Muốn có một hệ thống âm thanh surround để có không gian rạp hát tại gia của mình (HD Home Theater) nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu?

Nhà em hiện có TV mỏng chuẩn HD đẹp lung linh rồi.. giờ cần chuẩn bị thêm gì nữa để có HD Home Theater trong nhà ạ
Yamoto
Yamoto
Trả lời 15 năm trước
Trong mùa mua sắm cuối năm, bạn có thể dễ dàng hơn khi chọn mua một hệ thống home theater phù hợp túi tiền, bởi lúc này các trung tâm thương mại cũng như các nhà sản xuất đang đưa ra nhiều chương trình khuyến mại giảm giá. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng có thể thỏa sức lựa chọn sản phẩm, từ loại “tất cả trong một” (“Home Theater in a Box”-HtiB), cho tới các hệ thống gồm loa và receiver rời, thậm chí cả những hệ thống phức tạp với nhiều preamp/processor và power amp riêng biệt. Mang rạp chiếu phim về nhà hoàn toàn không khó như nhiều người thường nghĩ. Nhưng làm thế nào để có được một hệ thống hoàn hảo? [b]Vấn đề cơ bản đầu tiên – nguồn tín hiệu[/b] Home theater bắt nguồn từ tín hiệu đầu vào – trong điều kiện ở Việt Nam, đó có thể là một đầu đọc DVD hoặc “sang” hơn là Blu-ray hay HD-DVD. Bạn cũng đừng quên, muốn hình ảnh đẹp nhất, đầu vào của hệ thống phải là các thiết bị HD. Tín hiệu truyền hình thông thường hoàn toàn không phải HD, cũng như băng video hay DVD (mặc dù DVD là có chất lượng cao nhất trong số đó). [b]Chọn Blu-ray hay HD-DVD[/b] Cả Blu-ray và HD-DVD đều đem lại chất lượng hình ảnh và âm thanh tuyệt vời nhất hiện nay. Cả hai đều cung cấp tín hiệu video 1080p, và đa phần đều có chất lượng âm thanh surround hoàn hảo dưới dạng Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio. Chất lượng âm của các công nghệ này ngang ngửa với chất lượng studio. Nói cách khác, với các thiết bị tốt, âm thanh đầu ra sẽ y hệt những gì diễn ra ở trường quay. Vấn đề là ở chỗ: Blu-ray và HD-DVD không tương thích với nhau. Đầu Blu-ray không đọc được đĩa HD-DVD và ngược lại (tuy nhiên cả hai đều chơi được đĩa DVD thông thường). Vậy bạn nên mua một định dạng hay là cả hai? Và nghiêng về bên nào? Điều đó phụ thuộc vào sở thích của bạn. Giá một đầu Blu-ray trên thị trường hiện nay vào khoảng trên 1.000USD, còn đầu HD-DVD thì có thể rẻ hơn, nhưng tại Việt Nam thì hiếm gặp hơn Blu-ray. Còn nếu bạn thích chơi cả 2 định dạng nói trên, bạn có thể tìm mua một đầu combo player (là loại đầu đọc được cả 2 định dạng). LG và Samsung đã sản xuất những đầu đĩa có thể đọc được cả Blu-ray lẫn HD-DVD như LG BH200 và Samsung BD-UP5000 Duo. [b]Đầu DVD liệu còn dùng được?[/b] Nhiều người không quan tâm tới cả Blu-ray lẫn HD-DVD bởi họ có một tủ lớn đĩa và cho rằng DVD là đủ tốt rồi. Sự thật là bạn có thể có được chất lượng hình ảnh rất tốt với một đầu DVD đời mới. Hãy tìm một đầu DVD có chức năng “up-convert” hay “up-scale”, nghĩa là nhờ mạch điện bên trong xử lý độ phân giải 480p của DVD lên 720p, 1080i hay thậm chí tới 1080p để thể hiện trên màn hình HDTV. Nhưng các HDTV, và một số receiver cũng có chức năng up-convert của riêng mình, và nhiều lúc chúng làm việc này còn tốt hơn cả đầu đĩa. Để thử nghiệm xem thiết bị nào up-convert tốt hơn, hãy thử bật và tắt chức năng up-conversion khi xem một đĩa DVD thông thường. Khi chức năng này của đầu đĩa được tắt, TV sẽ tự