Bánh chưng xanh
Gạo gói bánh chọn nếp ngon thì bánh mới dẻo, thơm, để lâu ngày không bị lại gạo.
Tuỳ theo đặc điểm từng vùng có thể thêm bớt gia giảm nhân bánh, nhưng thông thường có: thịt, đậu, hành khô, hạt tiêu. Nhân bánh phải là thịt ba chỉ, đậu xanh thứ tốt, hành khô thái lát. Dù thời gian nấu bánh lâu (khoảng 14 tiếng) nhưng muốn nhân ngon, đậu xanh phải hấp chín trước, sau đó giã nhỏ, vắt thành từng nắm con để khi gói cho vào bánh cùng với thịt và hành.
Để có được chiếc bánh có màu xanh mướt mắt, khi gói lớp trong để mặt láxanh tiếp ráp với gạo. Bánh phải vuông vắn, đầy đủ góc cạnh thì khi đặt lên đĩa mới đẹp. Gói bánh hơi chặt tay vì nếu lỏng sau khi luộc sẽ nát, còn nếu quá chặt, hạt gạo nở ra làm bánh nát hay bục lá gói.
Có thể dùng khuôn để đóng gói, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người gói bằng khuôn sẽ không vừa độ chặt nên khi luộc bánh dễ bị nứt.
Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa qua nước lã để làm sạch chất nhờn sẽ lâu bị thiu. Sau đó đến công đoạn ép cho bánh chặt, dùng một tấm ván đặt lên những chiếc bánh xếp trên cùng một mặt phẳng và để các vật nặng lên trên. Như vậy khi cắt bánh ăn không nát lại dẻo, cắn vào miệng bánh thơm lại bùi.
Dưa hành
Bánh chưng dẻo, béo, ăn dễ ngán đã có đĩa dưa hành chua chua, giòn giòn, khiến cho người thưởng thức ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn. Có lẽ câu “bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành”… cũng xuất phát từ đây.
Để có lọ dưa hành muối ngon, các bà nội trợ phải chuẩn bị từ rất sớm, trước Tết 15-20 ngày. Hành củ tươi được lột vỏ ngoài, rửa sạch. Một số người để nguyên cả vỏ muối, khi dọn ra đĩa mới bóc lớp vỏ ngoài.
Chọn loại hành tím thì mới cay và thơm ngon. Trước khi muối, ngâm hành vào nước gạo vài ngày để giảm bớt độ cay. Sau đó vớt ra, rửa sạch, để cho ráo nước. Kỹ thuật muối hành cũng rất đơn giản, chỉ cần pha nước sôi hơi ấm với một lượng muối vừa phải, cho thêm vào một ít đường, hoà tan rồi cho hành vào nén lại.
Không chỉ có bánh chưng, dưa hành mà mâm cơm tết của người Bắc còn đậm đà hương vị của món ngon xứ Bắc. Đó là đĩa gà luộc vàng ươm với những miếng thị béo mềm, thơm hương vị đặc trưng của gà ri xứ Bắc. Đó là khoanh giò lụa mịn như nhung được cắt làm 8 xếp khéo như một cánh hoa, ồng trắng trắng, chỉ cắn một miếng thôi cũng thấy ngọt dịu nơi đầu lưỡi bởi hương vị ngọt tự nhiên của thịt, vị thơm của nước mắm và hơi cay của hạt tiêu. Ngoài giò lụa còn có giò thủ với vị giòn tan của miếng mộc nhĩ, vị thơm đặc trưng của cánh nấm hương. Mấy năm gần đây người ta còn làm cả giò tai bằng giò sống trộn với ti lợn, nấm hương ăn rất thơm và ngon.
Không thể không nhắc tới món xào lăn bằng hoa lơ xanh, trắng với thịt bò hoặc thịt lợn thái mỏng điểm xuyết những bông cà rốt tỉa hình cánh hoa màu đỏ trông vừa vui mắt vừa đưa com hay làm món nhậu khai vị.
