da viêm thì phải dùng một đợt thuốc kháng sinh và một trong các thuốc kháng histamin như: phenergan hoặc loratadin, có thể uống một đợt vitamin E hoặc vitamin C theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Cần uống nhiều nước, ăn thêm hoa quả, rau xanh. [right]TS. Nguyễn Thị Lai[/right]