Thắc mắc về biển cấm đỗ ôtô?

Có một vấn đề em thắc mắc đã lâu nhưng chưa tìm được câu trả lời. Đó là việc ở tuyến đường không có biển báo cấm dừng, đỗ, nhưng cũng không có biển cho phép đỗ thì em có được đỗ không. Mong bác nào rành về luật cho em bổ túc lái ít kiến thức luật ATGT

(Hoàng).

Pham Thi Thu Thuy
Pham Thi Thu Thuy
Trả lời 14 năm trước

Không có bảng cấm thì được phép

Ở tuyến đường không có biển báo cấm dừng, đỗ, cũng không có biển cho phép đỗ thì bạn có thể dừng, đỗ tại đó (tất nhiên bạn cũng phải nhìn trước ngó sau xem vị trí đó có phù hợp để đỗ, dừng xe không, có gây cản trở, nguy hiểm gì cho người qua lại không).

Mẹo nhỏ: Người dân được làm tất cả những gì mà nhà nước không cấm.

Phi Trường

Bui Thu Phuong
Bui Thu Phuong
Trả lời 14 năm trước

Không có biển cấm dừng đỗ, mà không có biển đỗ vẫn bị phạt như thường

Mặc dù theo luật là vẫn được dừng đỗ. Tuy nhiên các anh Công an và Giao thông công chính vẫn phạt như thường, vì các anh sẽ lấy hàng loạt các nguyên nhân khác để chỉ ra bạn mắc lỗi và bạn chỉ đưa cho các anh ý vài trăm ngàn là các anh ý cười tươi bắt tay rất tình cảm

Ha Thanh

Hoang Van Tai
Hoang Van Tai
Trả lời 14 năm trước

Nơi nào đỗ, dừng xe được

1. Theo Luật giao thông đường bộ:

- Biển cấm đỗ, cấm dừng có hiệu lực từ chân cột biển tới nơi có biển "hết cấm đỗ, cấm dừng" hoặc "hết tất cả mọi lệnh cấm" hoặc tới ngã ba, ngã tư gần nhất.

- Đường kẻ vạch phân làn trên mặt đường có màu vàng.

Như vậy bạn có thể đỗ bất cứ chỗ nào không nằm trong khoảng có hiệu lực của cấm đỗ cấm dừng nêu trên.

2. Theo lệ: (Quy định của địa phương hay nói khác là theo quan niệm của CSGT).
Những nơi có biển P thì được đỗ còn lại thì không.

3. Kinh nghiệm: Luật trên lệ, bạn cứ dừng đỗ, nếu CSGT hỏi thăm thì nhẹ nhàng lý giải, xin lỗi vì chưa biết, không cho đỗ thì đi chỗ khác.

Chúc thành công.

Quang Tuyến

Hoang Minh Thu
Hoang Minh Thu
Trả lời 14 năm trước

Vấn đề là ...

Nói về biển cấm đỗ, dừng ... tôi thấy ai cũng có cái lý cả ... Vấn đề là anh CSGT có "chịu" không mà thôi. Ở nước ngoài, tại nơi không có biển báo cấm đỗ, dừng thì đỗ, dừng ôtô phụ thuộc vào qui định tại Luật, ví dụ, ở Nhật Bản, khi CSGT thấy xe đỗ như vậy, họ vẽ vòng tròn quanh bánh xe và ghi giờ họ thấy ... sau đó họ đi đâu đó một lúc (khoảng 10 - 15 phút gì đó), khi qua lại mà vẫn thấy xe đỗ ở đó là họ dán vé phát lên xe ngay;

Còn ở ta ... hihi, khi ta chỉ cần dừng xe ở nơi treo biển cấm đỗ (đường Hai Bà Trưng chẳng hạn) mà CSGT thấy là họ chặn đầu xe liền và ... hỏi giấy tờ ... Còn nếu ta đỗ xe ở những nơi đó thì họ ... cho xe kéo đến và cẩu đi nếu sau khi họ "điều khiển" đấu nối một thời gian nhất định (nếu không thấy tài xế xuất hiện) ...

Tại sao họ phải mất nhiều thời gian để "đấu nối" với xe vi phạm thì ... cũng phải hỏi CSGT thôi ... Vấn đề là Luật và lệ có liên quan. Chúc bạn chú ý để không bị CSGT "hỏi thăm" ở những chỗ không có biển báo được phép đỗ, dừng xe.

Hoang Minh

Do Hoang Ha
Do Hoang Ha
Trả lời 14 năm trước

Ở Hà Nội luật là đinh nhé

Các bác có ý kiến ở trên hoàn toàn đúng nhé. Nhưng ở Hà Nội, theo lời mấy bác CSGT khác đó: chỉ được đỗ ở nơi có biển cho phép đỗ, còn mấy cái biển cấm đỗ cấm dừng còn sót lại trong nội đô là do chưa có kinh phí để tháo bỏ thôi. Mấy bác tài lái xe chưa biết thì khi đến thủ đô phải cẩn thận.

Nhập gia tùy tục nhé, luật áp dụng đâu đó chứ riêng thủ đô là khác lắm.

Ngo Hong Cuong

Le Huyen Trang Nhung
Le Huyen Trang Nhung
Trả lời 14 năm trước

Không được phép đỗ đâu bạn!