Bát canh măng, canh bóng cũng là hai loại canh truyến thống của người Bắc. Miếng bóng bì hay còn gọi là da lợn sau khi được làm sạch trở thành một món ngon đặc biệt khi được nấu cùng với nước xương hầm, giò sống viên, tôm nõn, thịt nạc, trứng cút, thả them vài lát hoa lơ màu xanh, màu trắng, Nước canh vẫn giữ được độ trong nhưng khi nếm vào mới cảm nhận được hết hương vị của rau, củ, quả, thịt trắng trong đó.
Tùy thuộc mỗi nơi, thành thị hay nông thôn mà mâm cỗ Tết của người Bắc được thêm bớt vài món. Đặc biệt là mâm cỗ Tết của người Hà Nội ngày xưa thì thực sự là một nghệ thuật ẩm thực. Mâm cỗ Tết cổ truyền của người Hà Nội đủ lệ bộ là bốn bát, sáu đĩa. Bát bóng nấu với chân tẩy, thịt lợn nạc và nước dùng gà, thêm ít tôm nõn. Chân tẩy là các loại củ như su hào, cà rốt được thái mỏng theo hình hoa cho ngon và đẹp mắt. Bát miến nấu lòng gà. Bát măng kho ninh với chân giò điểm vài củ hành hoa lên trên. Còn sáu đĩa là: đĩa xôi, thịt gà luộc, thịt đông, đĩa xào, đĩa giò lụa (hoặc giò xào) cá kho riềng, thêm đĩa nộm và dưa hành trắng muốt.
Một số nhà giàu có ở Hà Nội xưa, còn có thêm một số món ăn cao cấp như: long tu, măng tây, vây, bóng thủ, nấm thả, chim hầm... Ngoài thịt gà luộc còn có gà rán hay thịt kho tàu, hạnh nhân xào, lạp xưởng, trứng muối, đĩa nộm bằng rau câu trộn với thịt. Người Hà Nội vốn chuộng hình thức, nên mâm lễ ngày Tết được bày biện khéo và đẹp mắt. Đĩa xôi gấc đỏ tươi, các món nấu được rắc hành, rau thơm lên trên xanh mướt. Đĩa nộm nhiều màu sắc hài hòa, rau mùi xanh, ớt đỏ, lạc rang vàng và su hào trắng, chỉ nhìn củng thấy ngon. Đó là mâm cỗ Tết của người Hà Nội, không chỉ ngon, bổ, mà nói như các cụ là còn được "Ăn cả bằng mắt".
Đó là những món ngon trong mâm cỗ tết xưa. Còn ngày nay do bận rộn nhiều thứ và nhất là xu hướng tết là ngày nghỉ ngơi, đi chơi, thăm bạn bè nền việc chuẩn bị các món ăn cũng có phần đơn giản hơn, nhiều gia đình mua sẵn đồ ăn đã chế biến trong các cửa hàng, siêu thị. Cũng là bánh chưng, măng miến, giò chả, gà luộc nhưng trong mâm cỗ tết hiện đại còn xuất hiện cả những món như xúc xích, giăm bông, thịt xông khói trước là để cúng tổ tiên sau là để phục vụ cho những cuộc nhậu của gia đình, bạn bè. Dù là món mới hay món truyền thống thì điều quan trọng nhất vẫn là nhà nhà, người người được đoàn tụ, quay quần bên nhau ăn uống, cười nói. Đó mới là điều đáng quý và đán trân trọng.
Ẩm thực ngày Tết là những nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Sự cầu kỳ, tinh tế được thể hiện ở từng món ăn được chế biến công phu từ những nguyên liệu đặc trưng cho nền văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Sự kết hợp các món ăn lại với nhau một cách hòa hợp chẳng hạn bánh chưng, giò chả phải ăn kèm với dưa món, thịt kho ăn chung với dưa giá, tận dụng thời tiết se lạnh mùa xuân làm ra món thịt đông. Tất cả tạo nên một mâm cỗ Tết đặc sắc.