động làm việc đó. Phần còn lại là quyết định của bạn. Trên thị trường Việt Nam hiện nay, ta có thể dễ dàng tìm thấy các đầu DVD có chức năng nâng cao độ phân giải hình ảnh với giá rất hợp lý, chỉ khoảng 100-300USD bạn đã mua được sản phẩm của Samsung, LG, Denon, Pioneer, Marantz… Trong nhiều bộ dàn “tất cả trong một” của Samsung, LG hay Pioneer cũng có chức năng nâng cao độ nét up-convert tiện lợi này. [b]HD cả khi chơi game nữa[/b] Với những bạn trẻ yêu thích game, thì PS3 của Sony và Xbox 360 của Microsoft là những thiết bị chơi game có thể đem lại hình ảnh HD. Những game như Halo 3 hay Guitar Hero III thực sự gây “choáng váng” người xem trên màn hình HDTV. Không chỉ vậy, PS3 còn chơi được đĩa Blu-ray bằng chính đầu đọc đĩa game của nó, còn với Xbox 360 bạn có thể mua thêm một đầu đọc lắp ngoài khá rẻ để chạy đĩa HD-DVD. Cả hai cũng chơi được đĩa DVD thông thường. Có thể nói đây là những thiết bị đa dụng đáng giá và có chất lượng cao nhất trên thị trường đồ điện tử hiện nay. [b]Kết nối HDMI[/b] Bây giờ ai cũng biết rằng kết nối giữa các thiết bị HD với nhau là HDMI (High-Definition Multimedia Interface). Chỉ với một sợi cáp, cả tín hiệu audio và video chất lượng cao đều được truyền tải, giúp giảm bớt cả mớ dây trông như món mì ăn liền thường thấy sau các TV đời cũ. Hiện có nhiều phiên bản HDMI – 1.0, 1.1, 1.2, 1.2a, 1.3 và 1.3a. Mỗi phiên bản lại có nhiều chức năng khác nhau và dễ gây nhầm lẫn. Ví dụ, một số A/V receiver “HDMI 1.3” có chức năng giải mã âm thanh surround Dolby TrueHD và DTS HD Master Audio, điều mà bạn sẽ không tìm thấy trong các phiên bản HDMI cũ. Bạn nên chú ý tới vấn đề này và đừng ngại đặt câu hỏi cho người bán hàng khi có thắc mắc. [b]Receiver – trái tim của hệ thống âm thanh[/b] Một bộ A/V receiver đóng vai trò trung tâm trong hệ thống home theater của bạn. Nó cho phép bạn lựa chọn giữa những thiết bị nguồn và đưa tín hiệu video tới TV, cung cấp công suất cho các loa surround cùng nhiều chức năng thiết yếu khác. Hầu hết các hệ thống receiver là loại 5.1 kênh với năm loa (ba loa trước, hai loa sau), cùng một loa subwoofer có nhiệm vụ xử lý tiếng bass trầm nhất. Phần lớn A/V receiver có thể giải mã tín hiệu 5.1 Dolby Digital, DTS, Dolby Digital EX và DTS ES thông thường. Một số đời cao hơn, còn có thể cung cấp thêm âm thanh back-surround. Kênh phụ này có thể được tái hiện bằng một hoặc hai loa sau để làm nên âm thanh 7.1 kênh. Có vô số receiver được bày bán, từ các model có giá thấp hơn dưới 300USD tới những “con máy” hi-end giá trên 5.000USD. Bạn phải xác định số tiền mà mình sẽ dành cho receiver, đồng thời thu hẹp giới hạn lựa chọn bằng cách đưa ra những yêu cầu đòi hỏi khác nhau về mục đích sử dụng. Hầu hết mọi người đều chỉ muốn (và chỉ cần) 5.1 kênh, nhưng nếu có túi tiền và không gian đủ lớn, một hệ thống 7.1 sẽ không làm bạn thất vọng. Bởi hệ thống xử lý surround và công suất cần thiết đã có sẵn trong hầu hết các receiver hiện nay, ta chỉ cần mua thêm một hay hai loa bổ sung mà thôi. [b]Một số chức năng cần lưu ý[/b] Ngay cả những receiver rẻ tiền ngày nay cũng có những chức năng mà mới vài năm trước thoạt nghe còn xa lạ. Dưới đây là một số chức năng hữu ích (và khá sành điệu) mà bạn nên biết: Tự động điều chỉnh cân bằng âm thanh (equalization) dựa trên vị trí đặt loa và cấu tạo của phòng. Bằng cách thu phát các tín hiệu phản hồi, receiver có thể xác định kích thước phòng bạn và dựa vào vị trí của loa để chỉnh tần số, pha và độ mạnh của từng loa sao cho âm thanh nghe sẽ tự nhiên và cân bằng nhất. Giải mã Dolby TrueHD và DTS-HD Master Audio, để có được chất lượng âm thanh tốt nhất hiện nay, tương thích chuẩn Full HD. Video up-conversion qua HDMI (như nói trên), cải tiến chất lượng hình ảnh của những nguồn tín hiệu độ phân giải thấp như DVD, đồng thời giúp giảm bớt đống dây lằng nhằng kết nối giữa receiver và TV. Kết nối với iPod: Ai chẳng muốn kết nối iPod của mình với một hệ thống âm thanh “thực sự”. Trong nhiều trường hợp bạn phải mua thêm những giá đỡ (dock) iPod đặc biệt và gắn vào receiver. Chức năng “Multi-zone”: Xử lý nhiều nguồn tín hiệu đồng thời, xem phim trong phòng khách và nghe nhạc trong phòng ngủ cùng một lúc. Không cần phải tìm thêm một receiver thứ hai hay ampli chỉ cần thêm một đôi loa, vậy là đủ. Nếu máy tính là kho lưu trữ bộ sưu tập âm nhạc và phim đồ sộ của bạn, bạn sẽ thấy thích thú khi được biết rằng kết nối Wi-Fi và Ethernet cũng đang xuất hiện trên nhiều receiver đời mới, cho phép bạn truyền file trực tuyến từ PC của mình. [b]Đầu vào và đầu ra[/b] Bạn phải chắc chắn rằng chiếc receiver định mua có đủ số đầu kết nối bạn cần. Một hệ thống home theater với nhiều thiết bị khác nhau (đầu Blu-ray hay HD-DVD, máy chơi game, DVR, VCR, và đủ thứ khác) sẽ đòi hỏi rất nhiều đầu vào, trong khi một hệ thống “tất cả trong một” lắp trong phòng ngủ thì không có đủ. Bao nhiêu thiết bị của bạn có đầu ra HDMI? Và component video thì sao, bạn cần bao nhiêu? Bạn có còn dùng đĩa than không? Nếu có, bạn sẽ phải mua thêm một đầu vào phono input riêng (hoặc, chuyên nghiệp hơn, một phono preamp để dùng đầu vào RCA chuẩn). Quan trọng hơn, bạn phải biết tính toán cho tương lai và mua một chiếc receiver với nhiều đầu nối hơn bạn cần. Bạn sẽ không phải hối tiếc sau vài năm (hoặc thậm chí sau vài tháng) khi những công nghệ mới lại tiếp tục xuất hiện. [b]Thử receiver trước khi mua[/b] Chiếc receiver mà bạn thích không chỉ có những chức năng cần thiết mà còn phải dễ dùng. Một số rất dễ điều khiển, số khác thì không. Bộ điều khiển từ xa là yếu tố quan trọng, bạn phải cầm cho thật chắc tay trước khi quyết định mua. Tay cầm có thoải mái trong tay bạn không? Nút bấm được bố trí đơn giản, hay bạn cần phải là một chuyên gia để mày mò mỗi lần muốn dùng? Đó là những câu hỏi quan trọng, đặc biệt trong trường hợp nhiều người trong gia đình bạn sẽ dùng bộ điều khiển đó. [b]Công suất hợp lý[/b] Bạn cần công suất ampli bao nhiêu? Điều đó phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, bao gồm kích thước phòng bạn, khả năng hấp thụ âm thanh của nội thất, và độ nhạy của loa. Cũng may là tiếng bass (ngốn nhiều năng lượng nhất) thường đã có loa subwoofer với ampli riêng đảm nhiệm. Công suất mỗi kênh của receiver không cần lớn lắm, 40 hay 50W thực mỗi kênh là đủ cho hầu hết mọi hoàn cảnh. [b] Đặt chân vào hi-end[/b] Nếu bạn có một căn phòng riêng, có tài chính dư dả và muốn một hệ thống home theater hoành tráng không kém gì cinema thứ thiệt, bạn nên mua preamp/processor và ampli công suất đa kênh