Theo tôi trong trường hợp không có biển cấm dừng hay cấm đỗ tại 1 tuyến đường nhưng trên tuyến đường đó có kẻ vạch làn đường cho phép đỗ thì bạn mới được đỗ xe còn lại là sai.

Bạn nên đọc kỹ NĐ34. Chúc bạn lái xe đúng luật và an toàn.

NAĐ.

Lai Hoang Doanh
Lai Hoang Doanh
Trả lời 14 năm trước

Luật chưa qui định rõ

Trong luật GTĐB có qui định về đỗ, dừng. Tuy nhiên như thế nào là đỗ xe, như thế nào là dừng xe và như thế nào là hành động để xe thì tôi chưa thấy có văn bản nào hướng dẫn. Tôi đã hỏi một trung tá CSGT (Xin được dấu tên) và được anh này hướng dẫn như sau:

- Hành động dừng xe là hành động cho xe đứng tại chỗ (không di chuyển) nhưng vẫn nổ máy và người lái vẫn ngồi tại vị trí lái xe.

- Hành động đỗ xe là hành động cho xe đứng tại chỗ, tắt máy và người lái xe có thể xuống xe nhưng không được bỏ xe để đi nơi khác (nghĩa là nếu cần thì người điều hành giao thông có thể yêu cầu người lái di chuyển xe đi nơi khác để giao thông không bị ách tắc).

- Hành động để xe là hành động đỗ xe nhưng người điều khiển xe không cần thiết phải có mặt tại nơi đỗ xe.

Như vậy nếu bạn đỗ xe tại nơi không có biển cấm đỗ nhưng bạn vẫn có mặt tại nơi đỗ xe của bạn thì không ai được phép phạt bạn cả. Tuy nhiên bạn phải lưu ý đến qui cách đỗ xe như: đỗ cách lề đường nhỏ hơn 25cm, không đỗ song song với xe khác đã đỗ dừng trước đó, không đỗ lên miệng nắp cống, không đỗ tại nơi lấy nước cứu hỏa V.V...

Những điều trên tôi chỉ mới được nghe CSGT hướng dẫn nhưng chưa tìm được văn bản hướng dẫn, nếu bác nào biết có tài liệu hướng dẫn cụ thể thì xin được chỉ giáo.

Vu Anh

Nguyen The Hoang
Nguyen The Hoang
Trả lời 14 năm trước

Không cấm thì cứ thực hiện

Như vậy, kiến thức chung của bạn về Luật, bao gồm cả luật giao thông đường bộ, là hơi bị kém. Luật chỉ qui định rõ những hành vi mà Nhà nước "cấm" hoặc "hạn chế" người dân không được thực hiện. Còn nếu Luật không qui định, thì công dân có toàn quyền được thực hiện hành vi đó.

Cụ thể ở đây, bạn có toàn quyền được dừng hoặc đỗ theo đúng qui định hiện hành (bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phối dưới 0,25 m; không dừng/đỗ trên phần đường dành cho người đi bộ, v.v.).

Chúc bạn may mắn nếu phải thi lại Luật giao thông đường bộ.

Cong Vinh

Cao Minh Thành
Cao Minh Thành
Trả lời 14 năm trước

Dừng, đỗ đúng luật

Theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì việc dừng, đỗ xe nên được hiểu như sau:

1- Nếu có biển đỗ xe thì đương nhiện được đỗ xe vào khu vự đó.

2- Nếu không có biển đỗ xe và cũng không có biển cấm dừng, đỗ xe thì chỉ được dừng đỗ khi không vi phạm các quy định khác về cấm dừng, đỗ... Tôi xin trích dẫn điều luật cho các bạn tham khảo:

Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:

a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;

b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;

c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;

d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;

đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;

e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;

g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Điều 19. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:

1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.

2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.

Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định. (Xin đính chính một bạn nào đó nói là địa phương khác nhau thì có Lệ khác nhau--Phép vua thua lệ làng. Xin thưa là luật pháp áp dụng chung trên toàn quốc, không thể địa phương khác nhau thì áp dụng khác nhau. Chuyện áp dụng khác nhau là vấn đề thi hành pháp luật (có thể làm sai) chứ không phải luật riêng cho địa phương đó)

T.C.C

Hoang Trung Thuc
Hoang Trung Thuc
Trả lời 14 năm trước

Chắc chắn là được

Nếu như không trong phạm vi như các bạn trên đã nói là có biển cấm, vạch kẻ cho người đi bộ, xe buýt, bên trái đường một chiều... Thì tất cả trường hợp còn lại là được đỗ. Trong lúc học lý thuyết lái xe thì có nêu vấn đề này mà. Luật quy định rằng "Người lái xe được dừng, đỗ xe trong trường hợp trên đường có bề rộng đủ cho hai làn xe, ngoài phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức".

Và khi đỗ nơi được phép trên đường phố, thì người điểu khiển phương tiện "phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét". Luật quy định như thế thì mình cứ chấp hành là không vi phạm, tất nhiên nếu anh đỗ nơi được đỗ mà anh quăng cái đít xe, đầu xe ra giữa đường thì là vi phạm rồi.

Còn về CSGT nếu chơi luật rừng thì đành chịu.

LCD