Bánh chưng
Là loại bánh đặc trưng và điển hình nhất trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Truyền thuyết và ý nghĩa của loại bánh này thì chắc ai cũng biết: “Gạo là thức ăn nuôi sống người, gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng cho Trời Đất. Lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Ý nghĩa này và các nguyên liệu để làm ra nó thấm đượm sự tinh tế, sâu sắc của tâm hồn Việt. Nguyên liệu chính để làm bánh là nếp, đậu xanh, thịt lợn, đặc trưng cho một nền kinh tế lúa nước nông nghiệp. Cách chế biến, gói, luộc bánh thể hiện tính cộng đồng cao. Cả nhà quây quần gói bánh, canh bánh trong không khí náo nứt của những ngày cận tết, thật là những ký ức khó quên.
Nguyên liệu để gói bánh thường là lá dong tươi, chọn lá dong rừng bánh tẻ, to bản, đều nhau, không bị rách, màu xanh mướt. Gạo nếp nguyên liệu chính của món bánh được chọn lựa kỹ càng từ những loại nếp ngon thượng hạng hạt to, tròn dẻo đều, vừa mới thu hoạch mới tạo mùi vị thơm ngon cho bánh. Đậu xanh được lựa chọn công phu phải là loại hạt tròn, lòng vàng nguyên hạt thì bánh mới ngon và đẹp mắt. Thịt heo phải chọn thịt ba rọi để bánh không quá khô mà lại có vị béo đậm đà. Gia vị có các loại hạt tiêu, hành củ dùng để ướp thịt làm nhân, muối dùng để trộn vào gạo, đỗ xanh và ướp thịt. Đặc biệt thịt ướp không dùng nước mắm vì bánh sẽ chóng bị ôi, thiu.
Bánh sau khi gói sẽ đem luộc trong thời gian dài thường trên 10 tiếng, phải để lửa liu riu, bánh mới ngon. Khi lấy bánh ra các hạt gạo mềm nhừ, vị thơm bùi, béo của đỗ xanh và thịt chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị độc đáo mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.
Thịt kho hột vịt
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Màu sắc đặc trưng của món
thịt kho. Nguồn: Images.
Câu đối ngày xưa đã nói lên tất cả những thứ làm nên cái Tết đẹp và sung túc của người Việt. Ngày nay, có lẽ một trong những thứ ấy đã dần bị thay thế nhưng t"hịt mỡ" mà đại diện là nồi thịt kho tàu trong ba ngày Tết là món không thể thiếu ở bất cứ gia đình Nam Bộ nào.
Món thịt kho được chế biến công phu với gia vị và thời gian chế biến để làm ra món thịt đậm đà, mềm béo hòa quyện vào nhau cùng với vị ngọt bùi của trứng. Thịt heo để kho thịt phải là thịt heo loại ngon, thịt săn chắc, không quá nhiều mỡ, ướp thịt với muối, tiêu, đường, nước mắm, tỏi băm nhuyễn.
Bí quyết để tạo ra món thịt thơm ngon, màu hổ phách đặc trưng không quá đậm, cũng không quá nhạt là hầm thịt với nước dừa và không dùng nước hàn. Nước dừa nấu sôi, cho thịt đã ướp vào, vớt hết tỏi nổi lên để thịt không bị hăng, để lửa liu riu trong khoảng 3 đến 4 tiếng cho thịt mềm và ngấm gia vị, sau đó cho hột vịt luộc đã bóc vỏ vào, dùng tăm xăm vài lỗ trên mặt trứng để nước thịt ngấm vào trứng, vậy là hoàn tất. Nồi thịt kho đúng chuẩn là thịt mềm nhưng không nát, khi ăn mỡ trong thịt tan đều trong miệng, vị béo lan tỏa kèm chút dưa giá chua ngọt giải béo, ăn kèm với cơm nóng hay cuốn bánh tráng thật là một mỹ vị ngày Tết khó quên.
Thịt đông
Nếu món thịt kho là không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết ở các gia đình Nam Bộ thì món thịt đông là đặc trưng cho ngày Tết xứ Bắc. Thịt đông, dễ nấu và dễ ăn, cũng là thịt nhưng không quá ngấy, chế biến món này đơn giản không cầu kỳ như những món Tết truyền thống khác. Đơn giản là nấu thịt rồi để đông, nhưng có nhiều cách nấu với nhiều loại thịt, nguyên liệu, cách trình bày tùy thích.
