Bảo vệ xe mùa mưa bão?

 Bảo vệ xe mùa mưa bão?

Trả lời 14 năm trước

Mùa mưa đi kèm với lụt lội, luôn được coi là kẻ thù nguy hiểm của xe hơi. Kính lái bị mờ, cần gạt nước luôn luôn trong tình trạng hoạt động không ngừng, cảm giác lái thông thường không còn nữa...

Nghiêm trọng hơn, nước có thể lọt vào cổ hút gió, làm hỏng động cơ là tình trạng hay xảy ra và để lại hậu quả nặng nề nhất. Chi phí cho những lần sửa chữa có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Làm thế nào để giảm thiểu nhất thiệt hại? Bạn hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất.

Những hiểm họa có thể gặp phải

Không mấy người lấy làm thích thú khi đi xe vào những con đường ngập lụt. Tuy nhiên, phần lớn trong số họ vẫn nhấn ga khi đứng trước một con đường đang ngập và không ít người trong số đó đã phải trả giá đắt cho sự liều lĩnh của mình.

Anh Phan Huy Minh ở Trung tâm Cứu hộ Giao thông 116 cho biết: "Khi đi qua một con đường ngập, nước thường hay lọt vào cổ hút gió nằm ngay trên lưới tản nhiệt, điều đó dẫn tới việc, xe sẽ bị chết máy. Với những người ít kinh nghiệm lái xe, họ sẽ cố gắng khởi động xe, lúc này nếu tiếp tục cho xe chạy sẽ gây ra tình trạng hỏng động cơ và đặc biệt là cong tay biên. Hiện tượng này xảy ra là do thông thường các piston ép hỗn hợp khí nạp lên nhưng do hỗn hợp khí nạp đã bị nước chiếm chỗ và nước không thể chịu nén nên chính cản trở này đã làm cong tay biên và piston, khi tay biên bị cong quá sẽ gẫy và chọc thủng thành động cơ, phá hủy máy". Chi phí để khắc phục sự cố hoàn toàn không rẻ, bạn sẽ phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để thay tay biên hoặc trong một số trường hợp, bạn sẽ phải thay toàn bộ máy với giá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Một trường hợp nữa cũng rất dễ xảy ra khi bạn đi xe vào đường ngập nước sâu - đó là xe sẽ bị hỏng hệ thống điện. Trong những ngày mưa bão lớn cuối tháng 5 vừa qua, xe bị ngập, đường tắc kéo dài hàng tiếng đồng hồ, việc ngâm chiếc xe của mình dưới dòng nước mát lúc này lại như là "ngồi trên đống lửa", vì khi xe bị ngâm nước sẽ gây chập và làm hỏng các thiết bị điện cho dù lúc đó bạn đã tắt máy. Nếu để nước lọt vào sàn xe còn có thể gây hỏng hệ thống điện điều khiển ghế, điều hòa, các cảm biến... và gây ẩm mốc.

Cách phòng chống và khắc phục

Cách phòng chống tốt nhất và hiệu quả nhất là bạn không nên đi xe vào lúc mưa, ngập nước này. Hãy đỗ xe ở chỗ cao ráo và chắc chắn.

Trong trường hợp bắt buộc phải đi vào những con đường đang ngập lụt, điều bạn nên chú ý đầu tiên là phải giữ vững tay lái, đề phòng đi vào đường trơn, và nếu có thể thì nên đi theo vệt bánh xe đi trước, tắt điều hòa, sử dụng số thấp và đi chậm, đồng thời ra hiệu cho xe đi ngược chiều cùng đi chậm để tránh tạo sóng cao tràn nước vào cổ hút gió.

Khi cho xe chạy qua vùng ngập nước cần phải kéo lá chắn két nước, tháo dây đai quạt gió, tránh trường hợp quạt gió khi bị ngập trong nước sẽ "chém" lệch hướng vào két nước, bọc kín bộ chia điện, dây điện.

Trong trường hợp xấu nhất xảy ra là xe chết máy, bạn không nên cố khởi động xe hoặc đẩy nổ, lời khuyên lúc này là bạn nên gọi xe cứu hộ để tránh những trường hợp xấu đã nêu trên.

Một trong những việc vô cùng cần thiết sau khi xe vận hành dưới trời mưa bão là bạn nên mang xe đến các trung tâm sửa chữa có uy tín để kiểm tra dầu động cơ, dầu hộp số, nếu chúng có màu trắng đục, loãng thì chắc chắn trong dầu đã có lẫn nước và hẳn nhiên bạn phải thay dầu. Bạn cũng nên nhờ các nhân viên kĩ thuật xem kĩ hệ thống phanh, hệ thống đèn nội thất xem có bị ẩm và đọng nước hay không.

Cuối cùng, một lời khuyên dành cho bạn là hãy lường trước mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho chiếc xe yêu quý của mình. Gọi cứu hộ nếu cảm thấy cần thiết, hiện nay có khá nhiều trung tâm cứu hộ giao thông hoạt động với mức giá trung bình khoảng 400.000đ/ca nội thành và 14.000đ/km đường dài, đừng bao giờ trả giá đắt cho sự liều lĩnh của mình.