Tôi mới đi học lái xe và lấy bằng. Trong bài thi có kiểm tra cách đề-pa lên dốc chỉ dùng phanh chân - không dùng phanh tay (Văn Hòa).
Tuy nhiên khi tôi nói lại chuyện này với người bạn thì anh ấy bảo về mặt kỹ thuật phải dùng phanh tay - đạp côn - vào số - nhấn ga - rồi từ từ thả phanh tay.
Xin các bạn có kinh nghiệm cho hỏi về mặt kỹ thuật có thể đi xe đề-pa bằng hai cách như trên không? Nếu có, thì đề pa cách nào an toàn, không hại xe? Trường hợp sử dụng cho mỗi cách?
Chúng tôi không đồng nhất ý kiến nên rất muốn tham khảo các bác có kinh nghiệm
Nguồn: vnexpress
Cách chuẩn và cách thực tế
Chào bạn,
Trước hết, bạn không cần quan tâm đến hại xe, vì việc đó là bắt buộc hại côn một chút so với đi đường bằng và nhà sản xuất đã dự tính. Bạn chỉ cần quan tâm đến an toàn (tức không trôi xe). Cách chuẩn là cách mà tất cả các sách hướng dẫn đều ghi là dùng thắng tay.
Tuy nhiên, thắng tay thường dẫn đến thao tách chậm, khi ra đường hay bị các xe sau hối bằng còi nên khi đã quen xe thì người ta thường dùng thắng chân cho nhanh.
Nguyên tắc chung là nhả côn cho xe "rùng mình" thì buông thắng, hầu hết các loại xe đều tự bò lên, còn nếu dốc hơi cao (trên 20 độ) thì buộc phải đệm ga ngay khi xe vừa tụt khoảng <20cm. Trong cả 2 cách đều giữ nguyên chân côn như lúc xe vừa rùng mình, chỉ khi nào bạn đã đạp đủ ga chạy đều lên dốc mới từ từ nhả côn cho đến hết.
Nếu bạn đi thi thì nên dùng thắng tay mới khỏi rớt, còn dùng thắng chân thì do bạn chưa quen xe rất dễ bị trôi.
Chúc bạn may mắn.
Đề-pa bằng phanh chân...
Hồi đi học lái em cũng nghe mấy thầy nói về kỹ thuật này, nhưng bảo chỉ có mấy chú tài già và quen xe thì làm ngon thôi. Còn đề pa phanh chân trong trường lái thì làm trên u oát ( UAZ) đc, vì chân ga xe này cấu tạo thấp sát sàn, khi đề pa dùng mũi chân phải giữ chân phanh, còn gót chân tỳ lên ga mà lên được ^^
Tùy vào từng thời điểm bạn à !!
Gửi bạn. Vấn đề ở đây không nằm ở việc sử dụng phanh tay hay phanh chân mà nằm ở hoàn cảnh bạn đang gặp.
_ Bạn dừng ngay dốc quá lâu (có thể do kẹt xe chẳng hạn) thì buộc lòng phải kéo phanh tay, rồi khi muốn lên dốc thì đạp côn, vào số, nhấn ga và nhả phanh tay.
_ Nhưng khi bạn chỉ dừng lại ngay dốc trong khoảng thời gian ngắn, khoảng 30s -1 p chẳng hạn thì mình sử dụng thắng chân rồi đạp côn giữ thắng chân, nhả côn từ từ cho lên ga, sau đó nhả thắng chân từ từ cho xe qua dốc.
Cách thực hiện
Trước tiên, tới ngang dốc cầu, bạn dừng hẳn xe, trả về số 0, kéo thắng tay lên, sau đó đạp hết côn vô số 1 (đừng nhả thắng tay), bạn lên ga sao cho tốc độ động cơ(vòng trên phút) từ 1000-4000 sao cho bạn cảm thấy xe chồm lên phía trước, lúc này nhả thắng tay. Xe sẽ nhẹ nhàng qua dốc mà không sợ bị tuột dốc. (Lưu ý: không lên ga quá 4000 vòng trên phút (bị trừ điểm).
Chúc thành công.
Khi dừng xe giữa dốc thì về nguyên tắc bạn phải kéo phanh tay, vì trước đó để dừng xe bạn phải đạp phanh chân nên chân bạn vẫn để ở phanh => an toàn. Trước khi xe chuyển động, thao tác cuối cùng là nhả phanh tay.
Do đó,về kỹ thuật bạn phải dùng phanh tay để đề -pa. Trên thực tế, khi đường tắc, xe bạn phải nhích, dừng, nhích, dừng liên tục nên Tôi (lái xe lâu năm) và các Bác tài khác đều dùng phanh chân.
Kinh nghiệm thực tế Tôi khuyên bạn là nên tập đỡ côn cho thật tốt để dễ xử lí khi đi đường đông, tắc, khi quay đầu xe ở chỗ đường đông.
Chúc bạn tự tin,an toàn khi lái xe.