Nguyên liệu chính có thể là thịt heo nạc chân giò, mọc, thịt gà đi kèm với nấm mèo, nấm đông cô, nấm rơm,cà rốt, củ cải, hành tây… Tùy ý thích người nấu, nhưng nguyên liệu không thể thiếu cho món thịt đông là da heo. Nguyên tắc để làm thịt đông được là nhờ vào chất gelatine có trong da heo. Để món đông ngon và không quá béo thì nên lạng sạch lớp mỡ nằm dưới da heo. Món đông mềm hay cứng là tùy thuộc vào lượng da heo nhiều hay ít.
Trong quá trình ninh thịt phải canh lửa và vớt bọt để nước được trong dù là thịt gà hay thịt heo. Nguyên tắc nêm nếm thịt đông là nêm lạt, chút muối, chút đường, tí tiêu là đủ tạo vị ngọt thanh của nước dùng.
Phần trình bày, đơn giản nhất là cho thành phẩm vào khay rồi để vào tủ lạnh nhưng với thời tiết lạnh xứ Bắc đã đủ làm nồi thịt đông rồi. Khi ăn lấy dao cắt miếng. Có thể cho vào từng chén nhỏ để tiện lấy ra ăn, kiểu cọ hơn, cho vào khuôn có hoa văn, hình dáng đẹp. Thịt đông ăn với dưa cải chua cùng cơm nóng bên chén nước mắm cay hít hà đủ làm ấm lòng cho những ngày xuân giá rét, thật đúng nghĩa Tết Bắc.
Dưa món
Ngày tết với các món ăn nhiều mỡ giàu, đạm thì vị giòn, chua của dưa món để trung hòa là món ăn không thể thiếu được dù ở bất cứ miền mào, dù cách chế biến và nguyên liệu có phần khác mang tính đặc trưng của từng miền.
Nếu ở miền Nam thì có món dưa giá, cải chua và củ kiệu. Làm món dưa giá rất đơn giản, chỉ cần lựa giá cọng trắng, thon, dài, cà rốt thái sợi, hành hẹ cắt khúc tất cả trộn đều đem ngâm với nước ấm pha chút muối, đến ngày hôn sau là đã có món chua ăn kèm với thịt kho hay cuốn bánh tráng.
Món cải chua thì công phu hơn một tý, củ cải mua về cắt khúc vừa bằng nửa ngón tay phơi nắng cho héo, sau đó xếp vào keo cho hỗn hợp nước mắm đường theo tỷ lệ 2 mắm:1 đường và một chút phèn chua để cải giòn. Để vài ngày cho cải thấm gia vị là ăn được.
Món củ kiệu là cầu kỳ nhất, kiệu phải ngâm trong nước tro một đêm cho bớt mùi hăng, sau đó lột vỏ, cắt rễ, phơi nắng cho héo, xếp kiệu vào keo cho giấm nấu tan với đường vào. Món kiệu chua này đặc biệt tốt cho tiêu hóa, kích thích vị giác giúp ăn ngon miệng hơn.
Miền Trung thì có món tôm chua Huế rất đặc trưng. Với nguyên liệu chính là tôm cùng với các gia vị như ớt, tỏi, gừng, riềng, muối. Tôm phải chọn loại vừa không lớn quá cũng không bé quá, cắt râu, rửa sạch để ráo, ngâm với rượu để khử mùi và tạo độ thơm thịt cho tôm. Ướp tôm với tất cả gia vị nêu trên cho vào lọ thủy tinh, gài thanh tre lại, đậy nắp, để nơi có nắng ấm độ 3 ngày rồi đưa vào nơi khô ráo và mát từ 5 đến 7 ngày, thế là đã có một lọ tôm chua đỏ hồng, thơm phức.