riêng. Đi trên “con đường” này, bạn sẽ gặp đầy rủi ro và thử thách, nhưng ở đích đến bạn sẽ có được chất lượng trình diễn độc nhất vô nhị và tùy ý điều chỉnh theo ý mình, đồng thời không bao giờ lo bị thiếu công suất. Một số nhà sản xuất receiver cũng sản xuất các thiết bị hi-end riêng rẽ, đồng thời có một số các thương hiệu tập trung chuyên sâu vào sản xuất preamp/processor và power amp riêng như Lexicon, Mark Levinson, Anthem… [b]Giải pháp giản dị nhất[/b] Thay vì đầu tư receiver rời như trên, với những gia đình ở chung cư hoặc có phòng khách vừa phải, bạn có thể mua các bộ dàn “tất cả trong một” với giá thành rất hợp lý. Phần receiver của bộ này sẽ tích hợp đủ hết đầu đọc DVD, tuner thu radio AM/FM, ampli đa kênh… ta chỉ việc đấu dây vào bộ loa bán kèm, bỏ đĩa vào và ngồi ung dung thưởng thức. Một số hệ thống còn “đi xa” hơn bằng cách nhập tất cả các loa chính với nhau làm một loa dài bày ngay dưới TV và phát ra âm thanh surround ảo (virtual surround sound), những hệ thống kiểu này thường rất gọn nhẹ và cần có thêm duy nhất một loa subwoofer và bộ điều khiển, gọn hơn nữa, đôi khi nó còn được gắn kèm cả đầu DVD – thật siêu gọn để dùng ở những căn hộ chung cư, nơi mà từng mét vuông không gian đều quý giá. Tất nhiên nếu bạn đi theo con đường “tất cả trong một”, bạn cần biết rằng một số hệ thống cho chất lượng rất tốt với giá dễ chịu, trong khi một số chỉ ở mức trung bình – hoặc thậm chí là khá tệ. Nói chung, nếu bạn muốn có một hệ thống “tất cả trong một” từ mức “dùng được” trở lên, bạn phải bỏ ra ít nhất là 500USD. [b]Loa – linh hồn của hệ thống[/b] Nếu nói receiver là trái tim của một hệ thống home theater thì bộ loa là phần linh hồn. Bộ loa quyết định toàn bộ các đặc tính âm thanh, vì vậy tìm được một đôi loa hợp với bạn là điều vô cùng quan trọng. Hầu hết các hệ thống home theater là loại 5.1 kênh: Ba loa trước (trái, trung tâm và phải), hai loa surround nằm lệch về phía sau, và một loa subwoofer riêng chuyên xử lý các âm thanh siêu trầm. Thường thì âm thanh 5.1 là đủ để thỏa mãn mọi người với chất lượng ngang ngửa rạp chiếu phim. Chưa kể, năm loa thường và một loa sub sẽ chiếm một diện tích không nhỏ. Nhưng nếu bạn muốn sự hoàn hảo, đồng thời lại có không gian đủ rộng và ví tiền đủ dày, bạn có thể thêm một hoặc hai loa sau để làm nên hệ thống 6.1 hoặc 7.1. Những loa back surround này thường là loại treo tường ngay sau chỗ ngồi của bạn. Kết quả: âm thanh thực hơn, sâu sắc hơn và ấn tượng hơn, đặc biệt với các phim hành động phiêu lưu mạo hiểm. [b]Đủ mọi hình dáng, đủ mọi kích thước[/b] Trong thời đại hoàng kim của hi-fi, 90% các loa đều có dạng hình hộp chữ nhật với vỏ gỗ và lưới bảo vệ bằng vải. Ngày nay, loa được làm từ đủ mọi chất liệu, đủ mọi hình dạng, kích thước, phù hợp với mọi kiểu phòng trên đời. Bạn có thể mua loa cột đứng sừng sững trên sàn, loa bookshelf để đặt lên giá sách, loa vệ tinh để treo lên tường, và thậm chí cả loa treo trên trần nhà. Hầu hết chúng đều có thiết kế quý phái và tinh xảo, phù hợp với đa phần nội thất cũng như các thiết bị điện tử khác – đặc biệt là TV LCD và plasma màn hình phẳng. [b]Bạn nên mong đợi những gì từ bộ loa của mình[/b] Bất kể bạn chọn loại loa nào, vẫn có những đặc tính âm thanh cơ bản mà mọi hệ thống loa tốt