Không chịu kiểm tra nồng độ cồn bị xử lý thế nào?

Tại một chốt CSGT đang làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia, tôi chứng kiến một người đi xe máy mặt đỏ gay gắt, khi bị CSGT yêu cầu dừng xe, anh ta bước xuống vẫn còn đi loạng choạng. Khi CSGT yêu cầu kiểm tra thổi, đo nồng độ cồn, người này vẫn chấp hành nhưng chỉ ngậm ống thổi nhưng không thổi, nên không có kết quả. Vậy, trong trường hợp này, CSGT sẽ xử lý như thế nào?

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 8 năm trước

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định nghiêm cấm người điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng rượu, bia quá mức cho phép mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo đó, khi thấy người điều khiển phương tiện lưu thông có một số biểu hiện như mặt đỏ, đi xe loạng choạng… thì Cảnh sát Giao thông có quyền yêu cầu dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. Nếu người vi phạm kiên quyết chống đối, không chịu chấp hành thì sẽ bị Cảnh sát Giao thông lập biên bản xử phạt theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 6, Điều 6 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02 tháng.