Nếu tính cả mạng di động được thiết lập hạ tầng mạng lẫn mạng di động ảođã cấp phép, tính tới thời điểm này, Việt Nam có 9 mạng di động. Một con số được cho là quá nhiều so với gần 90 triệu dân. Thế nhưng, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thônglà sẽ không hạn chế số lượng mạng di động ảo, doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được cấp phép.
Gần một năm sau khi mạng di động ảo đầu tiên của Việt Nam Đông Dương Telecom được cấp phép, hôm 22/6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép tấm giấy phép mạng di động ảo (MVNO) thứ hai cho Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC. Và rất có thể, trong ngày một ngày hai tới, FPT lại cũng tham gia vào thị trường và họ là nhà mạng thứ 3 được cấp phép MVNO.
Tới thời điểm này, Việt Nam đã có tới hơn 100 triệu thuê bao di động. “Mảnh đất” di động đã dần bị thu hẹp lại. Theo tính toán của các chuyên gia viễn thông, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường thông tin di động Việt Nam chỉ còn cùng lắm là 2 năm nữa để phát triển thuê bao trước khi đến ngưỡng bão hoà.
Dù vậy, theo cam kết của Việt Nam trong WTO cũng như trong Luật Viễn thông sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2010 tới, Việt Nam không hạn chế về số lượng giấy phép viễn thông. Với giấy phép cho các mạng di động ảo cũng vậy. Bộ Thông tin và Truyền thông không khống chế số lượng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Theo ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện, Bộ sẽ cấp phép. Quá trình cấp phép MVNO đã được Bộ Thông tin và Truyên thông tham khảo nhiều chuyên gia quốc tế.
Điều kiện để được cấp phép cung cấp dịch vụ mạng ảo là chỉ cần tuân thủ các quy định về cấp phép trong Luật Viễn thông. Mạng di động ảo không có băng tần riêng mà phải sử dụng hạ tầng và băng tần của các mạng di động khác.
Việc triển khai MVNO có hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Nếu như với các nước mức độ cạnh tranh hạn chế thì họ buộc ra nhiều MVNO và cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải can thiệp nhiều vào quá trình đàm phán để ép ra MVNO, nhưng đối với thị trường cạnh tranh như Việt Nam, xin giiấy phép MVNO hoàn toàn do nhu cầu của doanh nghiệp.
Hiện nay đầu 10 số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp hết cho các mạng di động, vì vậy chỉ còn đầu 11 số. Thế nhưng, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dù hai giấy phép MVNO đã được cấp ra nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào xin đầu số 11 số để cung cấp dịch vụ.
Tổng số đầu số theo quy hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện có là 500 triệu số, và mới cấp ra khoảng hơn 200 triệu số. Bộ vẫn còn hơn hai chục đầu số nữa có thể cấp cho các mạng di động. Trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường này thì Bộ TT&TT sẽ đảm bảo đủ đầu số cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Được biết, giấy phép MVNO hiện có 3 loại. Loại thứ nhất là simple MVNO hay MVNO đơn giản. Đây là doanh nghiệp hoàn toàn mua lưu lượng xong bán lại như là tổng đại lý.
Loại thứ hai là Intermediate MVNO (MVNO trung gian). Doanh nghiệp xin giấy phép này có 1 số trang thiết bị để quản lý hệ thống thuê bao.
Loại 3 là full MVNO. Bộ đã cấp phép cho Đông Dương và VTC loại giấy phép này. Doanh nghiệp được cấp sẽ thiết lập mạng lưới lõi nhưng không có hạ tầng vô tuyến và sử dụng hạ tầng vô tuyến của doanh nghiệp khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến khích bất kỳ ai muốn làm tổng đại lý cho doanh nghiệp khác. Nếu doanh nghiệp muốn thể hiện tên tuổi của mình, SIM mang tên mình nhưng số của doanh nghiệp khác thì vẫn hoàn toàn được cấp phép. Tuy nhiên, ông Hải cho hay, hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào trình lên xin MVNO đơn giản.