Miền Bắc thì có món dưa hành khá nổi tiếng, là một trong ba món ẩm thực không thể thiếu ngoài thịt mỡ và bánh chưng xanh như câu ca dao lưu truyền. Nguyên liệu chính là hành già, để vỏ cắt đuôi, chừa lại rễ, sau đó ngâm hành vào nước tro trong 2 ngày 2 đêm để chắc củ và cho hành bớt hăng. Tiếp theo, vớt hành ra, cắt bỏ rễ, lột vỏ rồi xếp hành vào khạp, rải muối, bỏ một lớp mía chẻ mỏng, rồi đến lớp hành, từng lớp như thế, cuối cùng gài lại bằng những vỉ tre. Sau 2 tuần, có thể lấy hành ra rửa bằng nước ấm rồi cho vào keo thủy tinh, cho nước dấm đường nấu sôi, để nguội vào. Khoảng 3 ngày là ăn được.
Giò chả
Là món ăn phổ biến cho ngày tết bận rộn, khách đến nhà chỉ cần lấy miếng giò chả treo nơi góc bếp, cắt miếng vừa ăn, xếp ra đĩa cùng với dưa món, vậy là có món ngon, đơn giản đãi khách.
Có ba loại giò đặc trưng và phổ biến là giò lụa, giò bò và giò xào. Mỗi loại giò đều có một hương vị riêng nhưng điều quan trọng để món giò thực sự hấp dẫn là mùi thơm của lá chuối và vị nước mắm ngon quyện trong miếng giò.
Giò lụa làm từ thịt heo nạc loại ngon, thịt tươi, sờ còn ấm tay, đem giã liên tục đến khi thịt nhuyễn. Gia vị nêm vào phải chọn loại nước mắm ngon và thơm. Khi xắt ra, khoanh giò có màu trắng ngà, bề mặt có một vài lỗ rỗ mới là cây giò lụa ngon.
Giò bò có cách chế biến cũng như giò lụa nhưng nguyên liệu là thịt bò. Cây giò bò ngon khi xắt ra có màu hơi hồng của thịt bò, thêm mỡ trắng. Đặc biệt vị cay và mùi thơm của hạt tiêu làm dậy mùi thơm đặc trưng của miếng giò bò.
Giò xào hay còn gọi là giò thủ giò là món dễ làm và không tốn nhiêu công phu chế biến như 2 món giò trên. Nguyên liệu chính của giò xào là các bộ phận ở phần thủ con heo như: Tai, mũi lưỡi, má heo… và không thể thiếu mộc nhĩ. Các nguyên liệu được sơ chế sạch, trần qua nước sôi, xắt miếng mỏng, ướp gia vị, hạt tiêu rồi mới đem xào chín. Sau khi gói giò xong cho vào ngăn mát tủ lạnh, chất dính của nguyên liệu xào sẽ keo lại. Giò xào ngon là cây giò gói chặt tay, các nguyên liệu xào không bị khô vì xào quá tay, ăn sẽ giòn và có mùi thơm của gia vị.
Gà luộc
Ngày tết là dịp gia đình sum họp nhưng cũng là dịp để hướng về nguồn cội, ông bà tổ tiên. Món gà luộc để cúng cho ngày cuối và đầu năm là không thể thiếu cho bất cứ mâm cỗ cúng tết nào.
Đây là món đơn giản dễ làm, gà phải là loại gà ta thịt mới dai, không bở, chọn con vừa ăn không quá non cũng không quá già tầm chừng 1,3 kg. Cho gà vào nước luộc thêm tý hạt nêm cho thịt đậm đà. Để nước sôi vài dạo, da gà săn lại, dùng đũa xăm gà thấy không có nước hồng chảy ra là thịt đã chín. Để gà luộc trông mộng, màu da tươi tắn thì sau khi vớt ra, nên nhúng ngay vào nồi nước sôi để nguội, nước lạnh càng tốt. Đến lúc gà nguội hẳn mới lấy ra đĩa. Nếu không, da gà sẽ bị khô và xỉn màu. Da gà vàng ươm, thịt thơm dai là món gà luộc đã đạt yêu cầu. Món gà luộc thường ăn chung với lá chanh, rau răm, hành tây, muối tiêu.