đều phải có: - Tính cân bằng âm sắc từ bass tới treble phải đều và tự nhiên. - Tiếng treble trong trẻo, không bị chói tai hay lạo xạo. - Tiếng nhạc chi tiết và rực rỡ. Bạn phải cảm nhận được tiếng gõ của ngón tay hay tiếng gõ mạnh của dùi trống. Trong các bộ phim, đó có thể là tiếng thì thầm của gió nhẹ thổi xào xạc qua các tán cây trong một ngày cuối thu. Những âm thanh như vậy phải nghe y hệt như những gì bạn có thể nghe thấy trong đời sống thực. - Không gian âm thanh phải rộng và sâu, vượt xa vị trí cố định của loa. - Âm sắc của nhạc cụ và giọng hát phải chính xác khi bạn nghe thật. Ca sĩ phải ở vị trí trung tâm với những nhạc khí khác nhau chiếm những vị trí khác nhau trong không gian. - Độ chính xác của các đoạn hội thoại, nhạc nền và hiệu ứng âm thanh trong phim. Một hệ thống loa tốt phải mang lại âm thanh trung thực, rộng mở ba chiều làm bạn như hòa nhập làm một với cảnh trong phim. - Âm thanh phải trong và mạnh mẽ, không bị méo hay nghe có cảm giác bị nén ép. - Tiếng bass không chỉ là những tiếng ù ù mà phải rõ ràng chi tiết. - Cuối cùng, khi bạn xem phim, hãy chú ý tới các đoạn hội thoại. chúng phải “trong như pha lê” và rõ ràng một cách tự nhiên. [b]Loa lớn, công suất lớn và tiếng bass mạnh[/b] Những loa cột đặt đứng trên sàn nhà, hoặc một số loa bookshelf cỡ lớn, thường được dùng trong các hệ thống home theater quy mô và được đặt trong những căn phòng lớn, bởi chúng có công suất lớn và đem lại tiếng bass mạnh mẽ hơn so với loa vệ tinh. Nếu bạn yêu âm nhạc 2 kênh, một cặp loa cột chất lượng tốt rất hữu ích khi thường nghe CD stereo. Một số loa cột đủ to và mạnh còn không cần thêm loa subwoofer bởi bản thân chúng đã có sẵn phần trầm đủ mạnh, hoặc tích hợp loa sub bên trong. [b]Chọn lựa loa surround[/b] Tuy rằng nhiều loa bookshelf có thể dùng làm loa surround (thực tế hầu hết các audiophile yêu thích âm nhạc đa kênh đều làm vậy), các nhà sản xuất loa vẫn cung cấp thêm các loa surround riêng có thể gắn lên tường. Âm thanh sẽ phát từ phía sau ra phía trước và lan tỏa khắp phòng để mở rộng không gian. Một số loại còn có các chức năng cho bạn lựa chọn giữa âm thanh dipole hay bipole. Một số hãng làm loại loa surround “hai trong một”, kết hợp hai kênh surround lại làm một, giúp tối giản hơn nữa diện tích yêu cầu. Loa không dây cũng là một lựa chọn có lý. Một số hãng sản xuất nhiều hệ thống loa wireless có thể dùng với tất cả các loại loa khác, giúp bạn đỡ có nguy cơ vấp ngã vì vướng phải dây loa chằng chịt khắp phòng. [b]Gắn vào tường – hay gắn lên trần nhà?[/b] Loa gắn vào trong tường và trên trần nhà một thời từng bị audiophile coi thường và cho rằng chỉ phù hợp với phòng tắm và nhà hàng. Nhưng hiện tại tình thế đã thay đổi. Có nhiều model khác nhau, đa dạng cả về kiểu dáng lẫn chất lượng, không ít trong số đó có thể làm kinh ngạc cả những audiophile từng một thời chê cười chúng. Điểm đặc biệt nổi bật của loại loa này là chúng như hòa lẫn vào môi trường xung quanh và hoàn toàn không chiếm chút diện tích quý giá nào của bạn. Một loại loa subwoofer tương tự cũng được thiết kế để có thể đặt vào các góc nhà. Vì bạn không thể điều chỉnh vị trí của chúng một khi đã gắn cố định, hầu hết các model gắn tường hay gắn trần đều sử dụng loa treble định hướng để giúp