Kinh nghiệm của tôi
Tôi học cả 2 kiểu đề pa, dùng cả phanh chân và tay. Thông thường tôi thấy dùng phanh chân thì tiện hơn vì ít thao tác, tuy nhiên tùy từng loại đường cụ thể mà đi. Sau đây là một số ví dụ điển hình:
Xe bạn có động cơ khoảng 1.5 thì nên dùng phanh tay: kéo phanh tay ( thả phanh chân) - đạp ga khoảng 2500 vòng- từ từ nhả phanh tay- giữ nguyên chân ga ( có thể kéo thêm nếu bạn cảm giác xe ko đủ lực để lên dốc)- thả phanh tay. Đấy là với xe có động cơ yếu thôi. Hoặc trong trường hợp gặp tắc đường ở những nơi đường hơi dốc, nên kéo phanh tay và đề pa, vì theo kinh nghiệm của tôi, đôi lúc chân bạn để quá lâu ở phanh chân sẽ mất cảm giác, và có thể xe đang trôi ngược mà ko biết, nên tốt nhất là dùng phanh tay.
Trường hợp thứ 2 là dùng cách đề pa bằng phanh chân, dễ hơn nhiều, và thường máy của bạn nên ở mức từ 2 chấm trở lên. Thông thường đường thành phố ko có nhiều đoạn đường dốc đến mức phải dùng phanh tay, theo tôi là như thế, nhưng cũng như đã nói ở trên, nếu gặp đoạn tắc đường mà đường hơi dốc và trong thời gian dài, bạn nên dùng phanh tay và đề pa cho dù máy khỏe hay yếu. Nếu mới lấy bằng như của bạn, bạn nên tìm người có kinh nghiệm đi cùng xe trong một vài lần đi, bạn sẽ tự mình linh động hơn giải quyết từng trường hợp.
Đấy là một số kinh nghiệm khi đi xe của tôi.
Mình lái xe 5 năm khi lên những chỗ không dốc lắm thì chỉ dùng côn ,ga và phanh chân để sử lý, thao tác nhanh hơn và nếu cảm thấy tự tin. Khi gặp những dốc cao, khó hơn nữa là lại là dốc cua, trơn và dài,ngoắt ngoéo, lại lạ nữa thì không thể không dùng đến phanh tay,phòng tránh những khi lúng túng như lái xe mới chưa căn được điểm côn, côn mòn không ăn xe sẽ bị trôi...
Vậy phanh tay vừa hỗ trợ vừa bảo đảm cho việc vượt dốc được an toàn, mà học/ trả thi bằng lái xe không thể bỏ qua được, việc thầy nói không chỉ có thể hiểu như một câu đánh đố để thử tài của học sinh
Góp ý
Ngừng xe trên đường dốc bạn phải dùng phanh tay và cài số 1 (trừ xe hộp số tự động). Khi khởi hành trở lại (depart) đối với những bạn mới lái xe thì nên đạp từ từ chân ga đến lúc lực kéo tới đủ mạnh cũng là lúc đầu xe chồm lên thì thả phanh tay xuống.
Dùng phanh chân trong trường hợp này xe không đủ nhanh xe sẽ bị tụt dốc có thể đụng vào xe sau... chúc bạn lái xe an toàn.
Tuỳ khả năng của bạn
Theo kinh nghiệm của mình thì:
- Nếu xe của bạn công suất tương đối mạnh (từ 1.6 trở lên) thì chỉ cần nhả chân côn và khi thấy máy hơi run thì thả chân thắng lúc xe đã bắt đầu chuyển động rồi không phanh tay đâu
- Còn nếu xe của bạn công suất tương đối thấp (từ 1.1 trở xuống) như mấy chiếc Kia CD5 (mình đã từng đi xe này) thì bạn cần sử dụng thêm thắng tay còn nếu đã quen ga và thắng của xe thì cũng chỉ cần dùng cách 1 thôi.
Tôi có cách này hiệu quả và đơn giản cho bạn!
Chào bạn!
Theo các ý kiến trên về dùng phanh tay tôi đều đồng ý. Đó là chắc ăn và cơ bản, tuy nhiên nếu dùng phanh tay mãi thì rất chậm, trong tình hình xe đông mà xử lý chậm thì bị còi rú phía sau càng làm bạn mất tự tin. Tôi có ý kiến thêm về mặt kinh nghiệm không dùng phanh tay(cả lý thuyết khi đi học thầy cũng dạy) như sau:
Đạp phanh chân (bỏ phanh tay), đạp côn, vào số 1 rồi nhả côn từ từ (đến khoảng 1/3 côn, không được nhả nhanh) lúc này bạn sẽ thấy kim đồng hồ RPM sẽ tụt xuống 1 tý và cảm nhận được bánh răng hộp số bắt đầu ăn (tinh hơn bạn có thể cảm thấy xe hơi rung lên). Tiếp đến bạn nhả phanh chân và chuyển sang rà ga nhẹ đảm bảo không bao giờ trôi.
Tuỳ theo từng độ dốc mà chuyển chân từ phanh sang Ga nhanh hay chậm, càng cao thì phải chuyển càng nhanh. tuy nhiên nếu đường dốc quá cao thì bạn phải chọn cách chắc ăn nhất là dùng phanh tay.
Theo tôi bạn nên chọn cách này và bạn hãy chọn 1 con dốc rồi thực hành bạn sẽ thấy không khó đâu. Hoặc hôm nào đi taxi đến đoạn dốc nào đó thì nhờ tài xế làm thì thực tế và biết nhanh nhất.
Chúc bạn lái xe an toàn.