hội tụ âm thanh vào khu vực nghe của bạn. Loa gắn trong tường có thể dùng ở mọi vị trí, nhưng đa phần mọi người thích dùng chúng làm loa surround sau, bởi chúng dường như “biến mất”. Nếu bạn định làm vậy, hãy chắc chắn là âm thanh của chúng phù hợp với các loa trước. Một vấn đề cũng nảy sinh tại đây: bạn nên mua toàn bộ hệ thống loa của mình từ cùng một hãng sản xuất – đây là cách tốt nhất để đảm bảo tính tương thích về âm thanh giữa các loa với nhau, một yếu tố quan trọng để tái hiện được âm thanh một cách chân thực y hệt cinema. Ngoài ra, bạn nên tính toán thật kỹ lưỡng (có thể tham khảo cả ý kiến của các chuyên gia) trước khi lắp đặt, nếu không bạn sẽ có nguy cơ khoét thủng tường và đục lỗ trần nhà lung tung. [b]Tổng kết chung về loa[/b] Bạn có một lượng khổng lồ các loại loa khác nhau để lựa chọn, từ những loa giá rẻ, chỉ gồm subwoofer và các loa vệ tinh (satellite) loại nhỏ như nắm tay, tới những bộ loa “kiệt tác nghệ thuật” mê hồn với giá tiền tương xứng. May mắn thay, nhiều bộ loa của các hãng danh tiếng có mức giá trong tầm 1.000USD tới 2.000USD nhưng đem lại chất lượng đầy ấn tượng. Quay lại vấn đề chính về vai trò mang tính quyết định của bộ loa đối với âm thanh của hệ thống home theater. Bạn nên dành một khoảng thời gian kha khá để nghe thử thật nhiều model khác nhau của nhiều nhà sản xuất khác nhau. Đôi tai của bạn là người đánh giá trung thực và chính xác nhất. Khi đi nghe thử loa, hãy nhớ mang theo một số CD và DVD mà bạn biết là có chất lượng âm thanh tốt – từ những đĩa nhạc acoustic tới những phim DVD hành động và những tiếng bass thình thịch. Đừng quên rằng âm thanh trong phim và âm nhạc không phải là một, sẽ có những bộ loa có âm thanh rất tốt đối với các bộ phim nhưng lại đem lại chất lượng nhạc trên CD đáng thất vọng, và ngược lại. Bạn không chỉ xem phim, bạn vẫn có lúc nghe nhạc bằng bộ loa mà mình sắp mua. Quan trọng nhất: bình tĩnh và thoải mái. Liệu còn có điều gì thư giãn hơn là thả mình xuống ghế nệm và tận hưởng những bản nhạc hay bộ phim mà mình yêu thích? [b]Vài điểm đáng chú ý khác[/b] Ngoài các thiết bị đã nói trên, vẫn còn một số thứ có thể giúp cải thiện chất lượng trình diễn của hệ thống home theater. Một bộ universal remote control sẽ rất tiện lợi, bởi bạn có thể điều khiển mọi thiết bị audio và video của mình một cách dễ dàng mà không phải lục tìm trong mớ điều khiển để tìm ra cái bạn cần. Dây cáp cũng là một phụ kiện đáng đầu tư, dây cáp tốt sẽ truyền tín hiệu một cách liên tục và chính xác giữa các thiết bị với nhau, cũng như đảm bảo việc cung cấp công suất từ receiver tới loa. Khoảng cách càng xa, cáp nối càng phải tốt. Một số đồ nội thất như ghế sô-pha không chỉ để làm đẹp căn phòng mà còn đem lại cảm giác thư giãn khi thưởng thức phim ảnh và âm nhạc. Trên thị trường nước ngoài, còn có một số loại ghế được làm riêng cho mục đích home theater, có cả chỗ để đặt điều khiển từ xa ngay bên thành ghế. Tóm lại, dẫu rằng bạn đang định xây dựng một hệ thống home theater nhỏ cho phòng ngủ hay khổng lồ trong phòng riêng, hoành tráng không kém gì rạp chiếu phim, bạn luôn có thể thành công và có thể thưởng thức chất lượng hình ảnh và âm thanh choáng ngợp với mức giá không có gì phải hối tiếc. [right](theo Tạp chí Nghe Nhìn)[/right]